Trả lời câu hỏi của các nhà báo, ý kiến từ các đối tác tham dự họp báo có chung nhận định rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ ngày càng sôi động, không chỉ do nhu cầu ngày càng lớn của các DN, mà còn vì sự nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn của các tổ chức trung gian hỗ trợ nghiệp vụ này.
Ông Matthias Duhn, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham)
Trong nghiên cứu mới nhất về M&A của Price Waterhouse Coopers, nhiều DN nước ngoài đang bày tỏ sự quan tâm lớn đến các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, trong đó có M&A. Năm ngoái, có khoảng 345 thương vụ M&A được công bố, với giá trị giao dịch lên đến gần 1,75 tỷ USD so với con số 295 thương vụ và 1,1 tỷ USD của năm 2009.
Một nghiên cứu mới đây của Grant Thornton (thành viên của EuroCham), có 17% DN được hỏi cho biết, họ sẽ định hướng các kế hoạch tăng trưởng trong 3 năm tiếp theo vào thị trường M&A. Có tới 20% các DN Việt Nam cho rằng, sẽ có sự thay đổi trong mối quan hệ sở hữu ở DN của họ, gần gấp 2 lần tỷ lệ trung bình của thế giới là 11%.
Đầu tư nước ngoài thông qua M&A sẽ diễn ra ở nhiều ngành, nhưng ngành sản xuất sẽ sôi động nhất. Thứ hai là lĩnh vực ngân hàng, tài chính và bảo hiểm. Thứ ba là lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2011 do Báo Đầu tư và Công ty AVM Vietnam tổ chức, sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP. HCM ngày 9/6/2011, có 4 nội dung lớn: 1. Hội thảo chuyên đề M&A với các chủ đề chính: M&A năm 2010 và xu hướng năm 2011; các thương vụ M&A tiêu biểu - bài học thành công và thất bại; chiến lược "hậu M&A" liên quan đến tái định vị, tái cấu trúc và văn hoá DN.
2. Triển lãm giới thiệu DN (MAF EXPO 2011), dự án, mời gọi đầu tư và hợp tác chiến lược; thông tin về mua - bán DN.
3. Giải thưởng (Deal Award): Trao kỷ niệm chương cho các thương vụ M&A tiêu biểu của năm; thương vụ phát hành riêng lẻ của năm và đơn vị tư vấn của năm.
4. Phát hành Đặc san "Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam" - ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam xuất bản bằng tiếng Việt - Anh, cập nhật đầy đủ nhất kiến thức, khung pháp lý, các đặc trưng của M&A tại Việt Nam, được phát hành rộng rãi ở trong nước và ngoài nước. |
Cuối cùng, M&A trong khu vực kết cấu hạ tầng được kỳ vọng sẽ có bước tiến trong giai đoạn 2011 - 2015, bởi yêu cầu cấp thiết của Việt Nam về vốn đầu tư cho sản xuất năng lượng, cầu, đường, sân bay và các dự án cảng, với tổng mức đầu tư yêu cầu vào khoảng 160 tỷ USD cho 5 - 10 năm tới. EuroCham tin tưởng, M&A sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2011 và trở thành chiến lược phát triển vững chắc của các DN tư nhân.
Ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VP Bank (VPBS)
Mua bán, sáp nhập DN (M&A) là một nghiệp vụ trong hoạt động tư vấn tài chính DN mà VPBS đang cung cấp. Hoạt động M&A có thể phân thành 2 hình thái chính, đó là mua bán, sáp nhập DN (M&A thực thụ) và thu xếp vốn theo hình thức phát hành riêng lẻ. Dù tiến hành theo hình thái nào thì M&A cũng là một nghiệp vụ phức tạp, đòi hỏi đơn vị tư vấn không chỉ phải thấu hiểu về pháp lý, về thực trạng tài chính DN, mà còn là công tác nhân sự, cách thức quản trị và rất nhiều vấn đề liên quan nữa.
Tại VPBS, một trong những thương vụ nổi bật mà chúng tôi đã tư vấn thành công năm 2010 là thương vụ Tổng công ty Thép Việt Nam mua lại Nhà máy Thép của Lilama 10 với giá trị 570 tỷ đồng. Cùng với việc thực hiện các thương vụ M&A trong nước, chúng tôi cũng đang dần mở rộng dịch vụ này ở một số thị trường khu vực.
Với thế mạnh có Ngân hàng mẹ (Ngân hàng VP Bank) hỗ trợ, chúng tôi có lợi thế trong việc thấu hiểu thực trạng tài chính DN và từ đó có thể tư vấn thu xếp vốn, kết nối cơ hội đầu tư, mua bán lại giữa các DN có nhu cầu.
Bên cạnh đó, chúng tôi có một hệ thống đối tác là các công ty tư vấn luật uy tín, giàu kinh nghiệm, đủ sức hỗ trợ DN trong các thương vụ M&A phức tạp. Để đi đến đích trong mỗi thương vụ M&A, DN luôn có nhiều con đường để lựa chọn. Việc của chúng tôi là tư vấn cho DN con đường nào gần nhất, hợp lý nhất để đến đích, trên cơ sở tính hiệu quả cho các bên tham gia.
Ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC)
Là đơn vị 100 % vốn nhà nước, hoạt động của DATC phục vụ mục tiêu sắp xếp, đổi mới DNNN. Bằng giải pháp và phương thức cơ bản là tập trung vào hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu DN, DATC đã giúp các DN (mà DATC tham gia mua nợ) cơ cấu lại tài chính, bảo đảm có vốn tiếp tục hoạt động cũng như đủ điều kiện để chuyển đổi sở hữu. Đồng thời, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vốn, hỗ trợ về kỹ thuật và quản lý để giúp DN cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh sau khi được chuyển đổi sở hữu.
Đến hết năm 2010, DATC đã cơ bản hoàn thành việc tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa DN 100% vốn nhà nước, đã giải phóng mặt bằng, kho tàng, tạo điều kiện cho các DN cổ phần phát triển và tận thu cho ngân sách nhà nước.
Hoạt động mua bán nợ của DATC thực chất là hoạt động mua bán, sáp nhập DN (M&A). DATC mua nợ và trở thành chủ sở hữu vốn tham gia vào tái cấu trúc DN để DN phát triển. Năm 2010, chúng tôi đã thực hiện mua và chi phối tại nhiều DN. Bên cạnh đó là thoái vốn tại những DN đã thực hiện tái cấu trúc thành công.
Trong những năm gần đây, cách làm của DATC là mua nợ, sau đó xây dựng phương án tái cấu trúc DN, đưa DN lên niêm yết và thực hiện thoái vốn. Với tình hình TTCK đang có những khó khăn, chúng tôi thực hiện thoái vốn dần dần để đảm bảo hiệu quả cho các khoản đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank)
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) tham gia góp vốn vào LienVietBank, thông qua hai hình thức góp vốn và sáp nhập Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện (VPSC). Trước kia, tiết kiệm bưu điện chưa hiệu quả không phải là do vấn đề nội tại, mà do khách quan.
VPSC chỉ được huy động vốn mà không được cho vay, nên việc sáp nhập này sẽ giúp phát huy thế mạnh của cả hai bên. Ngoài ra, sức ép chi phí về nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở… là không lớn, bởi mạng lưới giữa hai bên kết hợp với nhau, chứ không phải đưa toàn bộ nguồn nhân lực vào một bên nào.
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, DN muốn phát triển phải đổi mới, phải liên kết, tạo nên sức mạnh mới cạnh tranh được. Việc thâu tóm sẽ giúp nền tảng của DN mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, Việt Nam hiện có nhiều ngân hàng, mỗi lần khủng hoảng, lạm phát cao là nhìn thấy rõ căng thẳng thanh khoản. Do vậy, hệ thống quản lý ngân hàng cũng cần phải nghĩ đến việc sáp nhập với nhau để ít ngân hàng hơn, nhưng những ngân hàng còn lại sẽ là ngân hàng thực sự mạnh. Theo tôi, M&A là một xu hướng sẽ diễn ra mạnh mẽ trong tương lai.
Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC)
Nhiều thương vụ M&A lớn đã được VCSC tư vấn thành công như Tập đoàn Holcim mua lại Nhà máy Xi măng Cotec, PVD Invest sáp nhập vào PV Drilling, Xi măng Hà Tiên 2 sáp nhập vào Xi măng Hà Tiên 1, Tập đoàn Masan mua lại Dự án Núi Pháo và hiện tại đang tư vấn cho Vinaconex bán lại Nhà máy Xi măng Cẩm Phả… Hoạt động M&A tại Việt Nam ngày càng sôi động.
Năm 2011, hoạt động này sẽ sôi động hơn. Khi kinh tế khó khăn, nhiều DN đặt ra yêu cầu phải sắp xếp, sáp nhập để tồn tại. Những ngành diễn ra hoạt động M&A mạnh mẽ có thể là tài chính, hàng tiêu dùng, công nghiệp.
Do M&A là lĩnh vực tương đối mới mẻ nên quy định pháp lý về vấn đề này hiện chưa được đầy đủ. Do đó, khi tư vấn cho các DN thực hiện M&A, chúng tôi thường làm văn bản xin hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Không chỉ nhắm đến mục tiêu M&A thành công trong thời điểm hiện tại, chúng tôi đảm bảo rằng, các đơn vị liên quan sẽ không gặp khó khăn cho quá trình niêm yết, phát hành về sau.
Ông Phạm Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Dầu khí (PSI)
Đầu năm 2011, PSI đã bán cổ phần cho CTCK Nikko Cordial (NCS) - một trong ba CTCK lớn nhất Nhật Bản. Sau khi mua cổ phần, đối tác nước ngoài đã hỗ trợ về tài chính, đồng thời giúp PSI xây dựng hệ thống quản trị rủi ro, xây dựng các sản phẩm mới dành cho NĐT trong và ngoài nước.
Hoạt động M&A trên thị trường diễn ra dưới nhiều hình thức, không chỉ là mua bán cổ phần. Theo tôi, một thương vụ M&A được đánh giá là thành công khi đạt được mục tiêu ban đầu đề ra.
Không chỉ bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, bản thân PSI cũng đẩy mạnh hoạt động tư vấn, M&A. PSI được Tập đoàn Dầu khí giao cho là đầu mối tìm kiếm các đối tác nước ngoài trong việc bán bớt vốn nhiều DN trong Tập đoàn.
Mục tiêu trong 5 năm tới là huy động 70 tỷ USD cho ngành dầu khí. Hiện chúng tôi đang tư vấn khoảng 20 thương vụ bán cổ phần của DN trong ngành dầu khí, hóa dầu cho đối tác nước ngoài.