Luận về các con giáp…
Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, ở phương Đông, niên lịch chúng ta vận hành theo Lục Thập Hoa Giáp và đặt tên từng năm theo 10 Thiên can và 12 Địa chi, việc lấy 10 Thiên can và 12 Địa chi để đặt tên là để thuận cho việc vận hành, chứ về bản chất, ý nghĩa của 12 Thiên can, Địa chi là để nói lên quy luật vận hành và phát triển của trời đất theo vòng trường sinh, tương ứng với quy luật vô thường của nhà Phật là sinh - trụ - hoại - diệt. Theo đó, vạn vật đều có giai đoạn mới sinh ra, phát triển đến giai đoạn suy, rồi đến giai đoạn tuyệt, rồi lại quay vòng.
Chúng ta thấy, cách đặt tên là 12 con giáp ở Việt Nam và Trung Quốc cũng khác nhau, đó là năm thỏ ở Trung Quốc tương ứng với năm mèo ở Việt Nam. Chúng ta còn thấy trong 12 con giáp có những con vật không có thật mà chỉ là tượng trưng, như con rồng. Do đó, giả sử muốn có thịt rồng để cúng là điều không thể, muốn kiêng cũng chẳng được.
Chính vì vậy, việc kiêng mổ thịt con vật gì làm lễ thắp hương theo từng năm trong dịp Tết cũng không phải là tư duy logic.
Thậm chí, chúng ta thấy một số quốc gia quy định một con vật nào đó là linh vật thì họ cũng không bao giờ ăn thịt, chứ đừng nói là lấy thịt làm đồ cúng. Một số nước kiêng thịt lợn, có nước lại kiêng thịt bò... Có thể hiểu, việc con vật gì được thắp hương cũng được quy định theo tâm linh, theo vùng lãnh thổ và nền văn hóa.
Để hiểu đúng về kiêng kỵ
Ở một góc nhìn khác, theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, đạo Phật có quy luật luân hồi, mỗi chúng sinh tùy theo nghiệp quả mà luân hồi ở các kiếp khác nhau; có khi là kiếp người, có khi lại là kiếp súc vật, có khi là ngạ quỷ…
Nếu là kiếp động vật cũng đã là nhiều khổ đau, cuối cùng cũng bị giết thịt. Tuy nhiên, nếu hữu duyên được làm vật tế lễ, thờ cúng thì có khi cũng đã là hạnh duyên. Cho nên, trước khi chúng ta thịt một con vật gì đó để làm đồ lễ, các cụ mới dạy cho chúng ta một câu là “hóa kiếp này sang kiếp khác”. Nếu là con vật làm đồ lễ dâng thờ cúng, thì cũng nói thêm một câu là để làm lễ vật, trong buổi lễ cụ thể nào đó.
Ngay trong việc cúng lễ, nếu để ý cũng sẽ thấy các con vật khi được dâng tế lễ cũng là những con vật tương đối sạch sẽ. Chẳng ai cúng thịt chó (vì con chó là loài ăn bẩn), hay với thịt lợn, người ta cũng chỉ cúng thủ hoặc chân trước hay những phần ngon. Với phong tục ngoài Bắc, bất di bất dịch, lễ và Tết người ta thường cúng gà trống.
Ảnh: Shutterstock
Phân tích sâu hơn về việc kiêng kỵ con vật đem cúng trong đêm giao thừa, ông Trà ví dụ: Nếu vào năm Dậu người ta kiêng cúng gà, thì chẳng nhẽ năm 2019 lại kiêng cúng lợn. Trong khi Tết nào cũng phải có bánh chưng, khoanh giò đều làm từ thịt lợn. Nên nếu tư duy cúng cái gì, cúng như thế nào cũng không nên quá nặng nề. Miễn sao đủ đầy và với lòng thành và không lãng phí, điều đó mới quan trọng.
Nói cho cùng, việc lễ lạt khi cúng bái chỉ là những vật mang tính chất hình tượng, để cho người Dương an trụ cái tâm và các vị đường tâm linh ghi nhận lòng thành của con cháu, gia chủ.
Hiện nay, nhiều địa phương có phong tục trước Tết ra mộ thắp hương mời gia tiên về ăn Tết, cũng có những nơi lại kiêng kỵ điều này. Theo chuyên gia Hoàng Trà, ở nhà khi thắp hương giao thừa, chúng ta cũng mời các vị thần linh của khu đất và cả gia tiên về ăn Tết.
Do đó, việc chúng ta ra mộ, tức nhà của người đã khuất mời các cụ về ăn Tết cũng là lẽ đương nhiên, đó cũng là một nét đẹp, một phong tục hay, giúp cho con cháu gần Tết có thời gian về thăm mộ các cụ, tưởng nhớ người đã khuất, kết nối các thế hệ.
Về cách thức ra mộ ngày giáp Tết thỉnh mời gia tiên, theo chuyên gia, khi ra tới phần mộ, trước tiên, hãy đến có lễ và thắp hương tại Miếu thờ các quan quản trang; sau đó, lễ lạt thắp hương tại mộ, tùy tâm không cần câu nệ nhiều ít, vì đằng nào thì trên ban thờ tại gia cũng sắm đầy đủ lễ lạt, tiền vàng, quần áo gia tiên.
Trên đây là một vài tư vấn của Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông – KTS Hoàng Trà để độc giả cùng xem và chiêm nghiệm.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com