Tuần này, CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS) dự kiến công bố kết quả kinh doanh quý IV/2012 với mức lỗ gây bất ngờ trên thị trường, ước hàng trăm tỷ đồng. Song có lẽ Sudico không phải quán quân thua lỗ trên thị trường, sẽ có những cái tên khác xuất hiện.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới kết quả thất vọng của Sudico là Công ty đã chủ động trích lập dự phòng giảm giá dự án. Cụ thể là Dự án Khu đô thị Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Theo hồ sơ đầu tư, Sudico đã nhận chuyển nhượng dự án này từ một cá nhân với số tiền là 963 tỷ đồng từ năm 2010. Theo tạm tính của các ngân hàng và công ty kiểm toán, dự án này hiện chỉ có giá trị chưa đầy 500 tỷ đồng.
Một lãnh đạo của Sudico cho biết, năm 2013, Công ty đặt kế hoạch chuyển nhượng Dự án Hòa Hải, bởi nếu triển khai dự án, sẽ không một tổ chức tín dụng nào cho Công ty vay vốn. Ngay từ cuối năm 2012, HĐQT Công ty phải đứng trước bài toán: năm 2012, kiểu gì Sudico cũng lỗ; Công ty chưa hạch toán giảm giá dự án để lỗ thấp năm 2012, song năm 2013 có thể lỗ khủng và bị hủy niêm yết (là năm thứ 3, DN lỗ liên tục). Hay trích lập dự phòng giảm giá dự án để lỗ lớn ngay năm 2012, năm 2013 nỗ lực có lãi để có thể trụ lại trên sàn. HĐQT Sudico đã chọn phương án thứ hai, tức là trích lập dự phòng giảm giá dự án ngay trong năm 2012, khiến lợi nhuận của Công ty âm tới hàng trăm tỷ đồng.
Sudico quyết định trích lập dự phòng giảm giá dự án, chấp nhận lỗ lớn trong quý IV/2012
Trước Sudico, thị trường đã đón nhận kết quả kinh doanh không mấy tích cực từ một vài DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS, vật liệu xây dựng khác. Đơn cử, CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic) năm 2012 lỗ 127 tỷ đồng (năm 2011 lỗ 146 tỷ đồng); năm 2013, Hanic đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. CTCP Viglacera Đông Triều (DTC) lũy kế cả năm 2012 lỗ 67,84 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11,93 tỷ đồng và cũng đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.
Trong nhóm các công ty tài chính - chứng khoán, số liệu cuối cùng đang được các DN công bố, song đến thời điểm này có thể kể tên CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) giữ vị trí quán quân ngược với mức lỗ ròng 101,5 tỷ đồng trong năm 2012, cao gấp đôi so với mức lỗ của năm trước. Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, nếu còn biên độ điều chỉnh số liệu để chuyển lỗ thành lãi, các CTCK đều cố gắng thực hiện để có báo cáo đẹp ra thị trường, thu hút nhà đầu tư. Như vậy, có thể hiểu, danh sách những CTCK lỗ năm 2012 có thể không dừng ở những cái tên được công bố.
Theo quy định, thời hạn công bố kết quả hợp nhất là 45 ngày kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính, bởi vậy sau Tết Nguyên đán sẽ là thời điểm rộ mùa công bố kết quả kinh doanh năm. Rất có thể con số 200 - 300 tỷ đồng không phải mức quán quân lỗ trên sàn chứng khoán. Phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán lớn cho hay, nhiều DN bất động sản đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào các dự án. Nếu xem xét một cách thận trọng nhất, DN phải trích lập dự phòng giảm giá dự án. Tuy nhiên, hiện nay các công ty kiểm toán không có căn cứ để xác định giá trị dự án do thị trường đóng băng, những dự án xung quanh không có giao dịch. Bởi vậy, phần lớn DN BĐS không trích lập dự phòng giảm giá dự án.
Tương tự là những DN có khoản đầu tư vào các DN tư nhân, cổ phiếu chưa niêm yết. Số liệu để làm căn cứ trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán được thu lượm từ những nguồn mang tính chủ quan của kiểm toán và DN, vì thế phần nhiều không được phản ánh chính xác, đầy đủ.
Nếu nhìn lại bức tranh 9 tháng đầu năm 2012 qua số liệu cập nhật của UBCK về tình hình hoạt động của các DN niêm yết so với cùng kỳ năm trước, có thể thấy những gam màu rất ảm đạm. Cụ thể, số DN lỗ lũy kế là 143 công ty, tăng gấp 1,7 lần; số công ty có lợi nhuận sụt giảm là 438, tăng 12%; lợi nhuận trên vốn chủ của các DN tính trung bình chỉ đạt 8%, thấp hơn nhiều so với lãi vay và giảm mạnh so với mức 12,3% năm 2011. Quý cuối năm 2012, tình hình kinh tế chưa mấy sáng sủa, thị trường BĐS thậm chí còn xấu hơn, vì thế có lẽ những DN lỗ khủng sẽ còn lộ diện trong mùa báo cáo tài chính đang đến gần.