Từ “ác mộng” của doanh nghiệp dệt may…
Theo phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất của các DN dệt may hết sức bất cập, khiến DN tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí.
Cụ thể, theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội, để có thể nhập khẩu được mặt hàng bông nguyên liệu, DN phải mất tối thiểu 10 ngày mới xong thủ tục kiểm dịch. Việc thực hiện thủ tục này trải qua nhiều công đoạn như xin giấy phép kiểm dịch thực vật, xin đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu… Sau đó, cần thêm ít nhất là 1 ngày sau khi nộp giấy chứng nhận kiểm dịch, hàng mới được thông quan. Đối với các DN nhập khẩu nguyên liệu là các loại lông thú, phải mất thêm ít nhất 2-3 ngày gửi mẫu tới cơ quan hữu quan để giám định chủng loại và gửi kết quả tới cơ quan Hải quan để được thông qua. Riêng thủ tục này, phí giám định ước tính khoảng 3 triệu đồng/lần. Mỗi lần nhập khẩu sản phẩm tương tự, DN vẫn phải thực hiện lại toàn bộ các quy trình, thủ tục như trên.
“Vấn đề bất cập ở chỗ, đây đều là những nguyên liệu đã qua xử lý, đã có chứng nhận kiểm dịch động vật và C/O của phía nước xuất khẩu, cũng không thuộc danh mục chủng loại cấm. Song các chứng nhận này không được cơ quan chuyên ngành trong nước công nhận, khiến DN khi nhập khẩu về Việt Nam phải thực hiện hàng loạt các thủ tục, gây mất thời gian và tốn kém, ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của DN”, đại diện Hiệp hội nói.
Bên cạnh đó, thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyt với các sản phẩm dệt may theo quy định tại Thông tư 32 của Bộ Công thương thực sự là “ác mộng” đối với các DN dệt may do đây là loại thủ tục quản lý chuyên ngành, yêu cầu số lượng giấy tờ nhiều nhất với 10 loại, trong đó 7 loại bắt buộc phải có.
Theo bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, DN rất khổ sở với thủ tục này, khi phải mất tối thiểu nửa tháng với chi phí phát sinh khoảng 3-5 triệu đồng/lô hàng. Mặc dù Hiệp hội và các DN đã rất nhiều lần gửi văn bản lên Bộ Công thương đề xuất sửa đổi, giảm bớt thời gian thủ tục cho DN, song vẫn chưa có sự cải thiện. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều DN xuất khẩu tại nhiều lĩnh vực hàng hóa chịu quản lý kiểm tra chuyên ngành hiện nay.
… đến gần 350 văn bản kiểm tra chuyên ngành khác
Theo số liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến cuối tháng 6/2016, có tổng cộng 344 văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong đó, có 21 Luật, pháp lệnh; 65 Nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 258 Thông tư, quyết định của các Bộ, ngành liên quan đến các lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, bao gồm kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; kiểm tra an toàn thực phẩm; kiểm dịch (động vật, thực vật, y tế); kiểm tra văn hóa; các quy định về cấp giấy phép xuất nhập khẩu, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa...
Ông Ngô Minh Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, số văn bản trên thực tế đã tăng hơn nhiều so với tổng số 259 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành được rà soát tại thời điểm xây dựng Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu hồi tháng 8/2015. Nguyên nhân là do một số Bộ, ngành đã ban hành mới các văn bản để hướng dẫn các lĩnh vực trước đây chưa được hướng dẫn đầy đủ, trong khi nhiều văn bản cũ còn chưa được sửa đổi, bổ sung.
Cũng theo ông Hải, thực trạng văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành được ban hành nhiều, phạm vi rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra vẫn đang tồn tại rất nhiều. Trong khi thực tế, nhiều cơ quan/tổ chức kiểm tra chuyên ngành vẫn áp dụng phương pháp thủ công đối với việc xin giấy phép, cấp giấy chứng nhận, đăng ký kiểm tra, trả kết quả; chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong việc phân tích, đánh giá thông tin về DN để thực hiện kiểm tra chuyên ngành, dẫn đến kiểm tra nhiều, kiểm tra trùng lắp. Việc phối hợp, trao đổi thông tin về kết quả kiểm tra chuyên ngành giữa các cơ quan, đơn vị liên quan còn nhiều hạn chế.
Để rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần phải thay đổi căn bản phương thức quản lý, đặc biệt đối với thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cần đưa vào áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng DN để áp dụng mức độ kiểm tra phù hợp, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Đặc biệt, các cơ quan quản lý phải minh bạch hóa quản lý hoạt động kiểm tra chuyên ngành, nhất là minh bạch về danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý…