
Theo đó, Tổng giám đốc, hai Phó tổng giám đốc, Giám đốc tài chính kiêm Kế toán trưởng và Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty VFM đã đăng ký mua tổng cộng 250.000 chứng chỉ quỹ VF1 trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9/2007 và số lượng thực hiện bằng 0. Ý nghĩa của từ “nhạy cảm” được giải thích như sau: việc công bố thông tin mua chứng chỉ quỹ VFMVF1 trùng với thời điểm điều chỉnh giá phát hành thêm cho đợt tăng vốn điều lệ của VFMVF1 từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng (thông báo ngày 2/5/2007 - giảm từ 33.164 đồng xuống 23.700 đồng/CCQ - PV).
Để tránh ảnh hưởng không tốt đến Công ty VFM, vậy còn Quỹ VF1 thì sao?
Vào ngày 2/5/2007, Ban lãnh đạo VFM đã gặp phải sự phản ứng giận dữ của nhà đầu tư khi đưa ra thông báo điều chỉnh giảm giá phát hành đến 40%, mặc dù theo Bản cáo bạch thì đợt phát hành đã được bảo lãnh bởi các công ty chứng khoán. Theo Luật, bảo lãnh ở đây có nghĩa là công ty chứng khoán có trách nhiệm mua chứng khoán tại giá bảo lãnh trong trường hợp thị trường không thuận lợi (và thực tế thị trường không thuận lợi). Nghĩa là phần điều chỉnh giảm 40% trong giá phát hành (giá trị lên đến 2.350 tỷ đồng), đáng ra công ty chứng khoán phải chịu trách nhiệm, thì Công ty VFM lại thông cảm với công ty bảo lãnh đến mức chuyển phần thiệt cho nhà đầu tư phải chịu. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi nhà đầu tư đã phải khiếu nại và báo chí vào cuộc.
Một ngày sau cái ngày định mệnh mà nhà đầu tư được chọn làm vật hy sinh, ngày 3/5/2007, Ban điều hành VFM có đăng ký mua cổ phần như đã nêu ở trên. Nhà đầu tư khi bỏ tiền vào Quỹ thay vì tự đầu tư, có nghĩa là họ hoàn toàn tin tưởng vào Ban lãnh đạo Công ty VFM. Và việc đăng ký mua ở trên được hiểu như đòn chiến lược của lãnh đạo VFM với thông điệp mà nhà đầu tư sẽ hiểu rằng: “Này! Mọi việc đều tốt và chúng tôi mua để chứng minh điều đó. Hãy bình tĩnh và tận hưởng quyền mua trong đợt phát hành mới”. Nhưng rồi mọi việc cũng không xuôi, ngày 8/5/2007, quyết định nhà đầu tư phải hy sinh đã được bãi bỏ và thực hiện theo đúng lẽ phải.
Thậm chí, đối với quyền lợi được mua chứng chỉ phát hành mới, chỉ có Tổng giám đốc và một Phó tổng giám đốc của VFM đã thực hiện quyền và nghĩa vụ mua ấy. Phó tổng giám đốc còn lại sau đó không mua gì và ra đi khỏi VFM trong lặng lẽ. Giám đốc tài chính của VFM thì không những không mua như đã đăng ký, mà còn từ chối không thực hiện quyền mua. Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của VFM đến nay vẫn chưa mua chứng chỉ VF1 nào. Có thể, câu chuyện trên đã quá rõ ràng để lý giải cho việc chứng chỉ VF1 từ ngày phát hành lên 1.000 tỷ đồng đến nay chưa bao giờ trở lại “mặt đất”, mức 36.900 đồng/CCQ vào ngày giao dịch không hưởng quyền cuối tháng 3/2007. Còn hôm nay, giá VF1 được rao bán ở mức 33.400 đồng/CCQ (ngày 12/10/2007), trong khi giá trị thực tế (là cổ phiếu thật và tiền tươi) lên tới 38.000 đồng/CCQ (NAV theo kỳ báo cáo gần nhất). Nói cách khác, VFM đem mớ chứng khoán của mình đáng giá 10 đồng ra chợ nhưng chỉ bán được 8 đồng 5 hào vì người ta không còn tin nữa.
Chuyện quá khứ cắn rứt về VF1 đáng lẽ không nên khơi dậy cho nhiều người đau lòng, nhưng thiết nghĩ, để những câu chuyện tương tự không xảy ra cũng cần phải nói. Dạo gần đây, thành viên ban giám đốc, ban kiểm soát của phần lớn công ty niêm yết lần lượt bán cổ phiếu trong sự nghi hoặc của cổ đông. Lý do thường được đưa ra là bán để tiêu xài, kế đến là cho tặng và những cuộc phân chia tài sản… Cũng có ban lãnh đạo doanh nghiệp sau khi bị thắc mắc quá đã cam kết không bán cổ phiếu trong năm nay.
Thử hỏi rằng, nếu việc bán cổ phiếu là quang minh chính đại thì sao lại phải ngại dư luận mà để đến cuối năm. Chẳng lẽ, tương lai tươi sáng của doanh nghiệp lại được ban lãnh đạo cam kết trong dăm ba tháng rồi lại bán hay sao. TTCK là thị trường của lòng tin và khi doanh nghiệp hứa hẹn điều gì, xin hãy giữ lấy lời.