Mặt bằng lãi suất sẽ ổn định ít nhất là trong quý I

(ĐTCK) Cơ quan quản lý không những không phải bơm tiền, mà còn hút tiền về trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2020, cho thấy thanh khoản hệ thống đang rất dồi dào. Đây là cơ sở thuận lợi để tiếp tục bình ổn lãi suất huy động và cho vay, ít nhất là trong quý I/2020.

Hút ròng 25.000 tỷ đồng từ thị trường

Theo khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán, những ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020, lượng khách vào gửi tiết kiệm không quá nhộn nhịp như năm trước.

“Lượng khách thực không đông so với giờ này năm ngoái bởi lãi suất thấp hơn nên không quá hấp dẫn người gửi tiền. Bên cạnh đó, dịch cúm Corona diễn biến khó lường nên khách hàng cũng ngại đi lại”, nhân viên giao dịch tại Ngân hàng S trên đường Thái Hà cho hay.

Tương tự, nhân viên Ngân hàng T trên đường Hoàng Đạo Thúy chia sẻ: “Lượng khách đến không đông như trong 2 ngày đầu tiên đi làm trở lại, nhưng vì ngày đầu tiên của tháng 2 trùng với ngày Vía Thần tài, khách đến vừa gửi tiết kiệm, vừa mua vàng nên khá bận rộn và lượng tiền gửi tiết kiệm cũng bắt đầu tăng nhẹ”.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc SCB cho biết, tiền gửi tiết kiệm cá nhân vẫn tăng ổn định, cho dù hệ thống đang dư thừa bởi lượng tiền khá lớn được bơm vào trước đó.

Thực tế, nhu cầu rút tiền mặt những ngày giáp Tết Nguyên đán là rất lớn. Theo thống kê của 4 ngân hàng lớn nhất (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank), số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM những ngày cao điểm (dịp cận Tết) tăng từ 2-3 lần so với ngày thường.

Tuy nhiên, hoạt động thanh toán và rút tiền mặt qua ATM ở các ngân hàng diễn ra thông suốt.

Đáng chú ý, kết thúc ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Tết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không phải hỗ trợ thanh khoản như mọi khi.

Đây được đánh giá là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử hệ thống ngân hàng Việt Nam khi vào mùa cao điểm rút tiền và chi trả.

Thậm chí, liên tiếp trong 3 ngày (20-22/1/2020), NHNN còn hút bớt về gần 15.000 tỷ đồng qua hoạt động đấu thầu tín phiếu trên thị trường mở (OMO).

Cụ thể, trong 5 phiên từ 20-31/1, NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 91 ngày, lãi suất phiên 20/1 ở mức 2,8%/năm, phiên 21/1 ở mức 2,69%/năm và 3 phiên còn lại ở mức 2,65%/năm.

Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần 25.000 tỷ đồng. Như vậy, NHNN hút ròng 25.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành lên mức 25.000 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND dao động tăng - giảm qua các phiên.

Chốt phiên 31/1, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: Qua đêm 3,13%/năm (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 3,33%/năm (-0,10 điểm phần trăm); 2 tuần 3,44%/năm (-0,06 điểm phần trăm); 1 tháng 3,53%/năm (-0,05 điểm phần trăm).

Có thể nói, sự chủ động thanh khoản, tự cân đối nguồn vốn tốt của hệ thống ngân hàng là cơ sở thuận lợi để NHNN tiếp tục bình ổn lãi suất huy động và cho vay trên thị trường, ít nhất là trong quý I/2020.

Chính sách tiền tệ nới lỏng thận trọng

Thông điệp phát đi từ Chỉ thị 01/2020/CT-NHNN cho thấy, NHNN sẽ nhất quán và kiên định với các mục tiêu điều hành cốt lõi là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng.

Trong đó, theo các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các ngân hàng, kiểm soát lạm phát sẽ thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu để tiệm cận hơn khung khổ điều hành tiên tiến “lạm phát mục tiêu” như nhiều quốc gia trên thế giới.

