Mắc kẹt với đất rẻ vùng ven

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư bỏ tiền vào đất nền giá rẻ vùng ven với kỳ vọng kiếm lời nhanh trong thời gian ngắn, ai dè bị mắc kẹt không biết khi nào thoát được hàng…
Quảng cáo rao bán đất nền tại huyện Long Thành. Ảnh: Việt Dũng Quảng cáo rao bán đất nền tại huyện Long Thành. Ảnh: Việt Dũng

Anh Trần Đăng Trung (46 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) kể, đầu năm 2022, sau khi thu về gần 2 tỷ đồng từ việc bán một căn hộ tại dự án Hausneo (quận 9 cũ, nay là TP.Thủ Đức), anh quay sang đầu tư đất nền khu vực lân cận TP.HCM vì cho rằng có giá rẻ hơn đáng kể đất nền khu vực trung tâm, nguồn cung cũng khá dồi dào, lại phù hợp với khả năng tài chính hiện tại, nên có thể kiếm lời nhanh trong ngắn hạn.

“Nghĩ là làm, tôi quyết định xuống tiền mua 2 lô đất tại xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, mỗi lô có diện tích khoảng 200 m2, mục đích sử dụng vẫn là để trồng cây. Lúc này, tôi mừng thầm vì nghĩ mình mua được đất giá rẻ, bởi những lô đất có diện tích tương đương với mục đích để ở xung quanh đó đều có giá tối thiểu 2 tỷ đồng/lô. Nếu xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành công thì mỗi lô sẽ lời ít nhất 1 tỷ đồng”, nhà đầu tư này nói.

Thế nhưng “đời không như mơ”, do không tìm hiểu kỹ quy hoạch cũng như quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất của địa phương nên suốt 6 tháng ròng “gõ cửa” các cơ quan chức năng huyện Cần Giuộc mà không được chuyển đổi. Quá mệt mỏi, nhà đầu tư này quyết định rao bán lại 2 lô đất để thu hồi vốn rồi tìm cơ hội đầu tư mới, nhưng hơn 6 tháng nay vẫn chưa bán được.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Ngô Quang Phương (ngụ TP. Thủ Đức) chia sẻ, trong giai đoạn 2020-2021, nhờ tận dụng tốt cơ hội giá đất tăng, anh thu về khoản lãi hơn 3 tỷ đồng từ việc đầu tư đất nền nội đô. Càng lãi càng ham, cuối năm 2021, anh quyết định vay thêm hơn 2 tỷ đồng để mở rộng phạm vi đầu tư, hướng tới đất nền tại các địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Tuy nhiên, thị trường bất ngờ chững lại khiến anh rơi vào thế khó.

“Hiện nay, tôi đang mắc kẹt một mảnh đất rộng hơn 4.000 m2 ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Với mức giá 1,2 triệu đồng/m2, khu đất nằm ngay liền kề hồ thủy điện Trị An, rất phù hợp để khai thác kinh doanh du lịch. Tưởng vớ được món hời, nhưng rao bán với giá 5 tỷ đồng suốt nhiều tháng qua chỉ có người hỏi giá chứ không chốt”, nhà đầu tư này kể.

Trên thực tế, trường hợp “mắc kẹt” với đất nền vùng ven giá rẻ như 2 nhà đầu tư trên không hiếm gặp, khi mà thị trường đang trong tình trạng “mua dễ, bán khó” như hiện nay.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam khuyến cáo, khi tham gia thị trường bất động sản thời điểm này, nhà đầu tư cần lưu ý nguyên tắc phòng vệ, chỉ rót tiền khi biết rõ sản phẩm đó có tính thanh khoản tốt, kiểm soát được các rủi ro về pháp lý, quy hoạch, dòng tiền và hạn chế dùng đòn bẩy tài chính để tránh bị “chôn vốn” trong trường hợp khó bán.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Thế Anh, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Thắng Lợi - doanh nghiệp đang phát triển nhiều dự án vùng ven TP.HCM cho rằng, đầu tư bất động sản vùng ven thời điểm này vẫn là lựa chọn phù hợp vì có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nhờ đặc thù tăng giá theo thời gian, chưa kể nhu cầu tích trữ tài sản của người dân ngày một tăng và bất động sản luôn là lựa chọn hàng đầu. Đặc biệt, việc nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đang được đẩy mạnh triển khai sẽ thúc đẩy các thị trường bất động sản ven đô ngày một phát triển, góp phần giúp thị trường chung ổn định, lành mạnh hơn.

“Giá đất nội đô tăng thì không lý do gì đất vùng ven giảm, thậm chí có thể tăng đột biến khi khu vực dự án có nhiều thông tin có lợi. Vấn đề cần quan tâm lúc này là tránh đầu tư ‘lướt sóng’ ngắn hạn vì rủi ro kẹt hàng cao”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Vẫn biết các sản phẩm bất động sản nói chung, đất nền vùng ven nói riêng, có triển vọng trong dài hạn nhờ tính đặc thù riêng, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng “đủ sức” chờ đợi.

“Gần đây, có một vài người hỏi mua 2 lô đất trên nhưng với giá giảm khoảng 10% so với giá gốc do đó tôi không đồng ý, bởi không phải đi vay nên không chịu áp lực trả nợ. Hơn nữa, đầu năm bỏ ra 2 tỷ đồng mà bây giờ bán cũng chỉ thu về như vậy cũng coi như đã lỗ rồi”, anh Trung nói.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục