M&A ngân hàng sẽ tiếp tục nóng

Mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục nóng, nếu các nhà băng nhỏ khó hồi phục sau giai đoạn dài tái cơ cấu không thành công.
100% cổ đông HDBank đã thông qua phương án nhận sáp nhập PGBank 100% cổ đông HDBank đã thông qua phương án nhận sáp nhập PGBank

Lộ diện thương vụ M&A trong 2018

Mùa họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ngân hàng đang vào những ngày cuối và đây cũng là thời điểm các thương vụ M&A trong lĩnh vực này lộ diện. 

Trong đó, phương án nhận sáp nhập PGBank đã được 100% cổ đông HDBank thông qua tại ĐHĐCĐ tổ chức ngày 21/4, với tỷ lệ hoán đổi 1:0,621 (tức 1 cổ phiếu PGBank sẽ được chuyển đổi thành 0,621 cổ phiếu HDB). 

Sau khi phát biểu khai mạc, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank mới thông tin đến cổ đông về một nội dung mới phát sinh. Theo đó, dựa trên cơ sở hợp tác chiến lược giữa HDBank và Petrolimex, ngày 20/4 hai bên đã thống nhất trình kế hoạch hợp tác chiến lược là sáp nhập PGBank vào HDBank. HĐQT HDBank trình cổ đông chấp thuận bổ sung nội dung tờ trình vào chương trình của đại hội cũng như các vấn đề trong dự án sáp nhập để xin ý kiến cổ đông thông qua.

Ngay từ đầu năm 2018, một số ngân hàng thương mại đã rục rịch chuẩn bị tăng vốn và trình ĐHĐCĐ thực hiện kế hoạch M&A.   

Sau nhận sáp nhập PGBank, HDBank sẽ có vốn điều lệ 15.345 tỷ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 15.000 điểm giao dịch tài chính và giới thiệu dịch vụ phủ khắp 63/63 tỉnh, thành phố. 

Về lộ trình sáp nhập chính thức, sau khi được cổ đông thông qua, HDBank sẽ trình Ngân hàng Nhà nước để xin chấp thuận về nguyên tắc ngay trong tháng 5/2018, sau đó đăng ký phát hành cổ phần với Ủy ban Chứng khoán. 

Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ của MBBank, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MBBank cho hay, Ngân hàng đang nghiên cứu khả năng M&A với một số ngân hàng. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một thỏa thuận cuối cùng nào và Ngân hàng vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán, đánh giá. 

Nhiều kế hoạch tiếp theo

Ngay từ đầu năm 2018, một số ngân hàng thương mại đã rục rịch chuẩn bị tăng vốn và trình ĐHĐCĐ thực hiện kế hoạch M&A. 

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, một trong những lý do ngân hàng này muốn tăng mạnh vốn điều lệ là để chuẩn bị cho kế hoạch M&A trong năm 2018. Tại ĐHĐCĐ tổ chức đầu tháng 3/2018, VPBank đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 27.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức 15.000 tỷ đồng hiện tại. 

LienVietPostBank cũng cho biết, Ngân hàng sẽ nghiên cứu phương án tăng vốn và M&A. Nhưng LienVietPostBank đặt ra mục tiêu rõ ràng là tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện các tổ chức tín dụng nằm trong mục tiêu M&A của những ngân hàng lớn có thể là Dong A Bank, GPBank, Ocean Bank - những ngân hàng đều nằm trong diện tái cơ cấu. Bên cạnh đó, với những ngân hàng nhỏ, yếu kém không thể tăng vốn cũng được đánh giá khó có thể tồn tại, nếu không sớm tìm đối tác để sáp nhập, bán lại.

M&A trên thị trường tài chính Việt hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động. TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, để có thể xóa được tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng cũng như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại một ngân hàng, trước hết cần tăng cường M&A cũng như đẩy mạnh việc thoái vốn trong hệ thống các tổ chức tín dụng, thoái vốn ngoài ngành. 

Theo ông Trần Du Lịch, thị trường và hệ thống chỉ cần 15 ngân hàng là đủ, nếu hoạt động của số ngân hàng này lớn mạnh, hiệu quả và mạng lưới rộng khắp. Thời gian qua, áp lực tăng vốn theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP đã làm tăng sở hữu chéo, vốn ảo và tạo cơ hội cho nhiều cổ đông lớn thao túng ngân hàng, với lượng cổ phần nắm giữ vượt quy định. Chính điều này đã góp phần làm gia tăng bài toán nợ xấu. Vì thế, để lành mạnh hệ thống ngân hàng, cần sớm xóa sạch sở hữu chéo.

Quá trình tái cơ cấu của ngành ngân hàng Việt Nam đã có bước tiến tích cực. Hiện các ngân hàng cũng đã có sự phân hóa mạnh mẽ về mặt chất lượng tài sản, năng lực tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường. Một số ngân hàng lớn sẽ vươn lên tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi các nhà băng nhỏ, yếu kém vẫn khó, chất lượng tài sản của những ngân hàng yếu kém chưa thể cải thiện, nên M&A trong thời gian tới là khó tránh.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục