Theo đó, trong khi nhiều trung tâm thương mại phải chấp nhận giảm giá thuê, thì mặt bằng nhà phố còn chịu tác động rõ rệt hơn khi phải đối mặt với câu chuyện đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Theo Savills, ở thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm đã giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch. Nhờ đó có được mức kinh doanh và tăng trưởng ổn định.
Giai đoạn trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể. Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20 - 30%, thậm chí 50% nhưng vẫn “mỏi mắt” tìm khách thuê.
Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn.
Điều đáng lưu ý, tốc độ giảm giá thuê bán lẻ tại các trung tâm thương mại chậm hơn so với nhà phố do tiềm lực tài chính của khách thuê tốt hơn.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Tư vấn Đầu tư - Savills Hà Nội để vượt qua những khó khăn trước mắt, với shophouse và các cửa hàng bán lẻ mặt phố, các chủ mặt bằng nên điều chỉnh lại mức giá cho thuê và tiến độ thanh toán hợp lý, thay vì cho thuê “một mình một giá và một tiến độ thanh toán”.
Tiến độ thanh toán khá phổ biến hiện nay lên đến 6 tháng/lần hay 1 năm/lần. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh hiện nay của các hãng bán lẻ, việc tồn đọng vốn do chi trả cho thuê mặt bằng quá dài cũng là một trong những yếu tố khiến khách thuê không thể chi trả, không thể duy trì được mức giá cũ, và cũng không theo được tiến độ chi trả như trong điều kiện trước đây.
Với các tòa nhà, mức thanh toán cọc và mức thanh toán tiền thuê đang hợp lý hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp bất động sản vận hành trung tâm thương mại đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ, căn cứ vào tình hình kinh doanh của khách thuê ở từng thời điểm. Do đó, khả năng thích nghi và phục hồi của trung tâm thương mại sẽ nhanh hơn.
Bà Minh cũng cho rằng, doanh thu của các hãng bán lẻ là yếu tố quan trọng để điều chỉnh lại giá cho thuê mặt bằng của các cửa hàng bán lẻ trở về đúng giá trị cũng như khả năng kinh doanh của các hãng.
"Trong giai đoạn này, thị trường cho thuê đã bắt đầu điều chỉnh lại về giá trị thực tế của các chuỗi bán lẻ. Theo đó, mặt bằng không còn là “át chủ bài” của bán lẻ mà các doanh nghiệp kinh doanh sẽ phải suy tính kỹ hơn các chiến lược kinh doanh để giảm chi phí, gia tăng hiệu quả", bà Minh nói.
Ví dụ như tại Hà Nội, Hoàn Kiếm là khu vực đang đạt giá thuê bán lẻ cao nhất, đặc biệt là các vị trí nhà phố thì giá thuê mặt bằng có thể lên đến 80 - 100 USD/m2, thậm chí lên đến 200 - 250 USD/m2. Sau khi chịu tác động của dịch Covid-19, thị trường bắt đầu cân bằng lại, các nhãn hàng có mức độ tăng trưởng ổn định vẫn có thể đảm bảo được giá thuê cũ. Còn giá thuê trung bình của thị trường bán lẻ Hà Nội trong thời gian tới sẽ duy trì ở mức 40 - 50 USD/m2 đối với các mặt bằng tầng 1.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội cũng đang đứng trước cơ hội đón các thương hiệu hàng xa xỉ. Các nhãn hàng này đang có một nhu cầu thuê lớn hơn so với các doanh nghiệp nội địa. Với sự gia nhập của các hãng mới, thị trường Hà Nội sẽ đảm bảo được mức giá duy trì thuê mặt bằng bán lẻ cũng như đảm bảo được tỷ lệ lấp đầy trong thời gian tới.