Mạo danh công ty chứng khoán để lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian qua, hiện tượng cá nhân mạo danh nhân viên công ty chứng khoán để lừa đảo nhà đầu tư lại rộ lên.
Các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội. Các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân thông qua mạng xã hội.

Thêm thủ đoạn lừa đảo

Theo phản ánh của chị Huyền (Hà Nội), cuối tháng 11 vừa qua, một người gọi điện cho chị tự xưng là Phạm Quốc Anh, nhân viên môi giới Công ty Chứng khoán DSC. Người này mời chị tham gia một nhóm đầu tư chứng khoán. Nhóm này đưa ra khuyến nghị đầu tư với những ví dụ về mức lợi suất rất hấp dẫn.

Bị thuyết phục bởi mức lợi suất đầu tư hấp dẫn và logo, địa chỉ rõ ràng, chị Huyền đã truy cập vào đường link do đối tượng này gửi để tải app đầu tư và nộp 80 triệu đồng vào tài khoản này.

Ngay khi nộp tiền xong, chị gọi điện vào số máy của người kia thì không liên lạc được. Đến Công ty Chứng khoán DSC để hỏi thì chị mới phát hiện ra mình đã bị lừa.

Lãnh đạo DSC cho biết, thời gian gần đây, Công ty đã tiếp nhận thông tin từ một số nhà đầu tư phản ánh về việc một số cá nhân, tổ chức mạo danh/lừa đảo để chiếm đoạt từ vài chục triệu đồng cho tới cả tỷ đồng. Các đối tượng lừa đảo thường thông qua website hoặc mạng xã hội Telegram, Facebook, Zalo… tiếp cận họ, mời chào tham gia khóa học liên quan đến đầu tư chứng khoán và dụ dỗ họ nộp tiền vào các ứng dụng đầu tư, sau đó chiếm đoạt. Hiện DSC đang thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để bảo vệ uy tín của Công ty.

Thực tế, chuyện mạo danh công ty chứng khoán để lừa đảo không phải lần đầu xảy ra. Trước đó, nhiều đối tượng lợi dụng uy tín của các công ty chứng khoán lớn như SSI, VNDIRECT... để lừa đảo và mức thiệt hại là không nhỏ.

VNDIRECT cho biết, trong 3 tháng gần đây, mặc dù Công ty đã đưa ra lời cảnh báo nhưng vẫn tiếp diễn tình trạng giả mạo nhân viên/đối tác hợp tác của VNDIRECT gọi điện thoại/nhắn tin thông qua ứng dụng nhắn tin/mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram, Instagram…) để mời khách hàng tham gia các khóa học liên quan đến chứng khoán, hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ môi giới/giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, các đối tượng tạo các website, đường link website giả mạo VNDIRECT (như Vndirect.top, VNdirectco.vn) để lấy thông tin/mật khẩu tài khoản của khách hàng; dụ dỗ khách hàng tham gia các hình thức đầu tư, công việc, nhiệm vụ/trò chơi… với cam kết lợi nhuận cao.

Thậm chí, các đối tượng còn tạo các ứng dụng giả mạo tên gọi hoặc biểu tượng của VNDIRECT (chẳng hạn như VNDIRECT Phúc Lợi, VND) và lừa khách hàng tải về điện thoại để mở tài khoản ảo, chuyển tiền/nộp tiền/giao dịch tiền dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tinh vi hơn, còn có hiện tượng giả mạo là tổ chức/cá nhân hợp tác đầu tư với thông tin bên bảo lãnh là chuyên gia của VNDIRECT để yêu cầu khách hàng chuyển tiền/nộp tiền vào giao dịch; giả danh công an để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản chứng khoán tại VNDIRECT (tên đăng nhập, thông tin chứng minh nhân dân/căn cước công dân...) nhằm mục đích chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán của khách hàng.

Đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư mới, các app giả mạo này hiển thị lợi nhuận gia tăng chóng mặt, biên độ cao hơn nhiều so với sàn chứng khoán thật.

Trước đó, nhiều đối tượng lừa đảo giả mạo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, lập trang web mạo danh Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), giả mạo số tài khoản của SSI tại Ngân hàng BIDV để lừa đảo, lập trang web ảo để lừa khách hàng chuyển tiền đầu tư rồi biến mất.

Đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư mới, các app giả mạo này hiển thị lợi nhuận gia tăng chóng mặt, biên độ tăng giá cao hơn nhiều so với sàn chứng khoán thật. Khi thấy khoản tiền của mình trong các app đầu tư giả mạo tăng đáng kể, nhiều nhà đầu tư “say sưa” nộp tiền tiếp.

Tuy nhiên, lúc nhà đầu tư muốn rút tiền lại không rút được. Đối tượng lừa đảo sau đó sẽ yêu cầu nhà đầu tư đóng thêm tiền thuế thu nhập cá nhân 10% hoặc phí sàn, tiền duy trì hồ sơ, phí rút tiền, tiền nâng cấp hồ sơ lên khách hàng VIP nhưng khi khách hàng nộp tiền xong liền bị chặn liên lạc.

Ngăn chặn lừa đảo, bảo vệ nhà đầu tư

Những nhà đầu tư nhẹ dạ mất tiền đã đành, song các công ty chứng khoán cũng bị “vạ lây”.

VNDIRECT cho biết, mặc dù Công ty đã nhiều lần cảnh báo, nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục lặp lại các hành vi để lừa đảo các nhà đầu tư mới.

Theo VNDIRECT, việc mạo danh VNDIRECT là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng/nhà đầu tư, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Công ty. Đồng thời, Công ty lưu ý các nhà đầu tư tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ cá nhân, đơn vị, tổ chức nào qua điện thoại, email, mạng xã hội, các trang web để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.

Công ty Chứng khoán DSC cũng khuyến cáo khách hàng liên hệ trực tiếp với Công ty để kiểm tra thông tin về các đầu mối liên hệ sản phẩm, dịch vụ nhằm tránh bị lừa đảo và trình báo ngay với cơ quan công an khi phát hiện mình đã giao dịch với các đối tượng này.

Công an TP. Hà Nội cũng cho biết đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh các hoạt động giao dịch chứng khoán trên không gian mạng có dấu hiệu giả mạo website các công ty chứng khoán.

Cơ quan này cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tăng cường cảnh báo đến các công ty chứng khoán thành viên, chỉ đạo các công ty chứng khoán cảnh báo liên tục, thường xuyên phương thức, thủ đoạn phạm tội nêu trên đến khách hàng trên nhiều kênh như website công ty, email, ứng dụng đầu tư…; đồng thời, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Các công ty chứng khoán khi nhận được khiếu nại của khách hàng về việc bị mất tiền trên tài khoản do giao dịch chứng khoán qua đường link giả mạo cần hướng dẫn khách hàng đến cơ quan công an, nơi xảy ra vụ việc để trình báo trong thời gian sớm nhất để cơ quan điều tra sớm điều tra, xử lý các tội phạm công nghệ cao nói trên.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục