Mất nhà vì “làm đẹp” hồ sơ vay ngân hàng

(ĐTCK) Theo quy trình của các ngân hàng, các khoản vay phải được thẩm định kỹ trước khi xét duyệt cho vay, với một số điều kiện cụ thể như: mục đích sử dụng vốn, có tài sản bảo đảm, khả năng tài chính đảm bảo hoàn thành việc trả nợ trong thời hạn cam kết… 
Các giao dịch tặng cho, chuyển nhượng trong bất động sản đều được chứng thực đầy đủ Các giao dịch tặng cho, chuyển nhượng trong bất động sản đều được chứng thực đầy đủ

Thế nhưng, một phần vì muốn giúp khách hàng nhanh chóng được giải ngân, một phần ngân hàng “ngầm” không muốn chịu rủi ro về tranh chấp sở hữu tài sản đảm bảo, mà nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng cũng “gieo họa” luôn cho khách hàng.

Chẳng hạn, trong một vụ vay tiền ngân hàng ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), người con muốn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng để làm vốn làm ăn, buôn bán. Tuy nhiên, người này không có tài sản đảm bảo cho khoản vay. Theo sự tư vấn của nhân viên ngân hàng, người con bàn bạc với người mẹ ký hợp đồng tặng mảnh đất cho mình tại UBND xã để dùng mảnh đất này đảm bảo cho khoản vay. Đáng chú ý, người mẹ không biết chữ nhưng vẫn ký.

Bẵng đi một vài năm và số nợ cũng đã được trả hết cho ngân hàng, khi người mẹ hỏi đến mảnh đất để chia đều cho các con thì mới vỡ lẽ, mảnh đất này đã hoàn toàn thuộc về người anh bởi hợp đồng cho tặng đã ký trước đó. Tranh chấp nổ ra, trong khi người mẹ khẳng định chỉ ký hợp đồng thế chấp đảm bảo cho khoản vay, thì người còn cho rằng, mẹ đã cho anh toàn bộ mảnh đất.

Sự việc không có điểm dừng, dẫn đến cả nhà cùng phải kéo nhau ra tòa để đòi đất. Bản án đã tuyên người mẹ bị thua kiện vì hợp đồng tặng cho người con được chứng thực tại UBND xã và đã sang tên cho người con, nên bác yêu cầu đòi đất của người mẹ.

Một kết quả chẳng ai mong muốn, khi mẹ con, anh em bỗng chẳng buồn nhìn nhau, phút chốc trở thành “người dưng, nước lã”.

Trốn người thân như trốn nợ

Trong một vụ việc khác tại quận Phú Nhuận (TP. HCM), một gia đình có bố mẹ lớn tuổi, do không có thu nhập nên muốn sửa nhà thành nhiều phòng trọ cho sinh viên thuê để kiếm thêm “đồng ra, đồng vào”. Khổ nỗi, ông bà không chứng minh được thu nhập, nên nhờ một người con đang đi làm đứng tên vay.

Do ông bà lớn tuổi và căn nhà chỉ có giấy tờ mua bán từ trước năm 1975, nhưng chưa kịp làm sổ hồng, nên được nhân viên ngân hàng tư vấn ông bà nên tặng căn nhà cho người con bằng hợp đồng tặng cho tại phòng công chứng. Sau đó, người con này dùng giấy tờ mua bán căn nhà (trước năm 1975) và hợp đồng tặng cho để đứng tên trong hồ sơ vay ngân hàng.

Gần 15 năm sau, bố mẹ già yếu lần lượt qua đời, gia đình họp bàn việc nhà cửa, thờ cúng thì mới phát hiện, mặc dù gia đình giữ giấy tờ mua bán căn nhà (trước năm 1975), nhưng vì có một hợp đồng tặng cho lập tại phòng công chứng, nên người chủ sở hữu duy nhất của căn nhà là người con trai.

Hiện nay, người thân không dám khởi kiện vì khả năng thua nhiều hơn thắng. Gia đình chỉ bàn việc làm sao tìm người anh để năn nỉ giữ lại căn nhà làm nơi thờ tự chung cho gia đình, nhưng người anh thì “trốn người thân hơn trốn chủ nợ”, nên vụ việc cứ mãi đeo đẳng.

Đây chỉ là một trong số các vụ việc vì muốn “làm đẹp” hồ sơ vay ngân hàng, vì người thân trong gia đình “bỗng dưng… đổi tính” mà mất nhà, mất đất.

Ở những trường hợp này đều có điểm chung là khi có việc cần đến nhau, những người thân rất dễ ký những giao dịch giả tạo để làm đẹp hồ sơ vay ngân hàng, vì có liên quan đến bất động sản nên các giao dịch tặng cho, chuyển nhượng đều được công chứng, chứng thực đầy đủ.

Tuy nhiên, những người trong cuộc chưa tính đến hậu quả là giao dịch giả tạo này trở thành giao dịch thật. Nên khi đáo tụng đình, khả năng tuyên bố văn bản giao dịch đã được công chứng, chứng thực này vô hiệu là rất khó.

Bản thân người đi kiện cũng cũng chẳng biết nói sao khi “tình ngay, lý gian”.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP. HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục