Công tác truyền thông về bảo hiểm còn nhiều vấn đề
Năm 2023 liên tiếp xảy ra các vụ công kích, tố cáo, “bóc phốt” các doanh nghiệp bảo hiểm của những người tham gia bảo hiểm, có cả người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, khiến ngành bảo hiểm nhân thọ đối mặt với cuộc khủng hoảng truyền thông lớn chưa từng có.
Những “lùm xùm” bung ra từ đầu năm 2023 bắt nguồn từ sự cố mang tên SCB - Manulife với hàng loạt đợt công kích, tố cáo, khiếu nại, thậm chí gửi đơn tố cáo tập thể đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Tài chính. Khi cuộc khủng hoảng này chưa kết thúc, thì cuộc khủng hoảng khác lại ập đến với việc một nữ diễn viên nổi tiếng liên tục livestream tố bị công ty bảo hiểm lừa dối khi mua một hợp đồng sản phẩm liên kết chung.
Truyền thông về chính sách bảo hiểm nên được ưu tiên xuất hiện sâu rộng trên nhiều kênh đa phương tiện, nhất là các kênh uy tín để đảm bảo lợi ích của người mua bảo hiểm, doanh nghiệp, ngân hàng, sớm khôi phục niềm tin cho thị trường.
Cùng với đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện hàng trăm chia sẻ, “bốc phốt” các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, khiến nhiều hợp đồng bảo hiểm bị hủy trong đáng tiếc, nhiều hợp đồng mới bị ngưng trệ, ngưng ký hoặc từ chối ký.
Tình trạng hủy hợp đồng cộng với việc không ký các hợp đồng mới đã khiến cho tổng doanh thu toàn ngành bảo hiểm sụt giảm nghiêm trọng. 11 tháng đầu năm 2023, mảng bảo hiểm nhân thọ giảm tới trên 10% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm phát triển, doanh thu của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có mức tăng trưởng âm.
Không phải đến năm 2023, các sự cố, lùm xùm về bảo hiểm mới xảy ra, mà đã diễn ra từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, 2 sự cố mang tên SCB - Manulife và vụ nữ diễn viên nổi tiếng như “giọt nước làm tràn ly”, đẩy ngành bảo hiểm rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Cùng với đó, tình trạng đại lý bảo hiểm, tư vấn viên bảo hiểm mập mờ, không xem trọng nghề; tỷ lệ bỏ nghề của đại lý bảo hiểm sau 2 năm đầu cao, có lúc lên tới trên 80%..., khiến cho ngành bảo hiểm có cái nhìn thiếu thiện cảm của người dân, nghề đại lý bảo hiểm bị coi là “bán hàng đa cấp”.
Tất cả những điểm tối này, theo các chuyên gia, nguyên nhân là do công tác truyền thông về bảo hiểm còn nhiều vấn đề. Các doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ chú trọng marketing bán hàng, khuyến mại, mà quên truyền thông về thị trường.
Trên thực tế, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đi qua 20 năm phát triển, nhưng số buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức về bảo hiểm cho các nhà báo thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí chỉ đếm trên đầu ngón tay và với quy mô nhỏ, nội dung chưa đủ sâu. Hệ lụy là số tin bài về thị trường bảo hiểm thương mại (để phân biệt với mảng bảo hiểm xã hội của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam) rất ít, nếu so với mảng tài chính khác là chứng khoán, ngân hàng, hay cả với bất động sản.
Chưa có con số chính thức, nhưng thống kê sơ bộ của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, số lượng tin bài về thị trường bảo hiểm và nguồn ngân sách mà các doanh nghiệp bảo hiểm dành cho công tác truyền thông đào tạo thị trường chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với doanh thu. Cụ thể, tuy giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh thu phí bảo hiểm mới ước đạt khoảng 130.000 tỷ đồng trong năm 2023, nhưng tổng ngân sách truyền thông đào tạo về thị trường bảo hiểm nhân thọ chưa đầy 10 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách cho marketing quảng cáo bán hàng lại chiếm tỷ lệ lớn.
Đại diện một công ty từng tham gia truyền thông nhiều về bảo hiểm cho biết, các công ty bảo hiểm không đầu tư mạnh cho đào tạo về thị trường bảo hiểm, không tập trung truyền thông nâng cao nhận thức, mà chỉ chăm chăm mải quảng cáo bán hàng. Đó cũng là lý do nhận thức của người dân chậm được cải thiện, năng lực của đại lý bảo hiểm còn hạn chế, hệ lụy là chỉ cần một khúc mắc, tranh chấp nhỏ cũng có thể xảy ra khủng hoảng truyền thông, người dân mất niềm tin, quay lưng với bảo hiểm.
Bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm lớn cũng đầu tư rất ít cho truyền thông đào tạo thị trường, chỉ trên dưới 1 tỷ đồng/năm, mức rất nhỏ so với doanh thu phí bảo hiểm mỗi năm. Do đó, chất lượng truyền thông của mảng bảo hiểm thương mại còn mờ nhạt, nặng về quảng cáo bán hàng, thiếu nhiều bài tư vấn chất lượng thực sự giúp nâng cao nhận thức cho người dân.
Các bài viết đa chiều, chuyên sâu của các cơ quan báo chí uy tín như Đầu tư Chứng khoán, góp phần giúp ngành bảo hiểm nhân thọ vượt qua khủng hoảng năm 2023 |
Trong khi đó, mảng bảo hiểm xã hội được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quan tâm, chú trọng tới công tác truyền thông.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, riêng 7 tháng đầu năm 2023 đã có trên 18.000 tin, bài, phóng sự… (trung bình mỗi ngày có 86 tin, bài, phóng sự) về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có rất nhiều bài báo, phóng sự… về mảng này được phản ánh khách quan, thời sự, mang lại nhiều thông tin hữu ích. Những tin bài về thủ tục, kiến thức, lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hoặc các vụ trục lợi bảo hiểm y tế… liên tục được cập nhật, phản ánh, giúp người dân hiểu rõ về bảo hiểm xã hội.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, công tác thông tin, truyền thông nói chung, báo chí nói riêng đã góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thông qua báo chí đã giúp truyền cảm hứng, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Cần thay đổi nhận thức và cách thức truyền thông
Một số công ty bảo hiểm thừa nhận, do công tác thông tin, chia sẻ kiến thức về bảo hiểm chưa đầy đủ, nên có những bài viết về bảo hiểm phản ánh sơ sài theo kiểu “xấu che, tốt khoe”, gây khó hiểu cho người dân.
Theo Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030, ngoài những kết quả đáng khích lệ, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ một trong những tồn tại kéo dài nhiều năm trên thị trường, đó là nhận thức và ý thức về bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân, người tham gia bảo hiểm còn hạn chế. Ngoài ra, việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm chưa thực sự hiệu quả ở cả cơ quan quản lý bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền bảo hiểm chưa được thực hiện đồng bộ, tổng thể. Tuy nhiên, ngay cơ quan quản lý cũng chưa thực sự coi trọng công tác truyền thông về thị trường nói chung và truyền thông chính sách bảo hiểm nói riêng.
Đơn cử, mới đây, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP, Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư số 70/2022/TT-BTC quy định về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại trụ sở của Bộ. Đây là những chính sách mới với nhiều quy định mới, không dễ hiểu với người dân, thậm chí cả những người làm trong nghề bảo hiểm, nên rất cần truyền thông rộng rãi đến toàn thể thị trường và người dân. Tuy nhiên, rất ít báo được mời tham dự, nên các thông tin được phát đi trên các phương tiện truyền thông cũng chỉ dừng ở dạng “thông cáo báo chí” do Bộ Tài chính gửi.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật về bảo hiểm vốn khó hiểu, phức tạp rất cần được truyền thông đầy đủ, cập nhật, nếu không được đầu tư về ngân sách truyền thông, cũng như chất lượng truyền thông thì khó có những bài, phóng sự phản ánh chân thực, sinh động về những khó khăn trở ngại, những cách làm hay, những điển hình tốt của ngành (những hình mẫu đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp), cũng như những tâm tư, nguyện vọng của người tham bảo hiểm, người dân nói chung, như ngành bảo hiểm xã hội đang làm.
Ở các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, mỗi khi có chính sách mới, báo chí luôn giữ vai trò quan trọng trong việc truyền thông chính sách, góp phần đưa các chính sách đi vào cuộc sống.
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm còn đìu hiu thì việc truyền thông đào tạo về thị trường, nâng cao hiểu biết về bảo hiểm phải được ưu tiên. Báo chí luôn giữ vai trò quan trọng trong việc truyền thông nâng cao nhận thức, truyền thông về chính sách, góp phần đưa các chính sách về bảo hiểm thực sự đi vào cuộc sống.
“Là người gắn bó nhiều năm với bảo hiểm, tôi mong các doanh nghiệp bảo hiểm tăng truyền thông về đào tạo thị trường, thay vì chú trọng marketing bán hàng, khuyến mại như hiện tại. Nếu các thông tin về bảo hiểm vừa thiếu, vừa yếu như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng đến người tham gia bảo hiểm, cũng như chính doanh nghiệp. Các quy định mới về bảo hiểm nhân thọ, trong đó sản phẩm phân phối qua ngân hàng vừa được ban hành cần được truyền thông đầy đủ. Truyền thông về chính sách bảo hiểm nên được ưu tiên xuất hiện sâu rộng trên nhiều kênh đa phương tiện, nhất là các kênh uy tín để đảm bảo lợi ích của người mua bảo hiểm, doanh nghiệp, ngân hàng, sớm khôi phục niềm tin”, bà Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Financial Insurance Services Vietnam (F.I.S Vietnam) nói.
Việc các doanh nghiệp bảo hiểm dồn ngân sách cho khâu quảng bá bán hàng, ít chú trọng tới công tác truyền thông về thị trường, sản phẩm, quyền lợi bảo hiểm, khiến phần lớn người tiêu dùng chưa phân biệt các loại hình sản phẩm bảo hiểm, chưa hiểu được bảng minh họa sản phẩm, các điều khoản loại trừ bảo hiểm, ý nghĩa của “21 ngày cân nhắc”… Thậm chí, do truyền thông hạn chế, nên có những khách hàng chưa nhận biết được mối quan hệ giữa đại lý bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, dẫn đến nộp phí bảo hiểm cho đại lý đã nghỉ việc.
Do đó, theo các chuyên gia, truyền thông về bảo hiểm cần đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, dễ hiểu, đầy đủ, cập nhật hơn, giúp phục hồi niềm tin, xây dựng lại thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, tập trung hơn vào chất lượng dịch vụ kinh doanh bảo hiểm. Điều này cần những động thái tích cực từ phía cơ quan quản lý, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), các công ty bảo hiểm và sự đồng hành của các cơ quan truyền thông uy tín, các tờ báo tài chính hàng đầu.