Dư địa cho vay 265.000 tỷ đồng
Thống kê sơ bộ báo cáo tài chính quý I/2023 của các công ty chứng khoán cho thấy rõ tình trạng dư thừa nguồn vốn lúc này. Tổng dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 3/2023 là 123.000 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay margin 118.000 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ đồng so với đầu năm 2023.
Trong khi đó, giai đoạn 2020 - 2021, các công ty chứng khoán tích cực tăng vốn và “bơm” margin kịch trần để đáp ứng nhu cầu tăng vọt từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đảo chiều kể từ tháng 4/2022, điểm số và thanh khoản nhìn chung liên tục sụt giảm, khiến nhà đầu tư hạn chế sử dụng margin.
Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Cuối quý I/2023, tổng vốn chủ sở hữu khối công ty chứng khoán đạt trên 190.000 tỷ đồng, dư nợ margin/vốn chủ sở hữu là 62%, chỉ bằng một nửa giai đoạn 2020 - 2021. Chiếu theo quy định, khối công ty chứng khoán đang có dư địa cho vay khoảng 265.000 tỷ đồng.
Dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu của khối công ty chứng khoán hiện ở mức rất thấp, do vốn chủ sở hữu tăng, trong khi nhu cầu margin giảm.
Kết thúc quý I/2023, dư nợ cho vay margin tại Mirae Asset là 11.373 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cuối năm 2022. Mặc dù dư nợ margin giảm 1.253 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023, nhưng Mirae Asset vẫn là một trong hai công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin trên 10.000 tỷ đồng, bên cạnh Chứng khoán SSI là 10.951 tỷ đồng. Trong cùng khoảng thời gian, HSC có dư nợ margin 6.907 tỷ đồng, giảm 472 tỷ đồng.
Ngược lại, một số công ty chứng khoán có dư nợ margin tăng như TCBS tăng 790 tỷ đồng, lên 9.251 tỷ đồng; KIS tăng 441 tỷ đồng, lên 5.191 tỷ đồng.
Giảm lãi suất cho vay
Các công ty chứng khoán đã phải thay đổi chiến thuật kinh doanh cho phù hợp với diễn biến thị trường, tăng khả năng phục vụ khách hàng, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.
Cụ thể, không ít công ty liên tục đưa ra các gói ưu đãi lãi suất margin như SSI với gói 5.000 tỷ đồng, lãi suất 9%/năm; Yuanta có gói cho vay với lãi suất 9%/năm trong 3 tháng khi mở tài khoản mới; Mirae Asset có gói cho vay với lãi suất từ 9 - 11,5%/năm, tuỳ từng đối tượng khách hàng, giảm so với mức 13,5%/năm cuối năm 2022…
Một số công ty có ưu thế vốn giá rẻ cũng đang tìm kiếm đầu ra cho dòng tiền dư thừa, mức lãi suất cho vay từ 7,3 - 8%/năm.
Sau 2 đợt giảm một số loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3/2023, lãi suất huy động và cho vay bắt đầu giảm, thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định hơn sau các biến cố trong năm ngoái, góp phần làm giảm áp lực lên lãi suất. Đây là cơ sở để các công ty chứng khoán hạ lãi suất cho vay margin. Tuy nhiên, mức độ sử dụng margin của khách hàng vẫn thấp, nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi tín hiệu về thời điểm an toàn để quay trở lại thị trường chứng khoán.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng thêm lãi suất và các biến số liên quan đến các một số ngân hàng lớn trên thế giới khiến các nhà đầu tư trong nước lo ngại. Tình trạng rón rén margin phù hợp với khuyến nghị của các chuyên gia, cũng như môi giới chứng khoán, đó là không nên sử dụng đòn bẩy quá cao lúc này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, giảm lãi suất cho vay margin không hẳn sẽ giúp dư nợ cho vay margin tăng, mà phụ thuộc vào mức độ tự tin của nhà đầu tư trên thị trường.
Đồng quan điểm, ông Petri Deryng, nhà quản lý Quỹ Pyn Elite Fund nhận định: “Khi tâm lý trên thị trường được cải thiện, các khoản margin sẽ lại được triển khai để mua cổ phiếu”.
Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC cho biết, nhu cầu sử dụng margin ở giai đoạn thị trường nào cũng có. Nguồn vốn của HSC hiện nay dư thừa, nhưng 1 - 2 năm nữa có thể thiếu nguồn cho vay margin, nếu Công ty không có sự chuẩn bị. Hoạt động quản lý nguồn vốn của HSC rất quan trọng, nếu dư thừa vốn thì có thể kinh doanh trên thị trường tiền tệ, tức bài toán kinh doanh hiệu quả. Với mảng cho vay margin, quan điểm của HSC là kiên định với danh mục cho vay đối với các cổ phiếu thuộc doanh nghiệp tốt và Công ty không quan ngại với số liệu margin giảm.
“HSC sử dụng vốn hiệu quả, luôn có sự chuẩn bị cho đà tăng trưởng của thị trường, không thể nói chính xác là thời điểm nào, ngắn hay dài, nhưng khi thị trường phát triển, bật tăng, thì HSC đã luôn sẵn sàng”, ông Giang chia sẻ.
Tìm hướng đi mới
Với công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường hiện nay, SSI cũng đang có những đổi mới trong hoạt động, với nhiều chiến lược để thu hút nhà đầu tư sử dụng sản phẩm, dịch vụ, cũng như các giải pháp tài chính khác. Với chiến lược “full solution approach” (tiếp cận toàn diện - PV) và lợi thế vốn lớn, SSI tự tin, năm nay, doanh thu sẽ tăng 6%, lợi nhuận tăng 20% so với năm ngoái.
Theo SSI, Công ty sẽ xây dựng và đóng gói thêm sản phẩm, công cụ đầu tư mới cho môi giới để phục vụ khách hàng. Đây cũng là cách để giải bài toán “zero fee” (không phí giao dịch). Bên cạnh đóng gói các công cụ hay sản phẩm đầu tư tiêu chuẩn nhằm phục vụ các nhóm nhà đầu tư với nhu cầu, khẩu vị khác nhau, SSI còn xây dựng hệ thống đặc quyền hội riêng của nhà đầu tư, để đảm bảo nhà đầu tư gắn bó với môi giới, với Công ty không chỉ trong một vài năm, mà là cả vòng đời đầu tư của khách hàng, thậm chí gia đình khách hàng. SSI sẽ là công ty đầu tiên triển khai các hệ thống đặc quyền này.
Với câu chuyện nguồn vốn, bà Nguyễn Vũ Thuỳ Hương, Giám đốc cao cấp phụ trách Khối Đầu tư, Khối Nguồn vốn và kinh doanh tài chính, SSI chia sẻ, mục tiêu kinh doanh nguồn vốn của Công ty là đảm bảo nguồn vốn ổn định, dồi dào cho các mảng chính như cho vay margin, đầu tư. Có thời điểm, nguồn vốn kinh doanh không sử dụng hết sẽ được đầu tư vào các tài sản an toàn, linh hoạt chuyển thành tiền mặt để đảm bảo thanh khoản cho các hoạt động khác.
Hiện tổng nguồn vốn của SSI là 52.000 tỷ đồng, lớn nhất thị trường, trong đó vốn chủ sở hữu 22.000 tỷ đồng, chiếm 47%, còn lại là các khoản vay. Trong năm 2022, SSI vay nước ngoài hơn 250 triệu USD, bên cạnh vay các ngân hàng trong nước. Nửa đầu năm 2022, chi phí vốn từ 5 - 6%/năm, lãi suất vay USD khoảng 4%/năm. Nửa cuối năm 2022, do biến động lãi suất, mức vay trung bình tăng lên 7 - 8%/năm, nhưng gần đây giảm dần.
Công ty chứng khoán có lợi thế về khách hàng tổ chức là VietCap (tên gọi mới của Công ty Chứng khoán Bản Việt, mã chứng khoán VCI) đang có diễn biến kém khả quan khi thị phần môi giới khách hàng cá nhân liên tục giảm trong vài quý vừa qua. Tuy nhiên, VietCap có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) thường xuyên nằm trong Top cao nhất của ngành.
VietCap đánh giá, mảng môi giới bán lẻ (thường gắn liền với hoạt động cho vay margin) sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị, ước tính hơn 60 công ty chứng khoán đang hoạt động “chia nhau” miếng bánh tổng giá trị dịch vụ chưa tới 10.000 tỷ đồng. Một số công ty đã công bố chiến lược miễn phí giao dịch trọn đời, chiến lược này có thể sẽ được không ít công ty khác áp dụng trong tương lai. Mảng môi giới bán lẻ nhiều khả năng sẽ ngày càng giảm, thậm chí không có lợi nhuận.
Do đó, trong năm qua, VietCap đã thành lập Phòng đổi mới sáng tạo để tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ cho nhà đầu tư cá nhân, tập trung xây dựng core giao dịch. Trước đây, VietCap dùng core của nhà cung cấp nên mỗi lần chuyển đổi bất cứ dịch vụ nào cũng cần tới 6 tháng, thì nay Công ty có thể chủ động được nên thời gian được rút ngắn.
VietCap cũng đã thành lập bộ phận mới về quản lý tài sản khách hàng (Wealth management), nhằm tập trung nhóm khách hàng mà Công ty có lợi thế cạnh tranh, cụ thể là nhóm khách hàng có tổng tài sản trên 10 tỷ đồng.