Lên một bước, xuống hai bước, thêm những ngày giao dịch chứng kiến điệu nhảy buồn của VN-Index
Có lẽ người đang phải chịu nhiệt độ cao nhất trong thời gian này chính là những NĐT đang giữ một lượng lớn cổ phiếu, hàng ngày chứng kiến tiền của mình trôi theo từng bước lùi của Index. Ắt hẳn không dưới 10 lần trong ngày, họ tự hỏi chính mình: nên làm gì? Bán ra để cắt lỗ, hay giữ lại chờ hồi phục?
Thật buồn cười là người ta dành quá nhiều thời gian để đưa ra những bằng chứng, chứng minh cho luận điểm “ghìm giá” của khối ngoại, bình luận hướng điều tiết thị trường của Chính phủ, ngắm nghía qua đủ loại thị trường, từ TTCK thế giới, thị trường vàng…, trong khi câu hỏi giản dị của NĐT là “nên làm gì?” thì mỗi bài phân tích lại đưa đến một kết quả khác nhau.
Có lẽ chúng ta đang tự “vĩ mô hóa” những quyết định đầu tư của mình, theo quan điểm của cá nhân tôi - để trả lời một câu hỏi “giản dị”, chúng ta chỉ cần một phương pháp giản dị. Tại sao ta cứ cố hỏi cả thị trường, để hy vọng một câu trả lời từ một nơi nào đó vọng lại, thay vì hỏi chính bản thân mình?
Những mục đích đầu tiên khiến bạn mua cổ phiếu này là gì?
Nếu bạn đầu tư tương lai vào một công ty chứ không đơn thuần chỉ là việc mua cổ phiếu của công ty đó, hay nói cách khác là đang đầu tư dài hạn, thì tốt nhất là nên phớt lờ những biến động trong ngắn hạn, chừng nào những yếu tố ban đầu khiến bạn mua cổ phiếu đó chưa thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Mức giá cổ phiếu trong ngắn hạn chỉ phản ánh rằng, người ta sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để mua nó chứ không hề nói nên giá trị thực của món hàng đó. Những món đồ “xịn” có thể đang bị thị trường làm cho xấu đi, và chẳng có lý do gì phải tống nó đi theo kiểu đại hạ giá!
Còn nếu mục đích đầu tư chỉ là “mua nay bán mai”, ăn chênh lệch giá, lại chẳng may bị “sa chân” trong đám cổ phiếu đang giảm giá từng ngày thì sao? Nhiều NĐT trong hoàn cảnh này đã quyết định “tử thủ cùng cổ phiếu”; bằng cách đó, một số tay lướt sóng chuyên nghiệp đang tự biến mình thành những NĐT dài hạn bất đắc dĩ. Thậm chí, biện pháp cân đối giảm giá mua đang được tính toán thực hiện, thị trường càng đi xuống thì biện pháp này càng được nhắc tới nhiều hơn.
Trong trường hợp này, nên có lối suy nghĩ dài hạn đúng nghĩa chứ không phải chỉ hành động theo kiểu dài hạn. Bởi rõ ràng, bạn không thể ôm cổ phiếu như người ta ôm 1 niềm tin! Vậy thay vì ngồi than thở, hy vọng vào may rủi, chúng ta nên rà soát lại toàn bộ danh mục cổ phiếu đã “trót mua phải”. Hãy bắt đầu phân tích lại giá trị doanh nghiệp đó, các loại chỉ số, bản công bố tài chính, các doanh nghiệp cùng ngành…, việc phân tích đâu là giá trị thực của một doanh nghiệp rõ ràng không hề đơn giản; nhưng ít ra, nếu làm những bước cơ bản đó, ta cũng biết được phần nào “hình dạng” của cái thứ mà mình đã bỏ nhiều tiền bạc ra mang nó về nhà. Nếu doanh nghiệp đó hoạt động tốt, tốc độ tăng trưởng thừa sức theo kịp P/E, thì cái cột giá trên bảng điện tử có thể loại bỏ khỏi đầu óc bạn. Còn nếu ngược lại, cổ phiếu mà bạn nắm giữ tồi tệ thực sự thì rõ ràng chẳng còn lý do gì để cho cái niềm tin kia chi phối nữa.
Thực hiện điều này cũng tương tự như việc chúng ta đang đi tìm cơ sở đúng đắn cho những quyết định đã - từng - sai trong ngày hôm qua. Nhưng cũng như trong cuộc sống, cái sai ngày hôm qua có thể đem lại những cơ hội mà bản thân mỗi người có thể không ngờ tới. Hay nói cách khác, nếu mục đích không tìm ra khi bắt đầu thì chúng ta vẫn có thể tìm thấy nó trên chặng đường đi, sự sáng suốt không bao giờ là quá muộn.
Tất nhiên, quan điểm nêu trên không có nghĩa là cứ sau 1 đợt điều chỉnh của thị trường là tất cả những NĐT đều phải biến thành NĐT dài hạn. Bởi vì có những NĐT dài hạn vẫn thất bại nặng nề, và có những NĐT lướt sóng vẫn kiếm được tiền, ngay cả trong giai đoạn thị trường vừa qua. Nên chăng, các NĐT thay vì ngồi dự đoán ngày mai VN-Index lên hay xuống, cổ phiếu của mình mang màu xanh hay đỏ, hãy bỏ ra chút thời gian để đi tìm một phần giá trị thực về món hàng, cái mà có thể ta đã từng mang nặng thói quen cảm nhận bằng tâm lý!