Đại dịch Covid-19 mở ra cơ hội
Quý II/2020, Mastercard công bố doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 3,34 tỷ USD và gần 1,4 tỷ USD, giảm so với mức 4,11 tỷ USD và 2,05 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này tích cực hơn so với nhiều dự đoán trước đó.
Đáng chú ý, Mastercard cho biết, doanh thu một số dịch vụ liên quan tới xác định danh tính cá nhân, công cụ phân tích dữ liệu, chống gian lận và thanh toán không chạm tăng trưởng tích cực, khi đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Theo đó, các giao dịch thanh toán không chạm chiếm 37% giao dịch thanh toán cá nhân trong quý II/2020, so với mức 28% cách đây 1 năm.
Triển vọng của Mastercard được đa phần các chuyên gia/tổ chức kinh tế đánh giá tích cực.
Wells Fargo & Company, Mizuho, Keefe, Bruyette & Woods, KeyCorp, JPMorgan Chase & Co đều nâng dự báo tăng trưởng đối với giá cổ phiếu Mastercard. Chẳng hạn, JPMorgan đưa ra mức giá mục tiêu 369 USD/cổ phiếu từ mức 315 USD/cổ phiếu trong báo cáo trước đó.
|
Theo báo cáo tài chính quý II/2020 của Mastercard, Công ty có lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 1,36 USD, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 129,52%.
Câu chuyện độc quyền lại nóng
Mỗi khi người dùng cà thẻ qua máy POS, hoặc ấn nút mua trên các trang thương mại điện tử, một chuỗi các công đoạn tiếp theo sẽ diễn ra để tiền chuyển từ người mua sang người bán. Quá trình này khiến các nhà bán lẻ tốn khoảng 90 tỷ USD tiền phí mỗi năm.
Hãng cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ, chủ yếu là Visa và Mastercard, nằm giữa ngân hàng của người mua và người bán, thực hiện các lệnh qua lại để đảm bảo tiền được chuyển từ người mua sang người bán.
Theo đó, tại Mỹ, 2 công ty này sẽ thu khoản phí liên ngân hàng vào khoảng 2% giá trị của giao dịch đối với thanh toán bằng thẻ tín dụng và 24 cents/giao dịch với thẻ trả trước (debit card).
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Liên bang Mỹ, phí cà thẻ khiến mỗi hộ gia đình Mỹ thiệt hại trung bình hàng trăm USD mỗi năm bởi giá cả cao hơn và khiến doanh thu của các nhà bán lẻ bị tổn thương bởi người tiêu dùng mua ít đi.
Đây chính là lý do trong hơn 40 năm qua, nhiều nhà bán lẻ đã tập hợp và tiến hành không ít vụ kiện đối với Mastercard và Visa vì cho rằng nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thẻ đã vi phạm luật chống độc quyền khi thiết lập mức phí thanh toán cao.
Năm 2018, Visa và Mastercard đã đồng ý trả khoản tiền 5,54 tỷ USD và 6,24 tỷ USD cho hơn 12 triệu nhà bán lẻ sử dụng dịch vụ thanh toán của doanh nghiệp.
Đầu năm 2019, Uỷ ban châu Âu phạt Mastercard gần 650 triệu USD vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền bằng cách tăng phí xử lý thanh toán, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nhà bán lẻ ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Theo Uỷ ban châu Âu, Mastercard đã buộc người bán chỉ được sử dụng ngân hàng ở nước họ khi xử lý thanh toán. Hành động này được xem là ngăn chặn khách hàng và các nhà bán lẻ mua bán với mức phí thấp hơn tại ngân hàng ở các nước châu Âu khác.
“Người tiêu dùng châu Âu sử dụng thẻ để thanh toán mỗi ngày. Bằng việc ngăn chặn các nhà bán lẻ và khách hàng mua sắm với mức phí tốt hơn được cung cấp bởi ngân hàng tại các quốc gia thành viên EU, Mastercard đã làm tăng chi phí thanh toán thẻ một cách không hợp lý, gây hại cho người tiêu dùng và người bán tại EU”, Margrethe Vestager, Uỷ viên Hội đồng phụ trách vấn đề cạnh tranh cho biết.
Hiện tại, Mastercard vẫn đang đối diện với đơn kiện khổng lồ tại Anh vì cáo buộc tính phí cao bất hợp pháp với các giao dịch thanh toán tại cửa hàng trong hơn 1 thập kỷ qua. Theo đó, Mastercard bị đòi bồi thường 14 tỷ bảng Anh (18,6 tỷ USD) cho hàng triệu người Anh.