Trong bối cảnh sàn UPCoM có sự cải thiện vượt bậc cả về chất lượng hàng hóa và thanh khoản như hiện nay, thì nhu cầu margin cho các cổ phiếu trên sàn này là tất yếu. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng giao dịch margin đối với cổ phiếu UPCoM là rất cần thiết và nên sớm thực hiện, bởi UPCoM hiện có nhiều cổ phiếu tốt, thậm chí thừa tiêu chuẩn niêm yết.
Thực tế trên được thừa nhận, nhưng vẫn có một số ý kiến cho rằng, giao dịch margin UPCoM tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngay cả với các cổ phiếu chất lượng cao, bởi hiện tại, cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM có mức độ minh bạch thông tin kém.
Ngoài ra, thanh khoản UPCoM dù có sự cải thiện mạnh, song vẫn ở mức thấp so với 2 sàn niêm yết. Một khi thị trường “có biến”, các công ty chứng khoán sẽ khó “trở tay”, trong khi nhà đầu tư thì “cháy” tài khoản. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, cũng như thị trường chung.
Mặt khác, nhu cầu giao dịch margin đối với các cổ phiếu trên UPCoM từ phía khách hàng hiện còn hạn chế, do đó nguồn thu chưa tương xứng với việc đầu tư, thiết lập hệ thống mới .
UPCoM hiện đã cải thiện mạnh cả về chất lượng hàng hóa và thanh khoản
Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược CTCP Chứng khoán Martime (MSI) cho rằng, hoạt động margin vốn dĩ tiềm ẩn rủi ro, nên ở bất kỳ sàn giao dịch nào thì điều này là không tránh khỏi. Riêng với UPCoM, dù nhu cầu giao dịch cổ phiếu trên sàn này chỉ ở mức trung bình thấp, nhưng bản chất câu chuyện ở đây là việc các công ty chứng khoán phục vụ khách hàng, nên hoạt động này cần được cho phép.
Cũng theo ông Khánh, để xác định cổ phiếu được margin và tỷ lệ cho vay tương ứng, mỗi công ty chứng khoán đều có hệ thống quản trị rủi ro riêng, từ việc xếp hạng tín nhiệm cổ phiếu qua các chỉ tiêu tài chính cho đến xem xét yếu tố thanh khoản, hệ số beta để đánh giá… Vì vậy, nên để các công ty chứng khoán kiểm soát việc cho vay margin.
Đồng tình với quan điểm trên, nhà đầu tư Trần Tiến Dũng chia sẻ, dù bản thân ông chưa giao dịch trên sàn UPCoM, nhưng việc cơ quan quản lý can thiệp vào quyền cho vay margin là không hợp lý. Bởi thực tế cho thấy, có nhiều lớp kiểm soát margin từ các công ty chứng khoán, ngân hàng và nhà đầu tư. Hơn thế, việc kiểm soát hoạt động này là rất khó, vì nếu nhà đầu tư có nhu cầu thì công ty chứng khoán ắt sẽ đáp ứng, từ đó tạo điều kiện cho hiện tượng “lách luật” diễn ra.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Môi giới chứng khoán CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), không phải mọi cổ phiếu giao dịch trên UPCoM đều rủi ro khi cho vay margin. Thực tế, nhiều cổ phiếu tốt, an toàn đang giao dịch trên thị trường này, nên ông Dũng cho rằng, cần “mở cửa” cho phép margin đối với cổ phiếu UPCoM.
“Tất nhiên, không phải tất cả cổ phiếu đều được margin, mà cũng cần có những hạn chế tương tự như đối với sàn HOSE và HNX. Về phía tổ chức cho vay, các công ty chứng khoán sẽ phải cân nhắc kỹ cổ phiếu nào nên cho vào danh mục margin”, ông Dũng nói.
Một số quan điểm khác ủng hộ việc mở dòng tiền margin cho UPCoM cũng lưu ý rằng, cho vay margin phải được thực hiện một cách chọn lọc, tránh đại trà, đảm bảo tập trung vào nhóm các cổ phiếu tốt nhất tại sàn này.
Về phía nhà quản lý, Dự thảo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành mới đây vẫn chưa đề cập đến việc mở rộng đối tượng thực hiện margin sang cho cổ phiếu UPCoM như tinh thần tại một số văn bản trước đó. Nhưng theo các chuyên gia, đó không phải là “đóng cửa”, mà là động thái thể hiện quan điểm thận trọng của cơ quan quản lý về hoạt động giao dịch tại UPCoM, đặc biệt là sau các sự cố xảy ra trên sàn này thời gian qua.
Thận trọng là điều đương nhiên, bởi sau vụ việc liên quan đến cổ phiếu MTM, niềm tin của nhà đầu tư với UPCoM vốn chưa cao, nay càng lung lay dữ dội. Tuy nhiên, như quan điểm mà nhiều chuyên gia chia sẻ, trong quá trình vận động, thị trường chứng khoán rất cần các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa rủi ro phát sinh, nhất là trong bối cảnh thị trường còn non trẻ, các chế tài pháp luật còn chậm trễ, tính răn đe chưa cao và chưa bao quát hết các hành vi trục lợi trên thị trường.
Mặc dù vậy, cần hạn chế tư duy “không quản được thì cấm”, dẫn đến không đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của thị trường, cũng như sự vận động liên tục của dòng chảy vốn, khi Việt Nam đang hướng đến một nền kinh tế thị trường thực thụ.