Các công ty Fintech và ví điện tử xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Là công ty công nghệ thanh toán toàn cầu, Mastercard đã chuẩn bị cho điều này như thế nào?
Sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech và ví điện tử những năm gần đây đã góp phần to lớn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu, đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng thông qua việc tạo ra những chuyển biến trong thị trường thanh toán, thúc đẩy các luồng thanh toán mới, cũng như đa đạng hóa cách thức sử dụng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Mastercard có cùng mục tiêu với các công ty Fintech và ví điện tử, đó là thúc đẩy các ranh giới công nghệ giúp tạo ra một thế giới an toàn, bảo mật, hiệu quả và toàn diện hơn cho tất cả mọi người. Hiện nay, Mastercard đã hợp tác với tất cả ứng dụng thanh toán hàng đầu thế giới như Apple Pay, Google Pay, Samsung Pay, Fitbit Pay và nhiều ví điện tử khác, cung cấp mã hóa ví giúp đảm bảo an toàn cũng như tạo sự thuận lợi cho các giao dịch. Điều này phù hợp với quy luật phát triển vì nó cho phép chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn, thúc đẩy nền tài chính và chuyển đổi số toàn diện tại các nền kinh tế châu Á, đồng thời hỗ trợ công cuộc số hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như của các chính phủ.
Cùng hợp tác, chúng ta có thể cam kết đảm bảo mọi cá nhân, mọi doanh nghiệp đều có được sự lựa chọn linh hoạt và yên tâm trong việc quản lý, chuyển tiền mọi lúc, mọi nơi.
Bà đánh giá thế nào về sự phát triển của Fintech tại Việt Nam? Mastercard có chiến lược hợp tác với Fintech như thế nào?
Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm Fintech tại khu vực ASEAN. Với việc TP.HCM và Hà Nội trở thành những vườn ươm nuôi dưỡng Fintech và công nghệ, Việt Nam đã thu hút 36% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong năm 2019. Nhiều nhà đầu tư nhìn nhận, Việt Nam là một điểm đến quan trọng trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P), tính điểm tín dụng và thanh toán di động.
Mastercard từ lâu đã hợp tác với các công ty Fintech. Chúng tôi đã tạo ra các cách thức hợp tác và cộng tác hiệu quả. Chúng tôi sở hữu nền tảng Fintech toàn diện, với đa dạng các chương trình như Mastercard Engage, Start Path và Fintech Express. Thông qua các chương trình này, Mastercard có thể hoạt động trên toàn bộ hệ sinh thái Fintech.
Mastercard FinTech Express đi kèm với một bộ quy tắc được tùy chỉnh, các sản phẩm và dịch vụ ưu tiên số hóa, tư vấn, cố vấn và các công cụ kiểm soát gian lận được thiết kế nhằm giải quyết nhu cầu chuyên biệt của các Fintech thanh toán hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh chóng.
Mastercard Engage là một chương trình toàn cầu miễn phí nhằm xác định các đối tác công nghệ có chất lượng - giúp kết nối các Fintech với hàng nghìn khách hàng của Mastercard, từ đó cho phép Fintech mở rộng quy mô.
Mastercard Start Path cho phép các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn sau nhanh chóng mở rộng quy mô giải pháp của mình thông qua quyền truy cập vô song vào nền tảng công nghệ, quan hệ đối tác cũng như chuyên môn của Mastercard.
Mastercard Developers cung cấp một cổng duy nhất giúp các đối tác của Mastercard dễ dàng truy cập vào nhiều loại sản phẩm và dịch vụ khác nhau thông qua nền tảng API mở cả về lĩnh vực thanh toán, dữ liệu và bảo mật.
Việc hợp tác với các công ty Fintech và các nền tảng thương mại điện tử có ý nghĩa như thế nào đối với các ngân hàng Việt Nam trong việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng?
Quan hệ đối tác rất quan trọng đối với thành công và trường tồn của bất kỳ tổ chức nào. Đối với ngân hàng, các đối tác Fintech có thể giúp ngân hàng tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả các khả năng mới hướng tới việc phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Những quan hệ đối tác như vậy sẽ giúp các ngân hàng rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường, điều không thể thực hiện khi ngân hàng tự mình phát triển từ đầu.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch lâu dài sang thương mại điện tử và thanh toán số, đồng thời nhu cầu, thái độ và hành vi của người tiêu dùng về các dịch vụ tài chính cũng thay đổi nhanh chóng. Bởi vậy, hợp tác với nhau là cách tốt nhất để chúng ta bắt kịp với tốc độ thay đổi chóng mặt hiện nay.
Cùng các đối tác chỉnh phủ, ngân hàng, Fintech, doanh nghiệp..., Mastercard đang nỗ lực đóng góp vào sự phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam |
Bà có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật nhất mà Mastercard đạt được tại Việt Nam trong năm qua?
Mastercard từ lâu đã đi đầu trong việc tạo ra các giải pháp và công nghệ thanh toán sáng tạo và trực quan, giúp cuộc sống hàng ngày trở nên liền mạch và an toàn. Việc thực hiện cam kết và tầm nhìn cho phép chúng tôi mang những công nghệ tiên tiến đến nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, nhằm thiết lập một hệ sinh thái thanh toán phục vụ mọi người ở mọi nơi và vào mọi lúc.
Chúng tôi tự hào và vui mừng vì đã mang đến một số công nghệ thanh toán toàn cầu, giúp đẩy nhanh nỗ lực số hóa của các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô cũng như của các cá nhân. Chẳng hạn, để thu hẹp khoảng cách số cũng như cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi đang xem xét triển khai “SoftPos” - một giải pháp chấp nhận chi phí thấp cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa biến điện thoại thông minh thông thường thành thiết bị đầu cuối tại điểm bán hàng để thực hiện thanh toán không tiếp xúc thông qua sử dụng thẻ vật lý, thậm chí cả ví kỹ thuật số.
Chúng tôi cũng đang tận dụng mạng lưới đối tác toàn cầu rộng lớn của Mastercard để cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khả năng tiếp cận tốt hơn các công cụ số tiên tiến (Zoho) và cải thiện hồ sơ tài chính của những doanh nghiệp này trong quá trình đánh giá tín dụng (Experian). Ngoài ra, Mastrercard đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác nhằm đưa ra các sáng kiến, cũng như khuyến khích và khen thưởng người tiêu dùng lựa chọn giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Năm nay, Mastercard sẽ đưa nền tảng “Mua ngay, Trả sau” đến Đông Nam Á nhằm mang đến cho người tiêu dùng sự linh hoạt trong quản lý dòng tiền bằng cách lựa chọn thanh toán trả góp ngay tại điểm bán hàng. Việc có thể trả góp khi thanh toán sẽ thúc đẩy hành vi mua sắm, gia tăng giá trị hóa đơn bình quân, giảm tình trạng bỏ qua giỏ hàng, từ đó giúp gia tăng doanh thu.
Kế hoạch của Mastercard tại Việt Nam năm 2021 là gì thưa bà? Làm thế nào Mastercard có thể duy trì những nỗ lực và cam kết phát triển nền tài chính toàn diện tại Việt Nam trong bối cảnh đặc biệt chưa từng có như hiện nay?
Mastercard cam kết tạo ra một thế giới không dùng tiền mặt. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã và đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong lĩnh vực tài chính và Fintech để thúc đẩy đổi mới, triển khai và tích hợp các giải pháp thanh toán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới không dùng tiền mặt trên phạm vi toàn cầu, bao gồm Việt Nam.
Bước qua năm 2020 đầy khó khăn, năm 2021 sẽ là năm phục hồi với những thách thức và cơ hội riêng. Chúng tôi đang làm việc nhanh hơn và hợp tác nhiều hơn để có thể tận dụng các kiến thức, tài nguyên và công nghệ của mình một cách hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn diện cho mọi người, ở mọi nơi. Mastercard cũng đang phối hợp với các đối tác ngân hàng tại Việt Nam nhằm thích ứng và phát triển bám sát các nhu cầu, sở thích và hành vi dần thay đổi của người tiêu dùng, đồng thời tăng cường việc áp dụng, chấp nhận và đảm bảo an toàn thanh toán không dùng tiền mặt, giúp mọi người tiếp tục sống và làm việc mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào.
Chúng tôi cũng nỗ lực hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nhân. Đơn cử, Mastercard đang hỗ trợ các ngân hàng và Fintech trong việc phát triển và triển khai các dịch vụ, sản phẩm tài chính nhằm thu hút nhiều phụ nữ hơn vào hệ thống tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của các nữ doanh nhân.
Mục tiêu của Mastercard là tiếp cận hơn 1 triệu phụ nữ Việt Nam, đảm bảo các doanh nhân nữ có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực và có thể tìm thấy các dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng kinh doanh cụ thể của họ. Hơn nữa, chúng tôi là một phần không thể tách rời của sáng kiến cấp vốn khẩn cấp cho 1.000 nữ tiểu thương tại Việt Nam nhằm khởi động hoạt động kinh doanh.