Mất hàng trăm ha rừng, nhiều quan chức cấp huyện bị kỷ luật

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt quan chức cấp huyện ở Lâm Đồng bị kỷ luật sau vụ mất hàng trăm héc-ta rừng.

Liên quan đến vụ mất hàng trăm héc-ta rừng tại các địa phương mà Báo điện tử Đầu tư đã đưa tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức họp Hội đồng xét kỷ luật công chức để kiểm điểm trách nhiệm đối với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và các công chức khác có liên quan do không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra sai phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn được giao quản lý.

Kết quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật: 11 công chức (6 công chức với hình thức xử lý kỷ luật khiển trách và 5 công chức với hình thức xử lý trách nhiệm kiểm điểm phê bình).

Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra, xử lý tình hình san ủi đất, chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm.

Kết quả sau kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện các nội dung như hướng dẫn các đơn vị chủ rừng có diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm đã giải tỏa đưa vào kế hoạch trồng rừng trong mùa mưa các năm; phối hợp và hỗ trợ các đơn vị chủ rừng kiểm tra, truy quét các vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép kịp thời ngăn chặn, xử lý; cung cấp số liệu cho Sở Tài chính yêu cầu bồi thường thu hồi dự án thuê rừng.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức họp xem xét, đề nghị hình thức kỷ luật, kiểm điểm trách nhiệm đối với các công chức có liên quan trên địa bàn 3 huyện Lạc Dương, Di Linh và Bảo Lâm do không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra sai phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn được giao quản lý.

Kết quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xử lý kỷ luật 3 công chức với hình thức cảnh cáo; 4 công chức với hình thức khiển trách và 13 công chức với hình thức xử lý trách nhiệm kiểm điểm phê bình, rút kinh nghiệm.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, liên quan đến việc xử lý Kết luận thanh 2094 của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các Dự án quản lý bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng và Lâm Hà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng của huyện Đức Trọng và các doanh nghiệp rà soát diện tích rừng và cung cấp số liệu cho Sở tài chính tính toán bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng của 16 doanh nghiệp để bị mất 457,11 ha rừng, nhưng chưa xác định số tiền tài nguyên rừng phải bồi thường, gửi Sở Tài chính tính toán, xác định giá trị thiệt hại tài nguyên rừng và yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường theo quy định.

Hiện nay, cơ quan chức năng đã xác định được khối lượng, trữ lượng lâm sản bị thiệt hại của 15/16 doanh nghiệp và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin số liệu cho Sở Tài chính (Công ty TNHH TM và CB nông nghiệp Phương Mai, Công ty cổ phần An Lạc Việt Lâm Đồng, Công ty CP Quốc An, Công ty TNHH Huỳnh Vũ, Công ty TNHH Tân Định, Công ty TNHH Kim Tài Phát, Công ty TNHH Đàm Thịnh, Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước, DNTN vườn rừng Nguyễn Thành Lợi, Công ty TNHH Hàn Việt, Công ty TNHH Quyết Thắng, Công ty CPĐT Vĩnh Tuyên Lâm và Công ty TNHH quan trắc tự động hóa và phát triển công nghệ sinh học Tiền Giang, Công ty CP đầu tư Sài Gòn Đại Ninh, Công ty CPSH Việt Nguyên; còn tồn: Công ty CP du lịch sinh thái Phương Nam). Đến nay, có 5/15 đơn vị đã chấp hành nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng vào ngân sách trên 15 tỷ đồng.

Tại Đức Trọng, từ khi các doanh nghiệp được thuê đất thuê rừng đến ngày 30/6/2019, có 17 dự án để xảy phá rừng 677,56 ha, trong đó có 457,11 ha/16 dự án chưa xử lý. “Trách nhiệm thuộc về chính doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng đã được UBND tỉnh quy định rõ trong các quyết định cho thuê rừng và hợp đồng thuê rừng”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu.

Tại Lâm Hà, 2 dự án là Công ty Việt Remax và Công ty CP Tập đoàn Tân Mai để xảy ra phá rừng 99,96 ha. Trách nhiệm thuộc về chính doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng đã được UBND tỉnh quy định rõ trong các quyết định cho thuê rừng và hợp đồng thuê rừng.

Nhiệt Băng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục