Mục tiêu của ngành ngân hàng hiện nay là tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý căn bản, triệt để nợ xấu, tăng số lượng ngân hàng đạt chuẩn Basel II, phấn đấu có một số ngân hàng nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á… Vậy M&A có còn là giải pháp tái cơ cấu thích hợp trong giai đoạn này, thưa ông?
Xử lý tổ chức tín dụng yếu kém trong những năm qua đã khẳng định việc khuyến khích sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện là chủ trương đúng đắn để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư mới có vốn, công nghệ, quản trị tham gia vào cơ cấu lại ngân hàng.
Do đó, M&A vẫn là một trong các giải pháp thích hợp trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh các giải pháp khác về cơ cấu lại như nâng cao năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, nhằm thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ở nhiều nước trên thế giới, nhà đầu tư nước ngoài có vai trò khá lớn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Ở nước ta, tham gia tái cơ cấu hệ thống thời gian qua chủ yếu là nhà đầu tư trong nước. Ông đánh giá như thế nào về mức độ quan tâm cũng như vai trò nhà đầu tư nước ngoài đối với quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn tới cũng như đề nghị nới “room” sở hữu của khối nhà đầu tư này?
Ông Nguyễn Phi Lân.
Qua đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại chưa dùng hết room về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Với tình hình thực tế hiện nay, room dành cho các nhà đầu tư nước ngoài vào các tổ chức tín dụng Việt Nam còn khá lớn.
Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, về cơ bản, hành lang pháp lý liên quan đến việc sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đầy đủ, có cơ chế khuyến khích sự tham gia mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, quy định hiện hành cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn nhiều hình thức hiện diện thương mại như ngân hàng 100% vốn, ngân hàng liên doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Cân nhắc từ cơ sở pháp lý, chủ trương của Chính phủ về việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam, tình hình sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thực tế hiện nay, quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng thương mại Việt Nam theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP là phù hợp.
Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018 - 2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam, bao gồm: sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính và bất động sản, đặc biệt là tài chính tiêu dùng. Ông có nhận định như thế nào về các thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng?
Trong thời gian qua, các thương vụ đàm phán M&A công ty tài chính diễn ra khá sôi động, với sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhắm tới thị trường tài chính tiêu dùng đang tăng trưởng tương đối nhanh của Việt Nam. Có thể thấy một số ví dụ điển hình như thương vụ Ngân hàng Shinhan Việt Nam mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ Việt Nam, Tập đoàn Shinhan (Hàn Quốc) mua lại Công ty Tài chính Prudential Việt Nam, Techcombank đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại TechcomFinance cho Lotte Card (Hàn Quốc), SeABank mua lại Công ty Tài chính Bưu điện…
Sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn tài chính nước ngoài với các công ty tài chính tiêu dùng trong nước cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam với hơn 96 triệu dân. Dự báo, các thương vụ M&A trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.