Mâu thuẫn tại Coteccons: Chuyện quản trị chưa hết nóng

(ĐTCK) Mâu thuẫn tại Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) lên đến đỉnh điểm khi cổ đông lớn Kusto muốn các thành viên HĐQT và Ban giám đốc từ chức, đồng thời sẽ triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường bầu HĐQT mới vào ngày 13/7. 
Mâu thuẫn tại Coteccons: Chuyện quản trị chưa hết nóng

Xung đột lợi ích

Dù không phải lần đầu tiên Kusto phản ứng với lãnh đạo Coteccons, nhưng tại thông báo ngày 2/6, cổ đông lớn này cho rằng: “Việc tiếp tục trao quyền quản lý cho đội ngũ quản lý cao cấp hiện tại của Coteccons là một rủi ro sống còn cho Công ty và có thể phá hủy tất cả giá trị cổ đông của Coteccons”.

Theo Kusto, hai bên đã không thành công trong việc đối thoại để giải quyết các vấn đề một cách nội bộ.

Trong đó, Kusto đã nhiều lần đặt ra câu hỏi cho HĐQT và Ban giám đốc về các vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, việc sử dụng tài nguyên và uy tín của Coteccons cho lợi ích của các công ty khác mà các thành viên có liên quan của HĐQT và Ban giám đốc có các lợi ích liên quan.

Trường hợp mà Kusto nhắc tới là Ricons. Một số thành viên của HĐQT và Ban giám đốc Coteccons đồng thời nắm giữ các chức vụ quản lý quan trọng tương tự tại Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons), bao gồm cả vị trí chủ tịch và đại diện theo pháp luật. Ngoài việc là nhà thầu phụ, Ricons còn là đối thủ cạnh tranh của Coteccons.

Ricons cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế và thi công, đây cũng là những hoạt động kinh doanh chính của Coteccons và cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường.

Lợi nhuận ròng sau thuế của Ricons năm 2015 chỉ bằng 11% lợi nhuận ròng sau thuế của Coteccons, nhưng đã tăng lên thành 51% trong năm 2019.

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu CTD của Coteccons giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 2/6 và tiếp tục giảm mạnh trong phiên sau đó, dù Coteccons phản hồi rằng, HĐQT đã họp và bác bỏ yêu cầu trên của Kusto cũng như có công văn giải thích cho nhóm cổ đông này về những lập luận không có cơ sở pháp lý.

Lỗ hổng quản trị

Mâu thuẫn tại Coteccons một lần nữa dậy sóng, nhắc lại vấn đề “muôn thuở” tại thị trường Việt Nam: “lỗ hổng” quản trị doanh nghiệp.

Nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp với kỳ vọng vào tương lai phát triển của công ty, đồng thời đặt niềm tin vào nền tảng quản trị minh bạch, công khai của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít công ty có hoạt động quản trị yếu kém.

Các nguyên tắc quản trị công ty theo quy định pháp luật Việt Nam bao gồm: đảm bảo một cơ cấu quản trị hiệu quả; đảm bảo quyền lợi của cổ đông; đối xử công bằng giữa các cổ đông; đảm bảo vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty; minh bạch trong hoạt động của công ty; HĐQT và ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả.

Tuy nhiên, nhìn lại các trường hợp nổi cộm trong quản trị doanh nghiệp thời gian qua, dễ nhận thấy các nguyên tắc quản trị đã không được tuân thủ.

Trong đó, một trong những vấn đề khiến cổ đông, nhà đầu tư cảm thấy nhức nhối là việc cổ đông lớn đặt lợi ích của mình trên lợi ích doanh nghiệp, làm tổn thương tới lợi ích của công ty cũng như các cổ đông còn lại thông qua các hành động như lập công ty sân sau, công ty con cùng ngành để san sẻ hợp đồng, không minh bạch trong quản lý…

Chẳng hạn, nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an khi Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có nhiều giao dịch giá trị lớn, lên tới con số hơn nghìn tỷ đồng, với công ty của “người nhà”, chính là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen của Chủ tịch HĐQT.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giao dịch với bên liên quan được coi là một trong những lỗ hổng về quản trị doanh nghiệp của HSG, khiến VDSC quan ngại về sự thiếu minh bạch tài chính của doanh nghiệp.

Trong niên độ tài chính 2017 - 2018, hơn 1/5 doanh số của HSG được tiêu thụ bởi các chi nhánh của Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, trong khi lượng thép cán nóng mua từ công ty này vượt 2.000 tỷ đồng.

Đây là lý do VDSC khuyến cáo nhà đầu tư cần lưu ý rủi ro quản trị doanh nghiệp ngay cả khi HSG đang có các động thái nhằm cải thiện tình trạng này như “nhận chuyển nhượng” các chi nhánh từ công ty riêng của Chủ tịch để giảm xung đột lợi ích với các cổ đông thiểu số.

Tuy nhiên, HSG vẫn có thể thực hiện giao dịch với các bên liên quan vào một thời điểm khác do những quyết định mua bán này có thể được linh hoạt theo ý chí của lãnh đạo Công ty.

Hay trường hợp “lộn xộn” tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG), nhóm cổ đông lớn An Quý Hưng nắm 5/7 ghế HĐQT, cho phép Chủ tịch, Tổng giám đốc duyệt chi khoản tiền lên tới nghìn tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT, chia nhau kiểm soát nhiều vị trí tại công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên…, khiến nhiều cổ đông đại chúng lo lắng, nghi ngờ về sự lạm quyền.

Thực tế, việc các doanh nghiệp có mối quan hệ “thân quen” khi cùng chung cổ đông/nhóm cổ đông nắm vai trò lãnh đạo làm dấy lên những nghi ngờ và khiến nhà đầu tư không thể yên tâm, nhất là khi họ không có đủ công cụ, điều kiện để kiểm soát mối quan hệ lợi ích giữa các doanh nghiệp này.     

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục