Mắc nợ ngân hàng, người lao động DVD kêu cứu

(ĐTCK-online) Không chỉ các cổ đông, nhiều CBNV CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) đang phải đối mặt với bi kịch nợ nần khi DN này phá sản. Khoản đầu tư mang tên "trái phiếu công đoàn" khiến họ vướng vào khoản nợ hàng chục, hàng trăm triệu đồng với Ngân hàng X, trong khi đó, đa số họ đã bị mất việc làm tại Công ty.
Mắc nợ ngân  hàng, người lao động DVD kêu cứu

>> Toàn cảnh vụ DVD

Những người ở lại sống lay lắt chờ Công ty làm thủ tục phá sản, những người khác rời khỏi Công ty nhưng hiện không dễ kiếm việc mới. Trước bi kịch của hàng trăm CBNV DVD liên quan đến đợt phát hành trái phiếu công đoàn và khoản tiền vay của Ngân hàng X, dư luận đang chờ đợi sự minh định rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan trong vấn đề này.

 

Người lao động DVD mắc nợ

Qua đường dây nóng của Báo ĐTCK, chị P, nguyên cán bộ kế toán DVD kể lại, chị được mua trái phiếu công đoàn của Công ty với tổng giá trị 100 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng vay của Ngân hàng X. Để người lao động được vay số tiền này, DVD đã đứng ra bảo lãnh, sau đó toàn bộ số tiền vay được giải ngân vào tài khoản của cá nhân ông Lê Văn Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT. Sau khi nhân viên vay nợ ngân hàng, hàng tháng Công ty trích một phần tiền lương để trả lãi cho Ngân hàng X. Khoản lãi hứa hẹn khi đáo hạn người lao động được hưởng 70%, 30% còn lại góp vào quỹ công đoàn Công ty. Tuy nhiên, chưa hết một năm đã xảy ra biến cố khi tháng 12/2010, ông Lê Văn Dũng bị bắt do liên quan đến làm giá CP. Kể từ đây, DVD bắt đầu quá trình lao dốc không phanh cả về giá chứng khoán và hoạt động Công ty.

Anh T, một cán bộ của DVD tại TP. HCM mua trái phiếu công đoàn vào tháng 8/2010 cho biết, ngày 7/9/2011 những người nguyên là cán bộ DVD mua trái phiếu công đoàn đã làm đơn kêu cứu gửi tiếp lên các cơ quan chức năng. Trong đơn, họ thống kê chi tiết số tiền vay ngân hàng, thời gian vay, hồ sơ, thủ tục, quá trình vay… để mua trái phiếu. Các lá đơn này được gửi đi với mong mỏi các cơ quan chức năng và tòa án sẽ giải quyết thấu tình đạt lý việc vay tiền này.

Trước đó, ngày 9/5/2011, một lá đơn do rất nhiều CBNV DVD ký cũng đã được gửi đến nhiều cơ quan chức năng. Trong đơn kêu cứu này, các CBNV DVD cho biết, căn cứ vào Thông báo số 05-2010/TB-CTĐC về việc đầu tư quỹ công đoàn năm 2010 - 2012, Thông báo số 06- 2010/TB-CD về việc CBNV đầu tư quỹ công đoàn, Thông báo 07 -2010/TB-CD về việc ban lãnh đạo được ưu đãi đầu tư quỹ công đoàn và Thông báo số 08-2010/TB-CD về việc Ngân hàng X hỗ trợ cho CBNV DVD vay tiền đầu tư quỹ công đoàn 2010 -2012, lãnh đạo DVD đã gửi email kêu gọi tất cả CBNV tham gia đầu tư quỹ công đoàn năm 2010-2012 với số tiền tham gia từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng theo hai hình thức: nộp tiền mặt và vay Ngân hàng X với các kỳ hạn 12 tháng (lợi tức 100%) và 24 tháng (lợi tức 200%). Theo các thông báo trên, người lao động được cấp sổ xác nhận và cam kết với thời hạn cuối cùng là 25/5/2010. Tuy nhiên, đến ngày 9/5, người lao động DVD vẫn không nhận được sổ xác nhận và cam kết nào, không nhận được thanh toán lãi và gốc dù quá hạn.

Chưa có thống kê chính xác, nhưng số tiền CBNV bỏ ra và vay ngân hàng để mua trái phiếu công đoàn của DVD là khá lớn. Tùy vào thâm niên và vị trí công tác, mỗi cán bộ được mua từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Trong đơn tố cáo gửi đi ngày 9/5/2011, CBNV DVD viết rằng, các khoản vay của họ với Ngân hàng X là được bảo lãnh, nhưng bây giờ Ngân hàng X lại gửi thông báo đòi nợ họ. Những người này hoàn toàn không được thụ hưởng số tiền trên, nhưng đến nay phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Theo họ, thực chất khoản vay này là do Ngân hàng X và ông Lê Văn Dũng đàm phán, thống nhất từ trước, người lao động chỉ là nạn nhân của giao dịch này.

 

Tính pháp lý của đợt phát hành trái phiếu công đoàn ở đâu?

Tìm hiểu của ĐTCK, năm 2010 DVD đã phát hành trái phiếu công đoàn với mục đích huy động vốn của người lao động trong Công ty. Loại trái phiếu này có thời hạn 1 năm và 2 năm. Như vậy DVD là tổ chức phát hành, việc gắn thêm từ công đoàn chỉ nhằm chia 30% trái tức vào Quỹ công đoàn của Công ty. Trong khoảng thời gian phát hành trái phiếu cho đến nay, trên website của Công ty DVD không có bất cứ dòng thông tin nào liên quan đến đợt phát hành trái phiếu này.

Theo phản ánh của người lao động, khi phát hành trái phiếu, Công ty nói sẽ phát hành sổ xác nhận số trái phiếu sở hữu, tuy nhiên đến nay họ vẫn không nhận được. DVD là DN niêm yết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có biết đợt phát hành của DVD hay không? Theo rà soát của ĐTCK trong khoảng thời gian trước tháng 8/2010, trên website của UBCK không có văn bản nào chấp thuận hay công bố thông tin của DVD về đợt phát hành trái phiếu công đoàn. Nếu DVD phát hành trái phiếu công đoàn không xin phép, không công bố thông tin thì liệu đợt phát hành có bị hủy như việc hủy phát hành cổ phiếu của chính DN này, cho dù các cổ đông đã nộp đủ tiền vào tài khoản DVD hay không?

Tính pháp lý của đợt phát hành trái phiếu này ra sao, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan như thế nào, là những câu hỏi mà hàng trăm người lao động của DVD đang rất cần các cơ quan chức năng minh định.    

Ở khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Phương Bắc, Công ty Luật Hợp danh Luật Việt cho rằng, căn cứ vào những thông tin ban đầu cho thấy, người lao động tại DVD là người vay và cũng là người thụ hưởng, chứ không phải DVD. Việc Ngân hàng chuyển trực tiếp tiền vay này vào tài khoản của DVD (hay ông Dũng) chỉ là phương thức chuyển khoản vay do các bên thỏa thuận, với lý do mà họ đưa ra là chuyển trả tiền mua trái phiếu (thay vì chuyển vào tài khoản CBNV thì chuyển trực tiếp vào tài khoản DVD hay ông Dũng luôn).

 

Cho dù có cơ sở cho rằng, DVD (hay ông Dũng) chính là người thụ hưởng khoản vay thì cũng không làm cho giao dịch bảo lãnh vô hiệu, vì pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm người bảo lãnh không được đồng thời là người thụ hưởng khoản vay. Cũng theo luật sư Bắc, giá trị pháp lý của giao dịch bảo lãnh có thể bị ảnh hưởng nếu giao dịch vay này không hợp pháp.

Vẫn theo chị P, từ đầu năm 2011, DVD có thông báo bằng email cho CBNV rằng, DN sẽ đứng ra trả lãi và nhận trách nhiệm nợ với Ngân hàng X đối với khoản vay mua trái phiếu công đoàn của các CBNV. Trên thực tế, 2-3 tháng sau, tiền lương hàng tháng của nhân viên đã không bị trừ. Tuy nhiên, đến hết tháng 6 (thời hạn đáo hạn khoản vay), nhiều CBNV DVD đã nhận được thông báo yêu cầu trả nợ của Ngân hàng X, trong đó bao gồm tiền gốc và lãi suất quá hạn từ tháng 1/2011. Kể từ khi phát sinh khoản vay, mỗi tháng người lao động phải nộp cho Ngân hàng khoản tiền lãi với lãi suất 20%/năm/số tiền vay. Tuy nhiên, hiện nay, do bị coi là nợ quá hạn, nên khoản vay này đang phải chịu lãi suất 30%/năm.

Nguyên Thành
Nguyên Thành

Tin cùng chuyên mục