Masan Consumer (MCH): Hé lộ 7 công nghệ trong cơm tự chín, ra mắt thêm sản phẩm giá “sinh viên”

(ĐTCK) Chiều ngày 30/10, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã MCH - UPCoM) tổ chức buổi gặp gỡ nhà đầu tư để chia sẻ kết quả kinh doanh trong quý III và tầm nhìn quý IV/2024, đồng thời hé lộ cách mà Công ty sáng tạo ra sản phẩm với tình yêu giống như cung cấp thực phẩm cho gia đình.
Masan Consumer (MCH): Hé lộ 7 công nghệ trong cơm tự chín, ra mắt thêm sản phẩm giá “sinh viên”

Về kế hoạch kinh doanh, trong quý IV/2024, Masan Consumer sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu bằng cách tiếp tục thực hiện chiến lược cao cấp hoá ngành hàng Gia vị và Thực phẩm tiện lợi, thực hiện các đổi mới trong ngành Đồ uống, Chăm sóc gia đình & cá nhân, và Cà phê hoà tan, đồng thời tinh giản các SKU hoạt động động kém hiệu quả để tối ưu hoá lợi nhuận.

Trước đó, trong quý III/2024, Masan Consumer ghi nhận doanh thu tăng 10,4%, lên 7.987 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tăng trưởng được đóng góp bởi chiến lược cao cấp hóa được triển khai trong ngành hàng Thực phẩm tiện lợi và Gia vị giúp đạt tăng trưởng lần lượt 11% và 6,7% so với cùng kỳ; và hoạt động đổi mới trong ngành hàng Đồ uống và Chăm sóc gia đình & cá nhân giúp đạt tăng trưởng lần lượt 18,8% và 12,4% so với cùng kỳ.

Masan Consumer tiếp tục duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao là 46,8%, cao hơn 20 điểm cơ bản so với quý III/2023 nhờ triển khai chiến lược cao cấp hóa trong ngành hàng Gia vị và Thực phẩm tiện lợi thông qua việc kết hợp các sản phẩm có biên lợi nhuận cao và chiến lược giá phù hợp tại các danh mục sản phẩm phụ quan trọng, trong khi chi phí vật liệu và bao bì tăng.

Masan Consumer cho biết thêm, Công ty có chiến lược giảm các hoạt động xúc tiến thương mại để đầu tư vào các hoạt động có tỷ suất hoàn vốn cao hơn như phát triển kênh mới và tiếp thị xây dựng thương hiệu, giúp tối ưu hóa chi phí hoạt động trên doanh thu thêm 70 điểm cơ bản. Theo đó, biên lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số ghi nhận 25,9%, tăng 90 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, đáng chú ý, đóng góp 80% tổng tăng trưởng doanh thu của Masan Consumer là 5 thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm hơn 2.000 tỷ đồng, gồm Kokomi, Omachi, Chin-Su, Nam Ngư và Wakeup 247. Sự phát triển thành công của các thương hiệu này là kết quả của chiến lược nhất quán kéo dài hàng thập kỷ theo sát hành trình của người tiêu dùng để giải quyết những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng. Trong thời gian tới, Masan Consumer đặt mục tiêu sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD.

Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2024, Masan Consumer ghi nhận doanh thu đạt 21.954,94 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 5.552,67 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tiếp tục cải thiện từ 45,4%, lên 46,6%.

Nếu xét về tăng trưởng doanh thu bình quân giai đoạn 2017 - 2023, Masan Consumer đạt tốc độ tăng trưởng 13,5%, cao gần gấp đôi so với mức bình quân 6,4% của các doanh nghiệp cùng hạng tại các thị trường lân cận. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận sau thuế bình quân giai đoạn 5 năm 2017 - 2023 của các doanh nghiệp trong khu vực đạt 11,6%, trong khi Masan Consumer đạt con số 20,3%.

Ông Huỳnh Việt Thăng, Giám đốc tài chính Masan Consumer nhận định về sức khoẻ tài chính: “Công ty duy trì được sức khoẻ tài chính khoẻ mạnh và bền vững”.

Masan giới thiệu sản phẩm cơm tự chín tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm

Masan giới thiệu sản phẩm cơm tự chín tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm

Bà Lê Thị Nga, Giám đốc R&D đã chia sẻ cách mà Công ty phát triển các sản phẩm và đưa ra thị trường: “Chúng tôi cung cấp thực phẩm với tình yêu, cung cấp thực phẩm giống như cung cấp cho gia đình mình, cho cha mẹ mình, cho những đứa con. Vì vậy, chúng tôi dành trọn tâm huyết, trí tuệ của mình và luôn cập nhật công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới để mang về Việt Nam và đưa vào trong các sản phẩm của mình”.

Vì vậy, trong thời gian qua, Masan Consumer cũng đã giới thiệu các sản phẩm có tính sáng tạo cao như cơm tự chín, lẩu tự sôi, nước mắm Nam Ngư tỏi ớt Lý Sơn… ứng dụng hoàn toàn công nghệ hiện đại và khác biệt với các đối thủ trên thị trường.

Đơn cử trong cơm tự sôi, sản phẩm đã tích hợp 7 công nghệ hiện đại. Trong đó, bao gồm công nghệ giúp hạt gạo nở trong vòng 15 phút với chai nước bình thường; công nghệ giữ miếng cá hồi, thịt bò, nước sốt thơm ngon. Trong đó, công nghệ giữ sự tươi ngon của thực phẩm trong suốt thời gian bảo quản lên tới 6 tháng; viên canh chỉ cần cho thêm nước sẽ trở thành tô canh thơm ngon, đây là công nghệ sấy chân không; công nghệ lên men các thực phẩm rau, củ, đây là công nghệ lên men chua thức ăn kèm cùng với cơm; công nghệ snack tẩm bột giúp giữ thực phẩm có độ giòn trong suốt thời gian bảo quản; công nghệ sốt giúp giữ sự thơm ngon của cá hồi và thịt bò; và cuối cùng là công nghệ gói tự sôi.

Sau thành công của việc giới thiệu sản phẩm lẩu tự sôi, cơm tự chín, bà Nga cũng hé lộ sắp tới sẽ cung cấp sản phẩm với giá cả phải chăng hơn, hợp lý hơn với cả các sinh viên. Trong đó, với sự sáng tạo của bộ phận R&D, Masan Consumer dự kiến sẽ tiếp tục tung ra thêm các sản phẩm sáng tạo nữa trong thời gian tới.

Ngoài ra, tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm, Masan Consumer đã thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) và trong tháng 10/2024, Hội đồng quản trị Masan Consumer đã thông qua kế hoạch chuyển sàn và dự kiến thực hiện trong năm 2025.

Thêm nữa, với việc kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng, đồng thời nâng cổ tức năm 2023 lên 268% bằng tiền và kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE đã giúp cổ phiếu MCH liên tục hút dòng tiền. Trong đó, thống kê từ ngày 29/1/2024 đến ngày 30/10/2024, giá cổ phiếu MCH đã tăng 153,1%, từ 83.750 đồng/CP lên 212.000 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục