Nếu có cơ hội sáp nhập có lợi, ACB sẽ nghiên cứu
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB. |
M&A đang được ACB quan tâm để từng bước đẩy mạnh tăng trưởng. Nếu có cơ hội sáp nhập có lợi, Hội đồng quản trị Ngân hàng sẽ nghiên cứu và trình cổ đông sau. Nhưng M&A mà ACB quan tâm ở đây không phải là việc mua đứt bán đoạn, mà trên tinh thần hợp tác giữa hai bên để cùng nhau phát triển.
Còn với ACBS, công ty chứng khoán trực thuộc thì ACB khẳng định, không thoái vốn và sẽ tìm thêm đối tác để hợp tác chiến lược. Hội đồng quản trị ACB cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn với ABCS, nhưng tăng vốn cũng phải đem lại hiệu quả cho cổ đông, nên ACB phải cân nhắc kỹ vấn đề này. ACB sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược để tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông ACBS.
Sacombank có kế hoạch bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB). |
Sacombank có kế hoạch bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất tái cơ cấu. Hiện Sacombank đang xin cơ chế để mua lại khoảng 32,5% vốn cổ phần STB mà VAMC đang quản lý.
Sau khi tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC, Ngân hàng sẽ đưa về để bán đấu giá. Giá đấu phải khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu mới đủ để thu đủ vốn, lãi, lãi phạt, cao hơn so với giá cổ phiếu STB đang giao dịch trên thị trường hiện nay.
Đồng thời, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện của số cổ phần này là VAMC.
HDG tiếp tục tìm kiếm thêm các dự án để M&A mở rộng quỹ đất
Ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG)
HDG hiện đang đánh giá một số dự án đầu tư và tiếp tục tìm kiếm thêm các dự án để M&A mở rộng quỹ đất, với tiêu chí hiệu quả và phù hợp với định hướng phát triển bất động sản ở các thành phố lớn. Dự kiến M&A quỹ đất trong 2021 - 2022 khoảng 2.000 tỷ đồng bằng vốn tự có nhằm đảm bảo chiến lược phát triển trung hạn.
Chúng tôi đánh giá, kênh M&A vẫn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới. Thực tế M&A là một kênh đầu tư có hiệu quả, trong trường hợp cấp tín dụng khó thì đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp có nguồn lực tài chính.
Mặc dù chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 của HDG dự kiến đi ngang so với thực hiện 2020, nhưng trong 3 năm tiếp theo, với các dự án sẵn có sẽ đảm bảo việc làm và sản lượng đầu tư đến năm 2023 khoảng gần 7.000 tỷ đồng của các dự án Bình An, Linh Trung, HHDV, PDG, NongTha, An Thượng, Bảo Đại, An Phong… và doanh thu đến năm 2023 khoảng 9.000 tỷ đồng; tổng tài sản dự kiến tăng gấp 1,5 lần sau 3 năm lên 20.000 tỷ đồng.
Nhắm tới quỹ đất tiềm năng 30 - 50 ha ở Bình Dương
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (AGG)
An Gia cần vốn vì đã nhắm tới quỹ đất tiềm năng 30 - 50 ha ở Bình Dương, đã hoàn thiện pháp lý có thể triển khai ngay trong quý IV/2021. Dự án này có thể giúp Công ty tăng trưởng đột biến về doanh thu, lợi nhuận tầm 30 - 35% so với kế hoạch mà An Gia đề ra là tăng trưởng mỗi năm 20 - 25%. Ước tính lợi nhuận sau thuế từ dự án là 2.000 tỷ đồng.
Vừa qua, An Gia cũng đã mua lại quỹ đất ở Bình Chánh, trước đây là dự án của Năm Bảy Bảy. Quỹ đất này rất tiềm năng, hoàn thiện pháp lý thì có thể có 7.000 - 8.000 sản phẩm gồm căn hộ, shophouse, nhà phố thấp tầng. Công ty đang lập quy hoạch 1/2000, dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường nửa đầu năm 2022. Đây là dự án trọng điểm và ước tính mang về lợi nhuận 4.000 tỷ đồng.
An Gia từng công bố mỗi năm dành 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mua quỹ đất là để phục vụ cho 3 năm tiếp theo và được nhiều tổ chức tài chính đồng hành, tài trợ, nhưng Công ty cũng tiết chế lại, không gom quỹ đất quá nhiều cùng một lúc gây áp lực gánh nặng chi phí tài chính, thay vào đó thận trọng, chọn lựa dự án kỹ càng phù hợp với quy mô của mình.
Tìm kiếm dự án ở Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Long (NLG). |
Giai đoạn 2021 - 2023, NLG đặt mục tiêu tăng trưởng tổng doanh thu 45.017 tỷ đồng, tăng 269% so với 3 năm trước đó. Tổng lợi nhuận sau thuế khoảng 4.342 tỷ đồng, tăng 70%.
NLG định hướng tiếp tục đẩy mạnh mảng lõi, trong đó, đối với hai mảng phát triển quỹ đất và phát triển nhà ở, NLG sẽ gia tăng hiệu quả bằng việc lập chỉ tiêu kinh doanh chiến lược 3/5/10 năm để có một kế hoạch tổng thể và tham vọng ở ngắn, trung và dài hạn. Trong ngắn hạn 3 năm, NLG dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình 85% mỗi năm, tăng trưởng doanh thu trung bình 72% mỗi năm ở hai mảng lõi này.
Về phát triển quỹ đất, NLG sẽ mở rộng quỹ đất khoảng 2.000 tỷ đồng cho năm 2021. Giai đoạn 2021-2023 đều có mức tăng trưởng 25-30%, vị trí chiến lược mà NLG hướng đến là hai khu vực, cụ thể là tiếp tục phát triển mảng lõi đã làm trước đến nay là ở khu vực TP.HCM, các tỉnh Long An, Đồng Nai; đồng thời tiếp tục mở rộng tìm kiếm dự án ở thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ.