> M&A: 5 năm cho một thị trường 5 tỷ USD
Đó là thắc mắc mà một số DN nêu ra tại cuộc họp báo giới thiệu Diễn đàn M&A Việt Nam 2013 với chủ đề “Cơ hội trong một thị trường 5 tỷ USD” do Báo Đầu tư và Công ty AVM Vietnam phối hợp tổ chức sáng qua (16/7).
Rất nhiều DN đã coi Diễn đàn M&A Việt Nam không chỉ là nơi tìm hiểu về hoạt động mua bán, sáp nhập, mà còn là địa chỉ tìm kiếm mục tiêu và khởi sự các thương vụ M&A.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, kể từ năm 2009, khi Diễn đàn lần đầu tổ chức, giá trị các thương vụ M&A đã tăng trưởng mạnh và đạt 5 tỷ USD vào năm 2012. Hàng loạt thương vụ có quy mô lớn đã diễn ra, nhiều DN Việt Nam và quốc tế đã thực hiện chiến lược M&A để tạo sự tăng trưởng đột phá như Vingroup, Masan, Kinh Đô, Viettel, Hùng Vương…
“Nếu như trước đây, nhắc đến hoạt động mua bán và sáp nhập, DN thường ngại ngần và có tâm lý cho rằng, chỉ DN ‘có vấn đề’, yếu kém, thua lỗ mới bị mua bán, sáp nhập thì nay DN chủ động có chiến lược M&A và thậm chí tự hào khi thương vụ được thực hiện với giá cao”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhận xét.
Diễn đàn năm nay tập trung đánh giá tổng quan các số liệu và xu hướng của thị trường M&A tại Việt Nam trong giai đoạn 2009 - 2013, cũng như tác động của M&A tới chiến lược và sự phát triển của các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung trong tương lai. Các thương vụ nổi bật nhất 5 năm qua sẽ được các chuyên gia, DN phân tích và tìm ra các bài học kinh nghiệm thành công. Sự kiện này sẽ diễn ra vào ngày 8/8 tới đây tại TP. HCM.
Theo Ban tổ chức, dự báo giá trị M&A năm 2013 sẽ không đạt được con số 5 tỷ USD như năm trước. Ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc AVM Vietnam lý giải, tham khảo các tổ chức theo dõi và dự báo hoạt động M&A được biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị M&A tại Việt Nam đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Do đó, dự báo cả năm, giá trị đạt gần 4 tỷ USD.
Đáng chú ý, trước tình hình khó khăn của thị trường BĐS vừa qua, đã có dự đoán cho rằng, hoạt động M&A trong lĩnh vực này sẽ sôi động. Tuy nhiên, rất ít thông tin về các thương vụ trong lĩnh vực này được tiết lộ. Trong khi đó, những thương vụ liên quan đến ngành ngân hàng, công ty đại chúng, công ty niêm yết... thông tin được công bố rõ ràng và minh bạch hơn. Sở dĩ có tình trạng trên, theo đại diện CBRE, là vì các thương vụ trong ngành BĐS mang tính chất đầu cơ nhiều hơn, chủ yếu mua rồi chuyển nhượng tiếp. Do mục tiêu mua đi bán lại nên thông tin giá mua, giá bán khá nhạy cảm và các bên không muốn tiết lộ.
Mặc dù hoạt động M&A được đánh giá là có nhiều lợi ích, song đến nay chưa có một thống kê cụ thể nào về hiệu quả hoạt động của DN đã thực hiện M&A. Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Minh, qua nghiên cứu các thương vụ riêng lẻ thì tình hình kinh doanh của DN có tốt lên. Còn theo ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt, thực tế, trước mỗi thương vụ, DN đều đưa ra đánh giá về hiệu quả của thương vụ mà trong đó có nhiều lý do mang tính chất định tính, chứ không thể định lượng. Thống kê cụ thể thì rất khó, nhưng ví dụ như vụ sáp nhập Vinpearl và Vincom mà CTCK Bảo Việt tư vấn thì trước khi hợp nhất đã tính toán được nhiều lợi thế khi hợp nhất.
Đối với nỗi lo thương hiệu nội bị DN có vốn nước ngoài thâu tóm qua làn sóng M&A, đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các DN đa phần là tích cực, còn những vụ thâu tóm thù địch là số ít. TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng, vấn đề này chưa đến mức lo ngại, tỷ lệ đầu tư theo hình thức M&A ở Việt Nam còn rất thấp. Việt Nam đã có luật chống cạnh tranh, độc quyền, nên các vấn đề thâu tóm bị ngăn cản bởi hệ thống luật pháp. Các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hàng không, vận tải biển…, nước ta thực hiện theo lộ trình mở cửa, theo cam kết WTO. Do đó, khi nhà đầu tư tham gia chỉ mua cổ phần ở một tỷ lệ nhất định, chưa đủ để đạt tới khả năng thâu tóm.
“Chúng ta đã chứng kiến nhiều thương vụ rầm rộ, không phải chỉ có DN Việt bị mua lại mà DN Việt mua lại DN nước ngoài như Khách sạn Furama ở Đà Nẵng, Dự án Núi Pháo, Khách sạn Hilton… DN Việt Nam từng bước mua lại DN nước ngoài. Đó là hoạt động bình thường trong đầu tư”, TS. Nguyễn Anh Tuấn nói.
“Ba đối tượng M&A trọng điểm”
Hiện nay, chúng tôi đang quan tâm đến một số lĩnh vực chính. Thứ nhất là DN trong chuỗi cung ứng, chuỗi phát triển để chúng tôi mở rộng thị trường, tăng năng lực sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Thứ hai là DN đang được định giá thấp hơn giá trị thật, chúng tôi có thể mua lại và tái cấu trúc, đợi đến giai đoạn giá trị tài sản được đánh giá đúng và bán đi. Thứ ba là DN sai lầm về cấu trúc tài chính do trong quá trình phát triển nóng trước đây, họ quá nhiều tham vọng, dùng đòn bẩy tài chính nhiều nên khó khăn không đủ tài chính để duy trì hoạt động. Đây là đối tượng chúng tôi quan tâm, mua và hỗ trợ tài chính, làm lành mạnh lại bảng cân đối tài chính và bán bớt tài sản khi thuận lợi.
Khi khủng hoảng là cơ hội lớn cho M&A, cơ hội cho DN có tiềm lực tài chính và có tham vọng tài chính.
“Trong M&A, định giá là một nghệ thuật”
|
Bà Phạm Thị Thanh, Quyền giám đốc Tư vấn tài chính DN, CTCK Bản Việt |
Đối với thương vụ M&A, định giá là công việc quan trọng hàng đầu. Nếu không thống nhất về giá thì thương vụ không thể diễn ra. Định giá vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật ước tính giá trị, nên không có con số nào phản ánh chính xác hết giá trị DN mà chỉ tìm được giá trị sát nhất. Do đó, cần nhà tư vấn giúp cho việc định giá, thuyết trình và giải trình được phương pháp luận, cách định giá. Có nhiều phương pháp định giá, mỗi DN phù hợp với cách định giá khác nhau. Nhà tư vấn sử dụng phương pháp chính và một vài phương pháp tham chiếu. DN nên lưu ý khi kết quả định giá của phương pháp chính có sự khác biệt lớn với phương pháp tham chiếu và yêu cầu nhà tư vấn giải thích. Nhà tư vấn có thể sẽ phải sử dụng phương pháp khác. Khi thực hiện thương vụ, để nhận xét được kết quả định giá có chính xác không thì cần phải hiểu sâu sắc hoạt động kinh doanh của DN mục tiêu và DN mình để đánh giá được kết quả có phù hợp không.
“Chiến lược lựa chọn cổ đông nước ngoài nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững, hiệu quả”
Ngay sau cổ phần hóa, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Công ty Bảo hiểm HSBC châu Á -Thái Bình Dương (HSBC) với tỷ lệ nắm giữ 10% cổ phần BVH vào tháng 9/2007. Sau khi cổ phiếu BVH niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM năm 2009, HSBC tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 18%. Tổng giá trị của thương vụ HSBC và Tập đoàn Bảo Việt là 360 triệu USD và được bình chọn trong Top 2 thương vụ M&A tiêu biểu năm 2009.
Năm 2012, do sự thay đổi trong chiến lược toàn cầu, HSBC thoái vốn khỏi các ngành kinh doanh không phải cốt lõi tại một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam . Theo đó, HSBC chuyển nhượng lại 18% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt cho Sumitomo Life - công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu của Nhật Bản. Tháng 3/2013, Sumitomo Life chính thức hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cổ phần, trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Bảo Việt. Với ưu thế của một DN bảo hiểm đến từ quốc gia có thị trường bảo hiểm nhân thọ lớn thứ 2 thế giới, lại có hơn 100 năm hoạt động, Sumitomo Life được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Bảo Việt tiếp tục phát huy thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tăng cường năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ - khi Bảo Việt là DN Việt Nam duy nhất cạnh tranh với 14 DN nước ngoài và liên doanh tại thị trường trong nước.
Cùng với sự tham gia của HSBC với vai trò là cổ đông chiến lược trong 5 năm kể từ 2007-2012, Bảo Việt đã phối hợp thực hiện thành công giai đoạn 1 Chiến lược “Một Bảo Việt - Một nền tảng mới” thông qua việc đầu tư góp vốn và tham gia quản trị, chuyển giao công nghệ. Sự tham gia của Sumitomo trong vai trò là cổ đông chiến lược nước ngoài được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Bảo Việt thực hiện có hiệu quả chiến lược đã đề ra với trọng tâm là phát triển thị trường thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ tài chính, sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nền kinh tế - xã hội.
|
Ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc hoạt động Tập đoàn Bảo Việt |
|
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Sunhouse |