Theo ước tính của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), sản lượng tiêu thụ trong quý I/2016 đạt khoảng 920.000 tấn xi măng, tăng 12 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái và hơn 100.000 tấn clinker. Do giá bán xi măng có giảm 30.000 đồng/tấn ở một số loại mặt hàng nên doanh thu đạt khoảng 990 – 1.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế chưa tính chênh lệch tỷ giá ước đạt 58 - 59 tỷ đồng, tăng khoảng 6%. Tuy nhiên, với khoản dư nợ dài hạn khoảng 28,61 triệu EUR, nếu tạm tính theo tỷ giá bán ra EUR của VCB hiện tại thì lỗ tỷ giá trong quý I của BCC ước tính vào khoảng 20 tỷ đồng.
Với doanh nghiệp cùng ngành, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), biến động tỷ giá EUR/VND cũng tác động mạnh đến khoản nợ vay bằng USD cũng như kết quả kinh doanh quý I của công ty này.
Còn CTCP Nhiệt điện Phả Lại, với khoản vay nợ 24,14 tỷ Yên, ước tính phải ghi nhận hơn 200 tỷ đồng do lỗ tỷ giá trong quý đầu năm 2016.
Biến động tỷ giá cũng gây bất lợi cho nhiều doanh nghiệp trong ngành vận tải biển, khi tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân đang ở mức 0,87 lần, đặc biệt có công ty lên đến 3,7 lần, trong đó khoản nợ vay ngoại tệ chiếm tỷ trọng lớn. Các công ty có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao có thể kể đến là VOS, VNA… và những doanh nghiệp này dự báo phải trích lập dự phòng một khoản khá lớn do biến động tỷ giá.
Quý I/2016, CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn, với doanh thu thuần đạt gần 16,5 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ và HLA đã lỗ hơn 101 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu của việc lỗ nặng được HLA cho biết là do sự khó khăn của ngành thép kéo dài.
Hiện tại, HLA đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và các khoản nợ đã quá hạn thanh toán, bên cạnh đó, lãi suất đều phải tính trên lãi suất quá hạn nên chi phí tài chính tăng, sản lượng hàng hóa sản xuất trong kỳ của Công ty sụt giảm trầm trọng, trích lập dự phòng các khoản phải thu và không tạo ra được nguồn lợi nhuận bù đắp hết các chi phí trong kỳ…
Và còn nhiều lý do khác kéo giảm lợi nhuận trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí thua lỗ đã được các doanh nghiệp giải trình…
Sự khó khăn của một bộ phận doanh nghiệp trên sàn cũng phản ánh khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp trong nền kinh tế. “Sinh, tử” trong đời sống doanh nghiệp là chuyện thường, nhưng nếu khó khăn của doanh nghiệp đến từ chính sách lại là câu chuyện đáng suy ngẫm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tính riêng trong quý I, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 20.044 doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất - kinh doanh trong quý là 2.919 doanh nghiệp, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.