Made in China 2025 - kế hoạch ngáng đường đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị công nghệ trong tương lai là một trong những rào cản lớn nhất với khả năng giải quyết chiến tranh thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Ảnh: Bloomberg. Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Ảnh: Bloomberg.

Quan chức Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng có kết quả đột phá, khi Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ - Donald Trump gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina cuối tháng tới.

Ông Trump vẫn đe dọa áp thêm thuế nhập khẩu. Còn ông Tập lại chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ bằng các biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng lên tăng trưởng, đồng thời không phát tín hiệu nhượng bộ kế hoạch tăng cường sức mạnh công nghệ của quốc gia.

Với ông Tập, từ bỏ các ngành công nghiệp nặng truyền thống, và thống trị các ngành công nghiệp mới, sạch hơn là trọng tâm cam kết tạo ra một xã hội thịnh vượng.

Chính quyền ông Trump thì lại muốn duy trì vị thế vượt trội về kinh tế của Mỹ. Trong một bài phát biểu gần đây, cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng - Larry Kudlow cho biết: “Chúng ta đang có lợi thế về kinh tế”.

Bắc Kinh đang chơi một cuộc chơi dài hạn. Năm 2015, họ lần đầu công bố kế hoạch Made in China 2025 và ngày càng thu hút nhiều sự chú ý. Nói ngắn gọn, đây là kế hoạch nhằm cải tổ Trung Quốc, biến họ thành một nền kinh tế công nghệ cao.

Made in China 2025 xác định 10 ngành công nghiệp mà họ muốn có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu trước năm 2025, và thống trị trong thế kỷ 21Đó là robot, phương tiện giao thông năng lượng mới, công nghệ sinh học, vũ trụ, vận tải biển cao cấp, thiết bị đường sắt công nghệ cao, thiết bị điện, vật liệu mới, phần mềm và công nghệ thông tin thế hệ mới, máy nông nghiệp.

Họ còn có một chiến lược phát triển riêng cho Trí tuệ nhân tạo (AI), được công bố năm ngoái. Trung Quốc muốn trở thành trung tâm đột phá về AI của thế giới trước năm 2030.

Trung Quốc dĩ nhiên có lý do để làm việc này. Họ muốn chuyển dịch nền kinh tế, từ dựa vào các ngành cần nhiều lao động, sang sản xuất công nghệ cao.

Chi phí nhân công tăng, trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng khiến lực lượng lao động co lại đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của nước này. Để bật lên, Trung Quốc cần chuyển sang các ngành công nghiệp mà các nước phát triển đang thống trị.

Mỹ thì tỏ ra không hài lòng với chiến lược này của Trung Quốc. Các công ty Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng hàng loạt chiêu thức nhằm buộc họ chuyển giao tài sản trí tuệ, thậm chí ăn trộm bí mật thương mại của Mỹ.

Doanh nghiệp nước ngoài lo ngại sẽ không thể cạnh tranh với công ty Trung Quốc trong các ngành sản xuất công nghệ cao khi những công ty này được Chính phủ hỗ trợ. Hồi tháng 3, Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer từng tuyên bố trước Thượng viện Mỹ rằng “Có những thứ mà nếu Trung Quốc thống trị thế giới, Mỹ sẽ bất lợi”.

Giới phân tích cho rằng việc Mỹ lo lắng cũng khá dễ hiểu, dù nước này vẫn đang có lợi thế trong các ngành công nghiệp mà Trung Quốc muốn đẩy mạnh. 

Năm 2014, Trung Quốc đã chấm dứt sự thống trị của Nhật Bản tại châu Á trong xuất khẩu hàng công nghệ cao, ADB cho biết. Năm đó, nước này đóng góp 44% hàng công nghệ cao xuất khẩu của khu vực, như thiết bị y tế, máy bay và thiết bị viễn thông tăng so với chỉ 4% năm 2000. Trung Quốc cũng đang tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo, xe điện và sản xuất máy bay.

 Máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Reuters.

Vài tháng qua, Mỹ và Trung Quốc đã đánh thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, châm ngòi cho cuộc chiến thương mại có quy mô khổng lồ.
Thuế nhập khẩu mà ông Trump đánh vào hàng Trung Quốc bao gồm rất nhiều lĩnh vực được ưu tiên trong Made in China 2025. Đánh trực diện vào kế hoạch này sẽ giải quyết được phàn nàn của nhiều công ty Mỹ tại Trung Quốc. Nó có tác dụng hơn nhiều so với các đòn thuế trước của ông Trump, đánh lên máy giặt, pin năng lượng mặt trời, nhôm và thép.

Dĩ nhiên, Trung Quốc không vì sức ép mà từ bỏ tham vọng của mình. Trước các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ hồi tháng 5, nước này còn khẳng định không chấp nhận các điều kiện ban đầu của Mỹ, trong đó có từ bỏ Made in China 2025.

Sau việc Mỹ cấm các công ty trong nước làm ăn với ZTE vì bán hàng trái phép sang Iran, khiến hoạt động của đại gia viễn thông này tê liệt, Trung Quốc càng nhận ra sự cần thiết của việc nắm bắt công nghệ lớn và sáng tạo trong nước.

Dù vậy, trong vài tháng qua, Bắc Kinh lại kêu gọi quan chức và giới truyền thông giảm ca tụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Thay vì thể hiện mình như "gã khổng lồ nhiều sức mạnh", họ tỏ ra mình là một bên khiêm nhường muốn hỗ trợ cho các nước cần giúp đỡ. Truyền thông nhà nước cũng được yêu cầu giảm nhắc đến Made in China 2025.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa họ sẵn sàng từ bỏ kế hoạch. Bản Made in China 2025 chính thức không đề ra mục tiêu với các công ty Trung Quốc, về thị phần trong nước và toàn cầu, thậm chí khẳng định việc thực thi còn tùy thuộc vào thị trường.

Nhưng tài liệu không chính thức “Made in China 2025 Major Technical Road Map” - còn có tên khác là Sách Xanh - lại liệt kê khá nhiều mục tiêu trong suốt 296 trang.

Trong một tuyên bố hồi tháng 4, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc - Miao Wei khẳng định các mục tiêu này là không chính thức và không có nhiều ảnh hưởng. Họ cam kết kế hoạch Made in China 2025 áp dụng như nhau với cả công ty trong nước và nước ngoài.

Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nướcĐây từng là trọng tâm kế hoạch tăng trưởng của Nhật trong thập niên 70 và 80. Made in China 2025 cũng lấy cảm hứng từ Industry 4.0 của Đức năm 2013.

Chính tại Mỹ, các đột phá trong sản phẩm bán dẫn, năng lượng nguyên tử, công nghệ hình ảnh và nhiều lĩnh vực khác cũng được hỗ trợ bởi các chính sách công nghiệp.

Dù vậy, Made in China 2025 lại đang là yếu tố thay đổi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ. Nó là một trong những điểm nghẽn được đánh giá khiến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khó đạt thỏa thuận thương mại.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Wilbur Ross luôn cho rằng đây là sự tấn công vào “các thiên tài của Mỹ”, do nó giúp các công ty Trung Quốc có lợi thế trước các hãng như Boeing hay Intel. Tuy vậy, giới chức Trung Quốc chỉ coi đây là cách để họ leo lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Nó cho thấy rõ ràng thứ mà mọi người đang lo lắng. Quy mô và sự chi tiết của kế hoạch này có vẻ đã khiến mọi thứ đi vào bế tắc”, Timothy Stratford - cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ cho biết.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục