Covid-19 thực sự là cơn ác mộng với nhiều người lao động ly hương lên Sài Gòn lập nghiệp. Tháng trước, Nga - cô bạn thời cấp ba của tôi bảo “chắc mình phải rời Sài Gòn”. Nga là công nhân tại một xí nghiệp chuyên gia công ba-lô xuất khẩu với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh diễn biến kéo dài, công ty nơi cô bạn làm việc cũng không thể trụ vững. “Cũng không biết sẽ làm gì, nhưng ít ra còn có vườn rau ở quê”, Nga trả lời câu hỏi “về quê sẽ làm gì?” của tôi bằng một câu trả lời khá... chông chênh.
Nhưng mấy hôm trước, Nga bất ngờ nhắn báo tin mừng là đã kiếm được việc mới với mức lương khá ổn, đó là quản lý ba dãy nhà trọ nơi cô đang thuê ở. Nga kể, sếp của cô là một nữ thương binh, tên thường gọi là bà Sáu, là tổ trưởng tổ dân phố Khu phố 2 (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) và cũng là chủ của một vài dãy trọ trong khu.
Cứ đến khu phố này, hỏi bà Sáu thương binh thì không ai là không biết và được nhiều người quý trọng bởi tấm lòng thơm thảo. Tuần rồi, một dãy trọ của bà nằm trong khu vực phong tỏa phòng dịch. Nga cho biết, dãy trọ có 2 hộ gia đình đặc biệt khó khăn đã được bà miễn toàn bộ tiền thuê tháng này và tiền nợ của những tháng trước.
Ngoài các khu trọ, bà Sáu còn có 2 mặt bằng cho thuê để làm nhà trẻ. Vì phải đóng cửa, một mặt bằng đã 5 tháng vẫn chưa trả tiền thuê. Bà Sáu hứa sẽ miễn toàn bộ tiền thuê tháng 5, trường hợp dịch bệnh còn kéo dài thì giảm 50% giá thuê cho các tháng tiếp theo, một mặt bằng còn lại cho thuê 22 triệu đồng/tháng cũng được giảm 50% tiền thuê tháng 5 và tháng 6.
Sự sẻ chia ấm lòng của những người chủ khu trọ như bà Sáu lan tỏa rộng khắp Sài Gòn. Một chị đồng nghiệp của tôi cũng là chủ của một số căn nhà cho thuê ở Gò Vấp và Tân Bình đã thông báo giảm từ 30-50% tiền thuê nhà, thuê phòng cho khách thuê, bên cạnh đó là miễn phí các loại tiền dịch vụ, tiền nước, tiền internet, chỗ để xe, mà chỉ thu tiền điện.
Mặc dù biết rằng làm như vậy là sẽ lỗ, “nhưng không sao cả, chị lo được”, chị bảo. Ngoài ra, tháng này chị còn tặng mỗi phòng một phần quà gồm thùng mỳ tôm, gói bột ngọt… nhằm chia sẻ khó khăn cùng mọi người. Khi tôi hỏi việc giảm giá này áp dụng bao lâu, chị nhanh nhảu nói: “Còn dịch là còn giảm!”.
Tôi có một anh bạn đang thuê một căn nhà liền kề tại TP. Thủ Đức với giá gần 8 triệu đồng/tháng. Trước đây, với công việc ổn định và thu nhập hàng tháng đều đặn thì không quá nặng gánh về khoản tiền này, nhưng hơn tháng nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến công việc của vợ chồng anh không còn suôn sẻ, thu nhập giảm sút.
Anh tính liên lạc với bà chủ để trình bày về hoàn cảnh hiện tại, mong được giảm một phần nào đó tiền nhà và đắn đo mãi mới thực hiện. Một hồi lâu sau, anh nhận được tin nhắn trả lời, đó là một dòng tin dài với những lời lẽ rất lịch sự, nhẹ nhàng. Chủ nhà cho biết, không phải bà không nghĩ tới chuyện này, bà cũng rất khổ tâm vì không san sẻ khó khăn được với người thuê.
Bà cho biết, để có tiền xây dãy nhà cho thuê này, bà đang gánh khoản nợ gần 2 tỷ đồng vay ngân hàng. Giờ dịch bệnh, bà cũng phải nghỉ việc ở công ty, hàng tháng phải trả mấy chục triệu đồng tiền lãi và gốc cho ngân hàng.
“Con thông cảm cho cô, cố gắng hết tháng này rồi tháng sau cô tính”. Đọc xong tin nhắn, anh bạn của tôi có chút nghẹn ngào. Anh cảm thấy mình may mắn hơn bà chủ nhà vì không phải vay ngân hàng trong giai đoạn này. Dịch bệnh gây khó khăn cho tất cả mọi người và ai cũng có có khăn riêng của mình, mỗi người ráng một chút, qua cơn Covid này, Sài Gòn lại bình yên, ấm áp và bao dung như đã từng...