>>Khởi động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp
>>Bùng nổ M&A toàn cầu
Theo đánh giá của các công ty tư vấn trên thế giới, xu hướng sáp nhập sẽ tiếp diễn trong năm 2007 với giá trị còn cao hơn.
Còn tại Việt Nam, VinaLand, quỹ đầu tư bất động sản vừa huy động thêm được 400 triệu đô la Mỹ để “đổ” vào Việt Nam, đã trả 16,5 triệu đô la Mỹ để sở hữu 52% khách sạn Omni Sài Gòn. Một thương vụ tương tự cũng được VinaLand thực hiện vào năm 2006 với việc bỏ ra 43 triệu đô la Mỹ để có được quyền sở hữu 70% Hilton từ tay các nhà đầu tư Đức và Áo,...
Cùng với các thương vụ cụ thể như vậy, sự xuất hiện của các công ty tư vấn trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập và nhượng quyền thương hiệu cũng cho thấy sức nóng lên của thị trường. Theo ông Phan Xuân Cần, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Việt Nam (TigerInvest), trong năm 2007 sẽ có khoảng 50.000 doanh nghiệp ra đời, và đa phần trong số họ là các công ty vừa và nhỏ. Đối với các thị trường mới nổi, theo thống kê trên thế giới sẽ có tới 50% tổng số sẽ gặp khó khăn ngay trong 2 năm đầu tiên, 80% tổng số sẽ khó không tồn tại trong 5 năm tiếp theo.
“Các doanh nghiệp không tồn tại được không có nghĩa là họ sẽ phá sản, giải thể mà có thể họ sẽ trở thành đối tượng cho các nhà đầu tư mới khác cả trong nước và ngoài nước mua lại để bước vào hoạt động kinh doanh trên thị trường. Điều đó là cơ sở minh chứng cho một thị trường tiềm năng cho hoạt động mua bán, sáp nhập tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Cần nói.
Ông Kark Derek Jonh, Tổng giám đốc tập đoàn TCK (Anh Quốc) - đối tác chiến lược của TigerInvest - cho biết, với kinh nghiệm làm việc tại thị trường Việt Nam nhiều năm trong tư vấn đầu tư kinh, doanh bất động sản và khách sạn, ông thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ đặc biệt sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO.
“Tôi đã từng thấy tiềm năng trong lĩnh vực du lịch và khách sạn của Việt Nam trước năm 1994, và những gì đang diễn ra hiện nay đang cho thấy điều này, còn hôm nay tôi trông thấy tiềm năng trong lĩnh vực mua bán sáp nhập doanh nghiệp tại đây”, ông Kark nói.
Cũng theo ông Cần, trước khi công ty khai trương sàn giao dịch muabancongty.com, đã có hơn 100 doanh nghiệp đặt nhu cầu với công ty để tìm đối tác. Nhu cầu đầu tư rất đa dạng từ quy mô nhỏ như mua/bán lại nhà hàng, cơ sở sản xuất đến quy mô lớn như tìm đất để đầu tư bất động sản,...
Tương tự như vậy, trên trang sàn giao dịch www.muabandoanhnghiep.com của Công ty IDJ, lượng đăng ký cũng rất nhiều, từ ngành sản xuất hay dịch vụ đều có những người rao mua và rao bán. Điều này cho thấy, nhu cầu có sẵn cũng rất mạnh chứ không phải chờ một sự phát triển cao hơn của nền kinh tế thì hoạt động mua bán, sáp nhập mới hình thành.
Ngoài ra, nhu cầu chuyển nhượng thương hiệu (franchise) cũng đang gia tăng mạnh mẽ sau khi một số thương hiệu lớn trên thế giới trong ngành thời trang, thực phẩm, đồ uống trên thế giới đã đến Việt Nam theo mô hình này. Điều này cho thấy ngay hiện tại nhu cầu mua bán, sáp nhập và chuyển nhượng thương hiệu đã xuất hiện mạnh mẽ ngay từ bây giờ.
Trên thực tế thị trường Việt Nam thời gian vừa qua đã xuất hiện hoạt động mua bán và đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp, một số quỹ đầu tư nước ngoài đã rót một lượng vốn tương đối vào các công ty cổ phần hoặc các dự án đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh khi thị trường Việt Nam trở thành đối tượng quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Với hình thức liên kết hoặc mua lại doanh nghiệp nội địa, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhanh chóng tiếp cận thị trường hơn thay vì khởi động một dự án kinh doanh từ đầu. Xu hướng này cũng phù hợp với những gì đang diễn ra trên thế giới và khu vực thời gian gần đây.
Theo khảo sát của của các công ty tư vấn quốc tế cho thấy, các hoạt động liên kết sáp nhập ở châu Á sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Có tới 59% số doanh nghiệp được hỏi cho biết trong tương lai gần họ thích đầu tư vào châu Á hơn các khu vực khác, còn 44% rất lạc quan về hoạt động liên kết sáp nhập ở châu Á trong hai năm tới.
Một trong những nguyên nhân khiến các vụ sáp nhập trên thế giới tăng nhanh là do xu hướng cổ phần hoá, tư nhân hoá đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều nước, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển, tạo nguồn hàng dồi dào hơn cho các nhà đầu tư đang có tiền nhàn rỗi. Ngoài ra, sự phát triển mạnh của các quỹ đầu tư cũng giúp huy động được lượng vốn khổng lồ cho các định chế đầu tư.
Tại Việt Nam, những yếu tố này đang có đủ để đảm bảo cho một thị trường mua bán, sáp nhập và nhượng quyền thương hiệu phát triển mạnh trong tương lai.