Masan báo cáo cổ đông thế nào về khoản đầu tư vào Vincommerce?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc CrownX, thành viên của Masan mua thêm cổ phiếu từ Vingroup để tăng sở hữu tại Vincommerce (sở hữu chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart và Vimart+) khiến lợi nhuận chưa phân phối cho cổ đông của CrownX năm 2020 âm tới hơn 25.000 tỷ đồng gây chú ý cho giới đầu tư. Tuy nhiên, Masan cho biết, đây là điều dễ hiểu và bình thường trước thương vụ mua bán – sáp nhập rất lớn.
Masan báo cáo cổ đông thế nào về khoản đầu tư vào Vincommerce?

Cũng theo Masan thì điều quan trọng kết quả kinh doanh của VinCommerce đã thay đổi khi chuyển từ Vingroup sang Masan sau 1 năm, riêng quý IV đã có lãi với EBIDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) lần đầu tiên đạt dương. Điều này kỳ vọng kết quả cả năm 2021 sẽ có mức dương, sau quá trình cấu trúc quyết liệt và triển khai chiến lược kinh doanh mới.

Trong báo cáo quản trị của Masan gửi tới cổ đông, ngoài câu chuyện của Vincommerce, Masan còn chỉ ra nhiều kết quả đáng tích cực. Đáng chú ý đó là doanh thu thuần đạt 77 nghìn tỷ đồng so với mục tiêu đề ra từ 75-85 nghìn tỷ đồng.

Doanh thu thuần năm 2020 tăng 106,7% so với năm 2019, chủ yếu nhờ tăng trưởng nội tại mạnh mẽ ở mức hai chữ số trong các ngành hàng tiêu dùng có thương hiệu và mảng kinh doanh thịt tích hợp, cũng như việc hợp nhất các doanh nghiệp mới mua lại, trong đó chủ yếu là VinCommerce.

The CrownX

The CrownX được thành lập nhằm phát triển và chuyển đổi hai mảng kinh doanh chủ chốt là Vincommerce (VCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) để trở thành nền tảng bán lẻ - tiêu dùng hàng đầu, cũng như xây dựng nền tảng “Point-of-Life” của Masan.

Năm 2020, The CrownX đã trở thành doanh nghiệp tiêu dùng lớn thứ 2 tại Việt Nam xét về doanh thu. Năm 2020, The CrownX đạt doanh thu 54.277 tỷ đồng (xấp xỉ 2,5 tỷ USD), tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước trên cơ sở so sánh tương đương với biên EBITDA tăng 270 điểm cơ bản lên mức 8,2%.

Doanh thu thuần của VCM, công ty bán lẻ hiện đại của The CrownX, đạt 30.978 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 14,2% so với mức 27.130 tỷ đồng năm 2019, nhờ mảng siêu thị mini tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận của VCM cũng có sự cải thiện rõ rệt, lần đầu tiên đạt EBITDA dương vào Q4/2020, dấu mốc quan trọng cho thấy những nỗ lực cải thiện liên tục và hoàn thành giai đoạn chuyển đổi đầu tiên dưới sự quản lý của Masan.

MCH, công ty con kinh doanh hàng tiêu dùng có thương hiệu của The CrownX cũng đạt được dấu ấn quan trọng trong năm 2020 khi lần đầu tiên vượt mốc doanh thu thuần 1 tỷ USD (tương đương 23.971 tỷ đồng) với mức tăng trưởng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. EBITDA năm 2020 của MCH tăng 21,5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng về doanh số và lợi nhuận của MCH là nhờ những nỗ lực nâng cao chất lượng danh mục sản phẩm và đưa ra thị trường các phát kiến đột phá.

Trong tháng 6 và tháng 8 năm 2020, Masan Group đã mua 14,8% vốn chủ sở hữu của The CrownX từ bên thứ 3 (Vingroup) với tổng số tiền là hơn 23.692 tỷ đồng. Sau khi mua lại, lợi ích kinh tế của Công ty trong The CrownX tăng từ 70% lên 84,8%, dẫn đến chênh lệch ghi nhận giảm vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 22.000 tỷ đồng. Đây là ảnh hưởng dễ hiểu và bình thường các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động mua bán sáp nhập.

Với các thương vụ mua bán – sáp nhập đình đám năm 2020, Masan Group chính là Tập đoàn có thương vụ M&A tiêu biểu nhất trong năm qua. Với việc một Tập đoàn nội địa mua lại một nhà bán lẻ nội địa, đây chính là tín hiệu vui và là điểm sáng của thị trường bán lẻ Việt Nam sau nhiều năm bị các nhà bán lẻ Thái Lan, Hàn Quốc lấn lướt trong hoạt động M&A.

VinCommerce (VCM - sở hữu Vimart và Vinmart +)

Năm 2020, chiến lược và hoạt động bán lẻ hiện đại của VCM đã được điều chỉnh với trọng tâm là đạt được lợi nhuận và tạo tiền đề bền vững cho hành trình phát triển và chuyển đổi trong dài hạn.

Nguyên nhân chính góp phần cải thiện lợi nhuận đến từ việc đóng cửa các điểm bán kém hiệu quả, giúp VCM đạt được EBITDA dương trong Q4/2020. Động thái đóng cửa các cửa hàng ảnh hưởng bất lợi đến doanh thu thuần, nhưng bù lại, doanh số trên cơ sở so sánh tương đương like-for-like tại các địa điểm đã hoạt động trên 24 tháng có mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhìn chung, doanh thu thuần của VCM đã tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 27.130 tỷ đồng vào năm 2019 lên 30.978 tỷ đồng vào năm 2020. Doanh thu thuần từ hệ thống cửa hàng VinMart+ tăng 42% dù số lượng cửa hàng giảm ròng 660 nhờ doanh thu điều chỉnh trên mỗi m2 tăng trưởng 10,7% trong năm 2020.

Chuỗi siêu thị VinMart có doanh thu thuần năm 2020 giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do doanh thu thuần từ các siêu thị trong trung tâm thương mại Vincom Retail (VRE) giảm khi lưu lượng khách không còn được như trước trong bối cảnh lo ngại về Covid-19, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Chuỗi siêu thị VinMart có doanh thu thuần năm 2020 giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước

Chuỗi siêu thị VinMart có doanh thu thuần năm 2020 giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước

Về mặt EBITDA, nếu loại trừ các khoản lỗ một lần như chi phí đóng cửa các điểm bán không đạt mục tiêu lợi nhuận và bao gồm “lợi nhuận từ thỏa thuận với nhà cung cấp” ghi nhận trong doanh thu tài chính và doanh thu khác, VCM đã đạt biên EBITDA dương 0,2% trong Q4/2020 và đang trên đà đạt EBITDA dương trong cả năm 2021. Biên EBITDA dần được cải thiện trong năm 2020: (4,8%) trong Q1/2020; (8,4)% trong Q2/2020 (giai đoạn giãn cách xã hội do COVID-19); (3,0)% trong Q3/2020; và 0,2% trong Q4/2020.

Kết quả này có được là nhờ việc tối ưu hóa mạng lưới điểm bán, trong đó bao gồm đóng cửa 744 cửa hàng VinMart+ và 12 siêu thị VinMart trong năm 2020 do vận hành không hiệu quả.

Động thái đóng cửa này dự kiến sẽ giúp EBITDA của VCM trong năm 2021 tăng khoảng 400 tỷ đồng, vốn là khoản lỗ hoạt động từ các cửa hàng này khi còn vận hành trong năm 2020. Các biện pháp tối ưu hóa danh mục sản phẩm, ra mắt SKU hàng hóa chủ chốt và chính sách giá mới trong Q3/2020 đã giúp mang lại mức tăng trưởng hai con số trong doanh thu/m2 của VinMart+. Lợi nhuận thương mại (“TCM”) của VCM, lợi nhuận gộp cộng với các ưu đãi, hỗ trợ của nhà cung cấp đã giúp VCM tăng 21,1% doanh thu thuần trong Q4/2020 so với 19,0% cùng kỳ năm 2019 khi các sáng kiến cải thiện hoạt động thu mua và đảm bảo các điều khoản có lợi hơn với nhà cung cấp bắt đầu mang lại kết quả.

Masan Consumer Holdings

Doanh thu thuần của MCH tăng 27,2% lên 23.971 tỷ đồng trong năm 2020, từ mức 18.845 tỷ đồng năm 2019, nhờ đầu tư hiệu quả vào phát triển sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu, đặc biệt là trong các ngành hàng thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến.

Các sản phẩm mới ra mắt đóng góp 43% vào tăng trưởng doanh thu thuần năm 2020, tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững hai chữ số trong trung hạn. Danh mục sản phẩm cao cấp và mang lại giá trị gia tăng cho người tiêu dùng của MCH tiếp tục tăng trưởng tốt, một phần nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của kênh bán lẻ hiện đại (MT).

Doanh thu thuần ngành hàng gia vị tăng 12,4% trong năm 2020, nhờ chiến lược cao cấp hóa danh mục sản phẩm chủ chốt, thêm vào đó là sức tăng trưởng mạnh mẽ của sản phẩm hạt nêm.

Doanh thu thuần ngành hàng thực phẩm tiện lợi đã tăng 38% trong năm 2020, khi các sản phẩm thay thế bữa ăn tại nhà trở thành động lực tăng trưởng hàng đầu, tăng 140% so với năm 2019. Thịt chế biến mang lại doanh thu thuần 256 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần trong năm 2020 nhờ việc ra mắt các nhãn hiệu mới và mở rộng danh mục sản phẩm.

Các sản phẩm của Masan Consumer Holdings

Các sản phẩm của Masan Consumer Holdings

Thị trường đồ uống chịu nhiều ảnh hưởng trong năm 2020 khi lượng khách tiêu thụ trực tiếp tại nhà giảm do COVID-19. Tuy vậy, bất chấp những khó khăn của thị trường, ngành hàng đồ uống của MCH vẫn tăng trưởng 5% trong năm 2020, nhờ mức tăng 9% trong phân khúc nước tăng lực.

Công ty Cổ phần Bột giặt Net (NET) đóng góp 1.263 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2020.

Doanh số bán bia tăng 55% trong năm 2020 nhờ việc ra mắt nhãn hiệu mới “Red Ruby” trong khi doanh số cà phê hòa tan giảm 7% so với năm 2019. Trong năm 2020, biên lợi nhuận gộp của MCH gần như không đổi ở mức 41,4%, do tỷ suất lợi nhuận cao hơn trong ngành hàng gia vị và thịt chế biến bị trung hòa bởi tác động từ việc hợp nhất NET (biên lợi nhuận gộp thấp hơn). Biên lợi nhuận gộp của ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình dự kiến sẽ tăng trong trung hạn nhờ việc xây dựng các thương hiệu mạnh. Biên EBITDA của MCH là 23,8% trong năm 2020, đạt mục tiêu đề ra của Ban điều hành.

Masan MEATLife

Masan MEATLife Corporation (MML), công ty con chuyên về mảng kinh doanh thịt có thương hiệu của MSN, đã tăng tốc trên lộ trình mở rộng mảng kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh với doanh thu các sản phẩm thịt có thương hiệu vượt 100 triệu USD (tương đương 2.275 tỷ đồng) trong năm 2020, tăng trưởng 440% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, MML mở rộng sang thị trường thịt gia cầm trị giá 5 tỷ USD tại Việt Nam với việc đầu tư góp vốn 51% cổ phần vào 3F VIỆT - nền tảng kinh doanh gia cầm tích hợp hàng đầu với các sản phẩm có thương hiệu. Nhìn chung, doanh thu thuần hợp nhất của MML tăng 16,8% trong năm 2020 lên 16.119 tỷ đồng.

Tăng trưởng của mảng kinh doanh thịt trong năm 2020 đã đóng góp 15% vào doanh thu hợp nhất của MML trong năm 2020 so với mức 3% của năm 2019. Tính đến cuối năm 2020, thương hiệu MEATDeli đã có mặt tại 1.627 điểm bán (POS), trong đó có hơn 1.200 cửa hàng VinMart+ tại Hà Nội và TP.HCM, so với chỉ có 664 điểm bán vào cuối năm 2019.

Ngoài ra, MML cũng phát triển ngành hàng thịt chế biến với việc giới thiệu các sản phẩm thịt mát và thịt tẩm ướp sẵn trong năm 2020. Kế hoạch phát triển các sản phẩm thịt chế biến phong phú, bao gồm thịt mát chế biến ăn liền dự kiến sẽ đóng góp hơn nữa vào doanh số mảng kinh doanh thịt của MML trong năm 2021, trong đó thịt chế biến được kỳ vọng đóng góp 10% vào tổng doanh thu ngành thịt.

Doanh thu của Masan MEATLife đã vượt mốc 100 triệu USD

Doanh thu của Masan MEATLife đã vượt mốc 100 triệu USD

Dù gặp nhiều khó khăn khi thị trường thức ăn chăn nuôi vẫn còn trong giai đoạn phục hồi sau Dịch tả heo Châu Phi (ASF), mảng thức ăn chăn nuôi của MML tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này đã bắt đầu hồi phục, thể hiện qua mức tăng 22% sản lượng thức ăn gia súc của MML trong Q4/2020 so với cùng kỳ năm trước.

Các hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn do giá heo hơi cao hơn, duy trì ở mức trên 70.000 đồng/kg trong phần lớn năm 2020. Nhờ sự hồi phục vào Q4/2020, doanh số thức ăn gia súc bán ra gần như không đổi so với năm 2019. Sản lượng thức ăn gia cầm tăng 29% trong năm 2020 do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trứng, thịt gà gia tăng trong bối cảnh giá thịt heo, giá heo hơi tăng cao.

Doanh số mảng thức ăn thủy sản giảm 2,5%, nhưng dự kiến sẽ tăng trong năm 2021 do nhu cầu xuất khẩu dần phục hồi sau COVID-19. Năm 2020, tỷ suất lợi nhuận gộp của MML là 16,9%, tăng 50 điểm cơ bản so với năm 2019, do lợi nhuận cao hơn ở cả phân khúc thịt heo và gia cầm, cũng như gia tăng lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh thịt tích hợp (trang trại và thịt).

Biên EBITDA hợp nhất của MML năm 2020 đạt 11,7%, tăng 40 điểm cơ bản so với năm 2019, khi lợi nhuận từ mảng kinh doanh thịt của MML được cải thiện bằng cách tăng công suất và tỷ lệ tiêu thụ thịt heo. Bên cạnh đó, mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng tiếp tục tối ưu hóa lợi nhuận thông qua cắt giảm chi phí vận hành.

Do giá heo hơi hiện ở mức khá cao (một phần nguồn cung heo hơi đến từ các đối tác bên thứ 3), Ban điều hành đang tìm kiếm nhiều sáng kiến để giảm giá heo hơi đầu vào nhằm duy trì lợi nhuận trong năm 2021.

Các mảng kinh doanh khác

Các mảng kinh doanh khác của Masan cũng đạt được những cột mốc đáng chú ý trong năm 2020. Masan High-Tech Materials (MHT), trước đây là Masan Resources (MSR), tiếp tục củng cố chiến lược trở thành nền tảng vật liệu công nghiệp công nghệ cao toàn cầu với việc mua lại mảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck (HCS).

Việc kết hợp các nguồn nguyên liệu sơ cấp của MHT với nền tảng vonfram midstream (cận sâu) và năng lực tái chế của HCS sẽ cho phép MHT ứng phó tốt hơn với các chu kỳ giá hàng hóa thông qua linh hoạt hơn về chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường để tiêu thụ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

MHT đang hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nền tảng toàn cầu về vật liệu công nghiệp công nghệ cao xuyên suốt chuỗi giá trị, được củng cố bởi khoản đầu tư trị giá 90 triệu USD của Mitsubishi Materials Corporation để sở hữu 10,0% cổ phần MHT trong năm 2020.

Nhà máy sản xuất Vonfram của MHT tại Sarnia, Canada

Nhà máy sản xuất Vonfram của MHT tại Sarnia, Canada

Về phương diện tài chính, MHT chịu ảnh hưởng bất lợi khi đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu và khiến giá cả thị trường hàng hóa giảm. Doanh thu thuần của MHT tăng 54,9% lên 7.291 tỷ đồng, chủ yếu nhờ vào việc hợp nhất HCS bắt đầu từ tháng 6/2020. Ban điều hành của MHT đã có các biện pháp cắt giảm chi phí vận hành 530 tỷ đồng trong năm 2020.

Các biện pháp tối ưu chi phí này, kết hợp với khoản lợi nhuận một lần từ việc “mua hời” HCS đã giúp MHT có Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông đạt mức dương vào năm 2020, dù đây là một năm đầy khó khăn đối với các nhà sản xuất vonfram. Về hoạt động của HĐQT, nội dung các hoạt động quản trị và điều hành Công ty trong năm 2020, và các nghị quyết được HĐQT phê duyệt được thể hiện tại Phụ lục đính kèm báo cáo hoạt động này.

2021 và triển vọng tương lai

Trong năm 2021, MSN kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận trên tất cả các hoạt động kinh doanh của chúng tôi, nhờ các hoạt động đầu tư gần đây, điều kiện thị trường thuận lợi hơn và sức mạnh hiệp lực có được khi chúng tôi xây dựng nền tảng tiêu dùng tích hợp và nền tảng “Point-of-Life”.

Năm 2021, MSN đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 92.000-102.000 tỷ đồng và Lợi nhuận thuần phân bổ cho Cổ đông của Công ty từ 2.500-4.000 tỷ đồng. Về triển vọng dài hạn, ban điều hành Masan cho biết những nỗ lực thực hiện trong năm 2020 đã tạo tiền đề cho giai đoạn chuyển đổi và tăng trưởng tiếp theo trong 5 năm tới.

"Trong giai đoạn tới, chúng tôi tin rằng các sản phẩm và thương hiệu hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm độc đáo, mới lạ, tiện dụng và những trải nghiệm tiêu dùng phù hợp với sở thích cá nhân. Với việc tham gia vào lĩnh vực bán lẻ hiện đại, ban đầu tập trung vào các ngành hàng nhu yếu phẩm, có thể nói rằng chúng ta đã thực hiện những bước đầu đúng đắn và sở hữu hầu hết các yếu tố quan trọng để xây dựng nền tảng công nghệ tích hợp “Point-of-Life”.", báo cáo của Masan nhận định.

Đặng Khôi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục