Margin đem lại siêu lợi nhuận, nhưng...

(ĐTCK) Giao dịch ký quỹ chứng khoán (margin) giúp tăng tính thanh khoản, NĐT tăng cơ hội đạt lợi nhuận cao…, nhưng rủi ro cũng không nhỏ. Một số quy định về margin nên được sửa đổi nhằm hạn chế rủi ro cho NĐT.
Tỷ lệ ký quỹ duy trì khi giao dịch margin không nên quá cao Tỷ lệ ký quỹ duy trì khi giao dịch margin không nên quá cao

Quy định và thực tế áp dụng

Theo quy định hiện hành về margin, cụ thể là Quyết định 637/2011/QĐ-UBCK ngày 30/8/2011 và Quyết định số 09/QĐ-UBCK ngày 8/1/2013, NĐT phải đảm bảo tỷ lệ ký quỹ ban đầu, ít nhất là 50% tổng giá trị của chứng khoán cần mua.

Sau đó, NĐT phải đảm bảo một tỷ lệ ký quỹ duy trì, ít nhất là 30%. Khi tỷ lệ này giảm xuống dưới 30%, nếu khách hàng không bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ tài sản thế chấp trong thời hạn theo lệnh gọi ký quỹ bổ sung, CTCK có quyền bán một phần hoặc toàn bộ chứng khoán trong tài khoản của NĐT để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ duy trì. Danh sách các mã chứng khoán được phép margin do CTCK công bố, nhưng không thuộc danh sách các mã không đủ điều kiện margin do Sở GDCK công bố.

Thực tế cho thấy, chỉ có một số CTCK áp dụng tỷ lệ ký quỹ duy trì 30% như ACBS, BSC. Tỷ lệ ký quỹ duy trì được áp dụng phổ biến ở mức 40% tại nhiều CTCK như TVSI, MBS, BVSC… Đặc biệt, tỷ lệ này rất cao tại MSBS là 85%.

Nếu không đáp ứng được tỷ lệ ký quỹ duy trì, các CTCK sẽ xử lý tài sản của NĐT, tỷ lệ xử lý tại TVSI là 39%, MBS là 35%, BVSC là 30%, MSBS là 80%...

Giả sử một NĐT muốn mua 10.000 cổ phiếu A trên sàn HOSE có thị giá 10.000 đồng/CP, vì dự đoán giá cổ phiếu sẽ tăng, nhưng vốn chỉ có 50 triệu đồng nên đã thực hiện giao dịch ký quỹ để vay CTCK 50 triệu đồng. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu A đột ngột giảm sàn 7%/phiên trong 2 phiên, giá trị tài khoản còn 86,49 triệu đồng, tỷ lệ ký quỹ duy trì của NĐT gần chạm mốc 40% như quy định của nhiều CTCK. Chỉ cần thêm một phiên giảm giá khoảng 4% sau đó là NĐT phải bổ sung tài sản thế chấp, nếu không sẽ bị bán giải chấp. Trong khi đó, tài sản thực có của NĐT vẫn còn gần 33 triệu đồng.

Không ít trường hợp thị trường giảm điểm là do tâm lý, do tin đồn và giá cổ phiếu nhanh chóng phục hồi sau đó, nhưng cổ phiếu của NĐT đã bị bán giải chấp. Nếu CTCK không áp dụng tỷ lệ ký quỹ duy trì ở mức cao thì NĐT sẽ không bị thiệt hại.

Không chỉ gặp khó vì CTCK áp dụng tỷ lệ ký quỹ duy trì cao hơn nhiều tỷ lệ tối thiểu theo quy định của cơ quan quản lý, giao dịch ký quỹ của NĐT còn bị chi phối bởi danh mục các chứng khoán được phép ký quỹ mà CTCK đưa ra. Theo quy định tại ACBS, đối với trường hợp chứng khoán bị loại ra khỏi danh mục chứng khoán ký quỹ, ACBS sẽ xem xét thời gian giữ chứng khoán này làm tài sản đảm bảo, tối đa 90 ngày và thời gian là khác nhau đối với từng mã chứng khoán. Sau đó, ACBS sẽ ghi nhận các chứng khoán này có giá trị bằng 0. Như vậy, rủi ro khi NĐT quyết định giao dịch ký quỹ là rất lớn.

Rõ ràng, trong điều kiện thuận lợi, giá cổ phiếu tăng lên, cả NĐT và CTCK đều có lợi, tính thanh khoản của thị trường cũng gia tăng. Nhưng khi giá cổ phiếu giảm, NĐT sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào CTCK kể từ khi tiến hành giao dịch ký quỹ.

Đề xuất một số sửa đổi

Theo chúng tôi, để công bằng hơn với nhà đầu tư, nên sửa đổi quy định về tỷ lệ ký quỹ duy trì như sau: Tỷ lệ ký quỹ duy trì do CTCK quy định, nhưng phải nằm trong khoảng quy định của UBCK, có thể từ 25 - 30%; tỷ lệ xử lý tài sản có thể là 25%.

Ngoài ra, UBCK nên có một bộ phận chuyên giám sát các công ty niêm yết, bộ phận này cần nghiên cứu và đưa ra danh mục các chứng khoán cho phép ký quỹ hàng tháng theo những tiêu chuẩn nhất định. Theo đó, các CTCK lựa chọn danh mục cổ phiếu cho phép ký quỹ theo danh mục này, tránh tình trạng mỗi CTCK lựa chọn mỗi kiểu cũng như loại bỏ chứng khoán ra khỏi danh mục ký quỹ mang tính chủ quan,  làm xáo trộn thị trường.

Đối với cổ phiếu bị loại ra khỏi danh mục được phép giao dịch ký quỹ cần phải tăng cường giám sát và đưa cổ phiếu này trở lại danh mục giao dịch ký quỹ nếu tình hình hoạt động của các công ty này đã tốt trở lại, tránh thiệt hại cho NĐT khi bị các CTCK đóng băng tài sản và ghi nhận giá trị bằng 0 đối với các cổ phiếu này.

TS.Thân Thị Thu Thủy - ThS. Phan Thị Thơm, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục