Tiềm lực tài chính
Hơn 90% gia đình tại Việt Nam đang sử dụng ít nhất 1 sản phẩm hàng tiêu dùng của Masan và tập đoàn này vẫn trên đường mở rộng đế chế “ngoài vòng 1 mét kể từ chiếc bàn ăn trong nhà bếp”, với những sản phẩm đồ uống như cà phê (thương vụ mua Vinacafé Biên Hòa), nước khoáng (thương hiệu Vĩnh Hảo) và sắp tới là bia (thương vụ bia Phú Yên)…
Dù đầu tư ở lĩnh vực nào thì nền tảng để thực thi là phải có tiềm lực tài chính. Những năm gần đây, Masan trở thành tập đoàn số 1 Việt Nam về thu hút vốn ngoại, với việc huy động thành công 1,4 tỷ USD trong vòng hơn 3 năm (2009 - 2012). Masan cũng là doanh nghiệp nhận được khoản đầu tư lớn nhất từ một quỹ đầu tư nước ngoài, lần đầu là 159 triệu USD (năm 2011) và lần kế tiếp là 200 triệu USD (đầu năm 2013).
Masan còn huy động được vốn “khủng” từ các định chế tài chính lớn trên thế giới như Kohlberg Kravis Roberts, JP Morgan, Standard Chartered, Mount Kellet Capital Management, MC Holdings II Limited, Orchid Capital Investments Pte.Ltd, Jade Dragon Limited, Goldman Sachs Group Inc, IFC…
Trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), bên cạnh các thương vụ đình đám với tổ chức trong nước (Vinacafé, nước khoáng Vĩnh Hảo, bia Phú Yên), Masan còn là doanh nghiệp duy nhất đi mua lại các công ty nước ngoài có thị phần lớn ở Việt Nam như cám Con Cò (từ Proconco - doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần ở Việt Nam về thức ăn chăn nuôi), mỏ đa kim Núi Pháo...
Những bước đi này đã giúp vốn chủ sở hữu của MSN tăng từ mức 1.008 tỷ đồng năm 2008 lên 15.233 tỷ đồng vào cuối quý II/2013, với thặng dư vốn hơn 8.000 tỷ đồng.
Chiến lược “quả dễ hái”
Bước đi chiến lược thứ hai của Masan là nhắm đến những “quả dễ hái” - những ngành hàng hoặc sản phẩm manh mún, có thị trường lớn và có lộ trình rõ ràng để đạt được vị thế dẫn đầu thị trường.
Sau khi chiếm lĩnh thị trường thực phẩm, nước chấm, trong năm qua, Masan có những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực đồ uống, bắt đầu từ thương vụ đầu tư nắm giữ 63,5% Nước khoáng Vĩnh Hảo, 53,2% Vinacafé Biên Hoà và sau đó là chi 252 tỷ đồng để mua CTCP Bia và Nước giải khát Phú Yên, chiêu mộ nhân vật nổi tiếng trong ngành về làm giám đốc bộ phận đồ uống, tái cấu trúc nội bộ theo hướng phân nhánh các lĩnh vực rõ ràng hơn…
Vừa qua, Masan quảng bá bia “Sư tử trắng” với thông điệp, “sư tử hống” sẽ quét “chú cọp” - biểu tượng của doanh nghiệp khác đang chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam - phần nào cho thấy tham vọng muốn chiếm lĩnh thị trường này của Masan trong tương lai. Masan đánh giá, bia là ngành quan trọng, chiếm gần một nửa quy mô thị trường đồ uống.
Đối với các thương hiệu Vĩnh Hảo và Vinacafé Biên Hoà, Masan cho rằng, đây là những “di sản” theo nghĩa chúng có bề dày lịch sử và tự thân có sức sống mà không cần quảng cáo cũng như hệ thống phân phối, nhưng việc khai thác các thương hiệu này chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Do đó, Vĩnh Hảo sau này sẽ không chỉ có nước khoáng, mà còn có sữa, trà, nước có gas, nước trái cây, nước tăng lực… Còn đối với Vinacafé Biên Hoà, bên cạnh việc mở rộng và phát triển các kênh phân phối truyền thống, Masan muốn khai thác những nét văn hoá đặc trưng của người Việt Nam, cụ thể là sẽ đưa các sản phẩm cà phê mang thương hiệu này theo kênh đồ uống để đi đến khắp các quán xá tại Việt Nam.
Kỳ vọng lợi nhuận đột biến
Chỉ số khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của MSN trong những năm gần đây khá thấp, năm 2011 là 14,89%, năm 2012 là 8,47%. Trước đó, năm 2009 và 2010, chỉ số này đều đạt trên 20%. ROE của MSN giảm mạnh là do vốn đầu tư các dự án mới chưa tạo ra giá trị tương ứng.
Mảng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận đột biến cho Masan (ngoài thực phẩm) trong thời gian tới là khai thác khoáng sản. Theo ước tính của MSN, khi Khoáng sản Núi Pháo đi vào hoạt động, dự án này sẽ tạo ra doanh thu hơn 400 triệu USD mỗi năm, tương ứng lợi nhuận hơn 200 triệu USD/năm.
Techcombank, một công ty liên kết của Masan đang gặp không ít khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, có lẽ là “điểm mờ” duy nhất trên bảng tổng thể tài chính của MSN. Tuy nhiên, Techcombank là một ngân hàng lớn và về dài hạn vẫn có triển vọng phát triển.
Theo đánh giá chung, khoáng sản, thực phẩm và dòng tiền đầu tư của các định chế tài chính lớn là những điểm uy tín cao nhất của Masan trong mắt nhà đầu tư, cho thấy khả năng phát triển dài hạn của tập đoàn này.