“Với bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 dự báo sẽ chưa có nhiều cải thiện và trong nước không còn duy trì sự thuận lợi tuyệt đối như năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực vào khoảng 6,8%, nhưng áp lực lạm phát sẽ tăng lên đáng kể, nên khả năng theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN sẽ gặp nhiều thách thức hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Nếu như trong nước áp lực lạm phát đang tăng lên, thì từ bên ngoài, sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 29/1 đã thông báo giữ nguyên lãi suất tham chiếu tại mức 1,5-1,75%/năm, nên chính sách tiền tệ dự kiến được nới lỏng một cách thận trọng.

Về công cụ điều hành, nhiều khả năng NHNN sẽ chú trọng sử dụng kênh thị trường mở để tích cực hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, cân nhắc hạ lãi suất điều hành khi áp lực lạm phát được giải tỏa và duy trì kiểm soát chặt chẽ hoạt động tín dụng cả về quy mô cũng như chất lượng tăng trưởng.

Ngoài ra, hoạt động tái cấu trúc và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc chú trọng xử lý nợ xấu và siết chặt tuân thủ các quy định về chuẩn mực, tỷ lệ an toàn hoạt động.

Thông tư 41/2016/TT- NHNN, Thông tư 13/2018/TT-NHNN và Thông tư 22/2019/TT-NHNN được nhận định là 3 văn bản quan trọng tác động đến thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong năm nay.

“Ngay trong những ngày trước kỳ nghỉ Tết, NHNN đã có động thái tái cấu trúc và nâng cao chất lượng hoạt động của một vài ngân hàng”, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thông tin.

Thanh khoản tiền đồng sẽ tiếp tục dồi dào

Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho rằng, bên cạnh xu hướng nới lỏng thận trọng chính sách tiền tệ, thanh khoản VND dự báo cải thiện hơn với diễn biến tích cực của dòng tiền.

Cụ thể, cán cân thanh toán thặng dư, dòng vốn ngoại tệ dồi dào tạo điều kiện để NHNN mua vào ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối và bổ sung nguồn cung VND cho hệ thống tổ chức tín dụng.

Với giả định mức thặng dư vào khoảng 10-13 tỷ USD, lượng vốn được bơm vào có thể đạt 230.000-300.000 tỷ đồng khi chưa trung hòa.

Bên cạnh đó, cân đối huy động - cho vay cũng dịch chuyển theo hướng bớt áp lực hơn. Trong khi tín dụng bị kiểm soát chặt bởi hạn mức tăng trưởng, lĩnh vực cho vay cùng chỉ số an toàn vốn (CAR), tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) tại tại các Thông tư 41/2016/TT- NHNN và Thông tư 22/2019/TT- NHNN nhiều khả năng tăng trưởng quanh mức 13-14%, huy động vốn kỳ vọng có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5%.

Theo đó, chênh lệch quy mô huy động - cho vay có thể được mở rộng thêm.

“Đồng thời, số dư tiền gửi Kho bạc nhà nước nói chung và tại các ngân hàng nói riêng dự báo duy trì ở mức cao và có thể mở rộng thêm 30.000-50.000 tỷ đồng khi đầu tư công chưa được khơi thông. Tuy nhiên, phân bổ thanh khoản vẫn là một ẩn số và sẽ quyết định mặt bằng lãi suất”, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định.

Dòng tiền được dự báo vẫn duy trì đặc điểm phân hóa lớn khi tập trung lại nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước.

Cùng với yêu cầu giảm dần tỷ lệ LDR từ mức 90% xuống còn 85%, tình trạng co cụm này thậm chí còn có thể nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, dịch chuyển dòng tiền gửi của Kho bạc nhà nước phụ thuộc rất lớn vào ý chí của cơ quan quản lý và theo đó trở nên khó lường đón. Đồng thời, quy định về các chỉ số an toàn hoạt động, đặc biệt là tỷ lệ CAR, đang tạo ra nhiều thay đổi lớn, đòi hỏi các ngân hàng thận trọng hơn trong giao dịch liên ngân hàng, rõ nét từ phía cung nguồn.

“Dự kiến bình quân lãi suất kỳ hạn 1 tuần vào khoảng 2,8-3,%/năm”, lãnh đạo BIDV nhận định.   

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục