Xóa lỗ hiệu quả bằng hợp nhất
Năm 2013, hợp nhất CTCP Chứng khoán MB (MBS) và CTCP Chứng khoán VIT (VITSE) được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu ngành chứng khoán. Sự kiện hợp nhất CTCK đầu tiên này không chỉ có ý nghĩa về mặt tái cấu trúc các CTCK, làm giảm số lượng thành viên tham gia thị trường, mà có một ý nghĩa quan trọng hơn với chính doanh nghiệp, là xóa lỗ lũy kế.
Nhiều năm liền, CTCP Chứng khoán Thăng Long (nay là CTCP Chứng khoán MB- MBS) thất hứa với cổ đông về kế hoạch niêm yết. Khi là do điều kiện thị trường chưa chín muồi để đưa cổ phiếu lên niêm yết, nhưng sau đó, dù thị trường có khởi sắc hơn, MBS cũng khó lòng niêm yết, vì khoản lỗ trên 500 tỷ đồng. Đây là cái giá phải trả của rất nhiều CTCK, khi trải qua một giai đoạn phát triển quá nóng, sụt giảm mạnh của TTCK trong khi kinh nghiệm quản trị rủi ro chưa nhiều. Khi đã rút ra được bài học cho mình, kinh doanh thận trọng hơn, thì cũng là lúc, mục tiêu xóa những khoản lỗ nặng nề thông qua tích lũy lợi nhuận hàng năm trở thành kế hoạch dài hạn.
Có một thực tế là, với vốn chủ sở hữu còn lại hơn 800 tỷ đồng, MBS không gặp khó khăn khi bước sang một giai đoạn mới, vì nó thậm chí còn lớn hơn vốn chủ sở hữu của đa số CTCK còn lại. Thế nhưng, con số lỗ hơn 500 tỷ đồng lại là nỗi ám ảnh của Công ty, khi nghĩ đến mục tiêu niêm yết, chia cổ tức và khi đánh giá các chỉ tiêu đánh giá CTCK của cơ quan quản lý.
Giảm vốn điều lệ là một cách hay, nhưng không phù hợp với quy định pháp lý hiện nay của Việt Nam. Lối đi duy nhất để CTCK thoát khỏi ràng buộc cái áo vốn điều lệ quá rộng là… xóa công ty cũ, làm lại công ty mới và hợp nhất là bước đi đơn giản nhất để làm được việc ấy.
Đưa Công ty trở về hoạt động với đúng quy mô vốn của mình thông qua việc định giá lại tài sản khi hợp nhất, bỏ đi các sức ép về những con số mang tính sổ sách và yên tâm bước vào giai đoạn mới chính là những động lực giúp MBS vươn lên sau tái cấu trúc.
Hơn 20 tỷ đồng lợi nhuận quý I/2014 của MBS là thành quả bước đầu sau hợp nhất, tuy còn nhỏ so với con số vốn điều lệ hơn 1.221 tỷ đồng, nhưng lại mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các bên. Hợp nhất CTCK giúp ngành chứng khoán: giảm số lượng CTCK, giảm số CTCK có lỗ lũy kế, cơ hội chia cổ tức cho cổ đông, cơ hội có thêm hàng mới do niêm yết cổ phiếu của các CTCK lành mạnh sau quá trinh tái cấu trúc này…
Trào lưu M&A CTCK
Trong bối cảnh vẫn còn nhiều CTCK có lỗ lũy kế, thì bài học hay của MBS được áp dụng cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, chuyện hợp nhất giữa CTCP Chứng khoán Quốc tế (VISE) và CTCP Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC) không gây bất ngờ cho TTCK.
BCTC được công bố gần nhất bởi 2 CTCK này là kết thúc quý III/2013 cho thấy mức độ thua lỗ của VISE và OSC không phải là quá lớn (VISE lỗ lũy kế gần 76,4 tỷ đồng trên vốn điều lệ 200 tỷ đồng; OSC lỗ hơn 7,15 tỷ đồng trên vốn điều lệ 135 tỷ đồng). Thế nhưng, tỷ lệ chuyển đổi 4 cổ phiếu VISE thành 1 cổ phiếu mới và 13,5 cổ phiếu OSC thành 1 cổ phiếu mới cho thấy, nếu loại bỏ đi yếu tố thua lỗ trong kinh doanh của gần 1 năm qua, thì rõ ràng, từ việc hợp nhất, định giá vốn chủ sở hữu của CTCK đã được làm lại và chuẩn xác hơn.
Xóa bỏ đi sức ép của những con số chưa chuẩn xác, cổ đông cũ đã dũng cảm nhìn lại chính mình để xóa đi ván cờ cũ đang ở thế bí, bước vào cuộc chơi mới là những gì mà cổ đông của cả VISE và OSC đã làm. Tín hiệu mừng là, thị trường sẽ không chỉ có MBS -VITSE hay VISE – OSC. Nhiều CTCK đã và đang ngỏ ý tìm đối tác để tìm kiếm cơ hội hợp nhất, những mong xóa lỗ và quyết tâm làm lại từ đầu. Tất nhiên, để tìm được một đối tác đồng thuận về định hướng phát triển, sẵn sàng phơi bày trung thực tình hình tài chính và quyết tâm làm mới là điều không đơn giản, đòi hỏi phải có thời gian. Nhưng dẫu sao, một bức tranh mới cho các CTCK thua lỗ cũng đang được vẽ dần, nhờ “cây cọ” M&A.