M&A ngành vật liệu: Bán - mua đều hồ hởi

(ĐTCK) Hiện Xi măng Hạ Long cũng đang có phương án chuyển từ Tổng công ty Sông Đà sang VICEM.
M&A ngành vật liệu: Bán - mua  đều hồ hởi

Thương vụ mua lại 70% cổ phần Xi măng Thăng Long với giá 230 triệu USD của Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia) từ CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) dấy lên tia hy vọng cho nhiều nhà máy xi măng đang gặp khó khăn của Việt Nam. Trước đó, Geleximco rất vất vả tìm đối tác trong nước bán lại cổ phần nhưng không thành, bởi trong bối cảnh hiện nay, hiếm có DN trong nước nào có đủ 230 triệu USD “tiền tươi thóc thật” như Semen Gresik. Tuy nhiên, không phải công ty VLXD nào muốn bán cũng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và ngược lại, có DN lại không muốn có đối tác ngoại.

Tên tuổi đình đám thứ 2 trong lĩnh vực M&A của ngành xi măng là The Vissai với thương vụ mua lại xi măng Đô Lương và mới đây là Xi măng Đồng Bành. Số tiền cụ thể của các thương vụ này không được các bên tiết lộ, nhưng với các thương vụ này, The Vissai đã làm cả ngành xi măng bất ngờ, nhất là trong bối cảnh ngành xi măng đang gặp khó khăn về đầu ra như hiện nay. Tuy nhiên, với dự kiến xuất khẩu đến 40% sản lượng trong năm 2013, xem ra The Vissai đã tìm được đầu ra cho sản phẩm.

M&A ngành vật liệu: Bán - mua  đều hồ hởi ảnh 1

Sau việc chuyển về Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) bất thành, Xi măng Cẩm Phả đã yên vị khi có Viettel và SCIC đứng sau hỗ trợ. Hiện Xi măng Hạ Long cũng đang có phương án chuyển từ Tổng công ty Sông Đà sang VICEM.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định: “M&A là xu thế tất yếu không của riêng ngành xi măng, mà của cả ngành VLXD nói chung. Đây là lối thoát tốt nhất để các DN thoát khỏi nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu yếu tố nước ngoài chiếm thị phần chi phối, thì ngành xi măng rất khó trong việc điều tiết thị trường và bình ổn giá. Hơn nữa, lợi nhuận sẽ chuyển ra nước ngoài, trong khi nguyên liệu cho sản xuất xi măng là tài nguyên trong nước. Như vậy, chúng ta vừa bị mất tài nguyên, vừa trở thành công trường sản xuất gánh thêm ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, đó là câu chuyện lâu dài, còn hiện tại, các DN đang cần tiền, nên cứ có người thu xếp được tài chính là đã mừng rồi”.

Cùng chung quan điểm trên, ông Mai Ngọc Liêm, Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng FICO cho biết, Công ty đang có kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ thêm 30%, lên 1.300 tỷ đồng trong năm 2013. Tuy đang có một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhưng FICO sẽ hướng đến và ưu tiên các nhà đầu tư trong nước.

“Nếu nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần chi phối thì Công ty chỉ đảm bảo được chỉ số kinh doanh, còn nhiệm vụ thay đổi diện mạo kinh tế vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc khó thực hiện. Như vậy, không đúng với mục tiêu ban đầu của Dự án”, ông Liêm lý giải.

Không chỉ có xi măng, làn sóng M&A được dự báo cũng sẽ diễn ra mạnh ở các ngành khác như gạch, thép, thủy tinh và gốm sứ. Cuối năm 2012, ngoài thương vụ Semen Gresik mua lại Xi măng Thăng Long, thị trường VLXD cũng chứng kiến một thương vụ đình đám khác trong ngành gạch khi Prime - thương hiệu số 1 trên thị trường gạch ốp lát Việt Nam đã bán lại 85% cổ phần (khoảng 5.000 tỷ đồng) cho Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan. Trước đó, SCG đã đặt vấn đề với Bộ Xây dựng về việc đầu tư nhà máy xi măng tại Việt Nam, nhưng năm 2011, tập đoàn này đã chi 5,5 triệu USD để mua lại 99% cổ phần và nâng cấp Nhà máy Xi măng Bửu Long (Đồng Nai) có công suất 200.000 tấn/năm.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường VLXD năm nay chưa có dấu hiệu khởi sắc, dự kiến tiêu thụ phấn đấu cao nhất cũng chỉ bằng năm 2012. Vì thế, M&A là một lối thoát hợp lý trong bối cảnh khó khăn. Đây là vấn đề bình thường của nền kinh tế năng động, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.

“Điều khác biệt chỉ ở chỗ, nếu là các DN tư nhân thì việc mua bán nhanh chóng, chỉ phụ thuộc vào đàm phán của các bên. Còn các đơn vị của Nhà nước hoặc các công ty do Nhà nước nắm cổ phần chi phối thì khó khăn hơn, bởi liên quan đến vấn đề định giá”, ông Tới đánh giá và dẫn chứng, Tổng CTCP Sông Hồng chưa hoàn tất việc thoái vốn tại CTCP Thép Sông Hồng cũng chỉ vì vấn đề định giá. Không riêng gì Tổng CTCP Sông Hồng, mà nhiều đơn vị khác cũng gặp khó trong việc định giá khi muốn thoái vốn tại các đơn vị thành viên.

Các chuyên gia và những nhà quản lý đều cho rằng, tuy vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ và xem xét, nhưng M&A sẽ là xu thế tất yếu của thị trường VLXD của Việt Nam trong thời gian tới. M&A giúp các DN có thêm nguồn tài chính, trút bỏ gánh nặng nợ nần, cải tiến công nghệ, quản lý để thoát khỏi khó khăn. Trong khi đó, với các nhà đầu tư nước ngoài, họ sẽ mua được các nhà máy với giá rẻ hơn so với trước đây. Đặc biệt, việc mua lại các nhà máy hiện có sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc đầu tư xây dựng nhà máy mới, bởi các nhà máy hiện tại đã có thương hiệu và thị trường.

Thanh uyên
Thanh uyên

Tin cùng chuyên mục