Đối tượng Nguyễn Văn Bảo (SN 1978, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) là Giám đốc Công ty TNHH UFJ. Công ty đăng ký ngành nghề chính là cung ứng và quản lý nguồn lao động trong nước, dịch vụ hỗ trợ giáo dục, du lịch, vận tải hành khách....
Mặc dù không có chức năng xuất khẩu lao động và cung ứng, quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng từ tháng 3/2013, vị Giám đốc này đã quảng bá thông tin rầm rộ trên mạng.
Theo cáo trạng, Bảo tung tin Công ty UFJ có thể làm thủ tục cho những người người đã tu nghiệp sinh (lao động) được trở lại Nhật Bản lao động dưới hình thức Công ty UFJ “phái cử” đến làm việc tại chi nhánh của Công ty tại Nhật Bản với chi phí 13.000 USD.
Cựu giám đốc UFJ tổ chức “thi tuyển” bài bản và thông báo những người đủ điều kiện trúng tuyển. Đối tượng còn thuê địa điểm, tự tổ chức học định hướng, ngoại ngữ, văn hóa, giao tiếp...
Bảo cam kết sẽ hoàn tất thủ tục đưa người có nhu cầu sang Nhật Bản làm việc thời hạn 3 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm với nhiều ngành nghề khác nhau.
Từ tháng 5/2013, để ràng buộc người lao động, Bảo yêu cầu mỗi người nộp tiền đặt cọc trước 50%, tương ứng 6.500 USD. Khi nhận đủ tiền đặt cọc, Bảo ký hợp đồng lao động thể hiện Công ty UFJ Việt Nam cử người lao động sang làm việc tại văn phòng đại diện của Công ty. Đồng thời lập cam kết, nếu không đi được Công ty chịu trách nhiệm hoàn trả lại tiền.
Để hợp thức hóa việc đưa người sang Nhật Bản, tháng 6/2013, Bảo đăng ký thành lập chi nhánh Công ty TNHH UFJ Việt Nam tại Gifu-ken, Nhật Bản. Vị Giám đốc này khai nhận đã nhiều lần chuyển tiền cho hai đối tượng ở Nhật Bản để thuê văn phòng, trả lương, tìm Công ty tiếp nhận lao động Việt Nam. Theo xác minh của Cục đối ngoại, Bộ Công an, Văn phòng di cư khu vực Nhật Bản từ chối việc lập chi nhánh của Công ty UFJ. Khi biết tin Bảo bị bắt, hai đối tượng Nhật Bản đã đóng cửa chi nhánh trên.
Sau nhiều tháng đóng tiền không thấy hồi âm, những người lao động tìm hiểu thì biết Công ty UFJ không đăng ký, không làm thủ tục xuất khẩu lao động. Liên lạc với Bảo bất thành, các bị hại làm đơn trình báo lên cơ quan công an.
Tại cơ quan điều tra, Bảo khai nhận đã chuyển những bộ hồ sơ ký với người lao động cho người đại diện của chi nhánh Công ty tại Nhật Bản để xin cấp thị thực nhưng chưa nhận được hồi âm.
Ngoài ra, Bảo còn giới thiệu có khả năng làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Úc và có hành vi cầm tiền “chạy việc” vào ngân hàng với giá 150 triệu đồng.
Đồng thời, Nguyễn Văn Bảo còn chiếm đoạt tiền của những người lao động thông qua Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn Việt Nhật.
Trong vụ án này, có 36 người sập bẫy chiêu lừa của vị Giám đốc Công ty UFJ. Số tiền chiếm đoạt là hơn 3,3 tỷ đồng. Hiện nay, bị can mới khắc phục được 100 triệu đồng.
Mới đây, TAND TP Hà Nội đã tạm hoãn phiên tòa lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Văn Bảo và dự kiến mở lại vào thời gian tới.