M&A: Xu hướng đang hình thành mạnh mẽ

(ĐTCK-online) Từ năm 2009 về trước, hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) đã dần trở thành một xu hướng, chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài - DN nước ngoài mua lại DN Việt Nam (40%) hoặc mua lại DN nước ngoài đang tồn tại ở Việt Nam (40%), theo số liệu của Avalue Vietnam.
M&A: Xu hướng đang hình thành mạnh mẽ

Từ năm 2009 đến nay, xu hướng này đã tiếp tục lan rộng sang các DN Việt Nam với hàng trăm thương vụ M&A giữa các DN trong nước. Mục tiêu quan trọng nhất của các thương vụ M&A là nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho các bên tham gia thương vụ.

Thực tế, hoạt động M&A trên thế giới cho thấy, chỉ có 20% số thương vụ M&A diễn ra là đạt được hiệu quả hoạt động vượt trội so với trước khi hợp nhất (theo nghiên cứu của Institute of Mergers & Acquisitions and Alliance). Phần lớn các thương vụ M&A còn lại ghi nhận kết quả không mấy khả quan về hiệu quả lợi nhuận cũng như thị phần, thậm chí động lực phát triển cũng thuyên giảm.

Số lượng và giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam 1999 - 2010

Số lượng và giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam 1999 - 2010

Đối với thị trường Việt Nam, làm cách nào để tạo ra giá trị gia tăng hậu M&A không chỉ là vấn đề của bản thân DN, mà còn là sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Thực tế cho thấy, đa số DN Việt Nam tiến hành M&A đều có quy mô ở mức vừa và nhỏ trong tương quan với các DN quốc tế và hiệu quả hoạt động chưa cao. Do đó, mục tiêu thực hiện M&A giữa các DN nước ngoài và DN Việt Nam thường là thân thiện thay vì thù địch, nhằm mở rộng thị phần, du nhập các yếu tố kỹ thuật hiện đại và chuyển đổi mô hình quản trị tân tiến, hiệu quả hơn. Theo chúng tôi, mấu chốt vấn đề nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho DN Việt Nam tham gia M&A theo làn sóng FDI nằm ở vấn đề giải quyết những mâu thuẫn văn hóa DN. Đối với những trường hợp M&A giữa các DN trong nước, các thương vụ tạo ra được giá trị gia tăng sau M&A chiếm số lượng không nhiều và khó khăn thường xuất hiện khi thực hiện tái cơ cấu bộ máy quản lý của DN sau M&A.

Nguyên nhân của thực tế này phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan, cụ thể như:

* Đặc điểm ngành nghề.

* Quy mô DN và hiệu quả hoạt động của từng DN trước khi thực hiện M&A.

* Mức độ trùng lặp của sản phẩm, thị trường, khách hàng.

* Kinh nghiệm tiến hành quá trình M&A của bên tư vấn.

* Bản chất của thương vụ M&A là thân thiện hay thù địch.

Tổng hợp lại, có hai trường hợp điển hình của M&A thường không mang lại giá trị gia tăng cho DN: (1) Khi các DN quá chú trọng tới việc cắt giảm chi phí thông qua M&A, thay vì để ý tới vấn đề nhân sự và vấn đề văn hóa DN; (2) Trong trường hợp M&A mang tính thôn tính thù địch (hostile M&A), nội bộ DN dễ nảy sinh những mâu thuẫn quyền lực của ban lãnh đạo cũ và mới, tranh chấp quyền lực rất dễ làm lu mờ mục tiêu lợi nhuận ban đầu.

Tuy vậy, trong trường hợp tích cực, nếu DN triển khai hiệu quả các phương án sau M&A, họ sẽ thu được những lợi ích nhất định như sau:

* Tăng trưởng doanh thu: thông qua mở rộng thị phần, gia tăng giá trị thương hiệu…

* Tăng hiệu quả về mặt chi phí: rõ ràng nhất là cắt giảm chi phí về quản lý nhờ vào việc hợp nhất thành một bộ máy quản lý; trong trường hợp sáp nhập theo chiều dọc bao cả đầu vào và đầu ra của thị trường, thương vụ M&A còn giúp DN giảm bớt những chi phí trung gian.

* Lợi ích về thuế của DN: cắt giảm bớt chi phí thuế so với khi là những DN riêng lẻ, chuyển đổi cơ cấu nợ/vốn để tận dụng triệt để hiệu quả lá chắn thuế.

* Giảm chi phí vốn khi phát hành (trái phiếu, cổ phiếu) nhờ vào việc phát hành khối lượng lớn.

Việc DN có đạt được những lợi ích này hay không cũng là tiêu chuẩn để xác định mức gia tăng về giá trị cho DN hậu M&A. Theo đó, thông qua M&A, DN tăng trưởng doanh thu, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động quản lý và vận hành, từ đó thu được lợi nhuận cao hơn trước khi hợp nhất và giá trị cổ phiếu của DN cũng được thị trường định giá cao hơn. Hiệu quả của hoạt động hậu M&A không chỉ giúp lành mạnh hóa và thúc đẩy giá trị gia tăng cho các DN tham gia thương vụ, mà còn củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Tóm lại, hoạt động M&A tại Việt Nam dù còn nhiều non trẻ so với thế giới, nhưng đà phát triển của xu hướng này đang ngày càng rõ nét. Đi cùng vấn đề hiệu quả hoạt động hậu M&A của các DN Việt Nam sẽ cần tới sự am hiểu hơn nữa của không chỉ bản thân các DN thực hiện M&A, mà còn cả thị trường và các cơ quan quản lý.

Sở GDCK Hà Nội
Sở GDCK Hà Nội

Tin cùng chuyên mục