Mạnh tay làm “sạch” thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cơ quan quản lý tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và tiến hành xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định pháp luật.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao chất lượng đại lý Các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao chất lượng đại lý

Lần đầu tiên thị trường được biết tỷ lệ duy trì hợp đồng thực

Kết quả hoạt động thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tại một số doanh nghiệp vào cuối tháng 6/2023 được Bộ Tài chính công bố công khai cho thấy, hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng còn nhiều tồn tại, nhất là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới bảo hiểm. Đặc biệt, lần đầu tiên, thị trường được biết tỷ lệ duy trì hợp đồng thực tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sun Life.

Tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm vốn là bí mật kinh doanh nên chỉ doanh nghiệp bảo hiểm biết và chỉ biết của chính mình, nhưng nay đã được “bật mí”.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, năm 2021, Prudential phát hành mới 94.431 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất của những hợp đồng này (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỷ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.

Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance trong năm 2021, trong đó có 3.247 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (năm thứ nhất), tương ứng với tỷ lệ 4,05%; còn tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng phát hành qua TPBank là 73%, ACB là 39%.

Công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm hàng năm là cần thiết, vừa giúp gia tăng tính minh bạch, vừa buộc các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ đại lý/tư vấn viên.

Với BIDV Metlife, trong năm 2021, doanh nghiệp bảo hiểm này chỉ triển khai bán bảo hiểm thông qua ngân hàng mẹ BIDV và phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%.

Tại MB Ageas, năm 2021, doanh nghiệp phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancassurance, trong đó 3.946 hợp đồng bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc, tương ứng tỷ lệ 5,91%; còn tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) là 32,4%.

Tỷ lệ hủy hợp đồng được công khai cho thấy một phần hoạt động bán hàng của các ngân hàng và công ty bảo hiểm. Tỷ lệ duy trì hợp đồng “mơ ước” của các công ty bảo hiểm là trên 80%. Vì thế, kết quả cuộc thanh tra không chỉ lộ ra tỷ lệ duy trì hợp đồng “không đẹp như mơ”. Tất nhiên, đây không phải là chuyện riêng của 4 công ty bảo hiểm, mà là cả thị trường.

Trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, từ lâu đã xảy ra tình trạng không ít đại lý phân phối vì sức ép doanh số và muốn được nhận mức hoa hồng năm đầu cao, dẫn tới một lượng không nhỏ hợp đồng “ảo”, tức là hợp đồng ngắn hạn, chỉ duy trì năm đầu rồi chấm dứt, làm “méo mó” thị trường. Bởi lẽ, một trong những đặc trưng của ngành bảo hiểm là các hợp đồng đóng phí thường niên dài hạn, nếu chỉ nhìn vào các con số thống kê đơn thuần về doanh thu thì không phản ánh đúng mức độ phát triển, nhất là khi số lượng khách hàng tham gia bảo hiểm thật bị “thổi phồng”.

Trước đó, chia sẻ với truyền thông về những “lùm xùm” của thị trường bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, bancassurance là một kênh tiềm năng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bancassurance đã khẳng định được hiệu quả tốt. Tại Việt Nam, kênh này mới phát triển trong những năm gần đây, mang lại doanh thu không nhỏ cho các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng việc triển khai có nhiều vấn đề cần phải thay đổi, hoàn thiện để phát triển minh bạch, đúng định hướng.

Theo ông Hồ Đức Phớc, các cơ quan quản lý chuyên ngành đã nhìn thấy những vấn đề phát sinh trên kênh bancassurance và khẩn trương vào cuộc để thay đổi. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước có nhiều buổi làm việc với nhau và có văn bản chấn chỉnh các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, cấm các hành vi mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ, “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo sự quản lý song hành các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm.

“Cơ quan quản lý tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm quy định pháp luật”, người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Kiểm duyệt chặt chất lượng đầu vào

Cùng với các quy định chặt chẽ về việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng, bán bảo hiểm liên kết đơn vị…, các cơ quan chức năng đã siết lại hoạt động đào tạo và cấp chứng chỉ bán bảo hiểm cho đại lý, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động này.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã giảm số lượng các trung tâm thi tuyển đại lý từ hơn 40 xuống còn hơn 20. Tần suất thi tại nhiều nơi giảm từ 2 kỳ/tháng xuống 1 kỳ/tháng.

Theo một số liệu ước tính, hiện tại, hoạt động tuyển mới đại lý của thị trường giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đại lý mới tuyển dụng có tỷ lệ trên 90% nghỉ việc trong vòng 12 tháng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững của kênh bancassurance, quy định tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP và Thông tư 67/2023/TT-BTC (hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm) đã tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng; đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng; tăng cường giám sát và đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận xét, nếu nhìn toàn cục, chất lượng đại lý bảo hiểm gần đây có sự cải thiện. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh đầu tư khâu đào tạo đại lý, đầu tư công nghệ thông tin, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Tuy vậy, có những đại lý bảo hiểm hoạt động với chất lượng chưa cao. Thực tế, không ít doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo đại lý theo hướng làm sao để bán được sản phẩm, có nghĩa là đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng hơn là chú trọng nền kiến thức kinh tế, kiến thức chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp. Mặt khác, một số doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về, mà lơ là việc kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý.

“Có những đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc mà dư luận phản ánh trong thời gian qua, làm giảm vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của bảo hiểm. Do vậy, đây là vấn đề mà thị trường cần phải thay đổi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao nhận thức, rà soát lại, có giải pháp để nâng cao chất lượng đại lý. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ chấn chỉnh và xử lý nghiêm các doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, cơ quan quản lý nên có các giải pháp mạnh hơn để thị trường bảo hiểm phát triển về chất và mang tính bền vững, dù hệ quả của đợt thanh lọc có thể khá nặng nề cho tất cả các doanh nghiệp.

“Thị trường bảo hiểm có thể ví như đang trải qua một đợt xạ trị, doanh nghiệp nào có sức đề kháng mạnh sẽ vượt qua. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần tập trung đào tạo, quản lý chất lượng tư vấn, nâng cao chất lượng dịch vụ để lấy lại uy tín”, vị đại diện doanh nghiệp bảo hiểm trên nói.

Nguyễn Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục