M&A khách sạn: Dồn dập bán, túc tắc mua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh kéo dài khiến ngành du lịch tê liệt, kéo theo làn sóng bán tháo khách sạn và đây là cơ hội để thị trường M&A khách sạn sôi động.
Khách sạn Alagon D'antique trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM đang được rao bán. Ảnh: Lê Toàn Khách sạn Alagon D'antique trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM đang được rao bán. Ảnh: Lê Toàn

Dồn dập rao bán khách sạn

“Bán khách sạn mặt tiền đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, diện tích 92,8 m2 với kết cấu 1 hầm, 1 trệt và 8 tầng lầu, 26 phòng, giá 80 tỷ đồng”, “Bán khách sạn và căn hộ dịch vụ chuẩn 3 sao mặt tiền đường Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM, cách Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản chỉ 500 m, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 6 km với giá 590 tỷ đồng”... là những thông tin dễ bắt gặp trên các trang rao bán nhà đất vào thời điểm hiện tại.

Thực tế cho thấy, không chỉ tại TP.HCM, những thông tin rao bán khách sạn này còn xuất hiện ở nhiều địa phương du lịch khác như Đà Nẵng, Nha Trang… với tần suất ngày một dày hơn. Tại Nha Trang, giá khách sạn được rao bán phổ biến dao động từ 30-70 tỷ đồng, có vị trí trên các tuyến phố trung tâm như Hùng Vương, Trần Phú, Trần Quang Khải, Dã Tượng, Phạm Văn Đồng. Còn tại Đà Nẵng, sàn giao dịch bất động sản VRM (đơn vị chuyên nhận ký gửi - phân phối bất động sản) cũng đang rao bán gần 170 khách sạn ở tất cả phân khúc, bao gồm cả khách sạn 5 sao.

“Phần lớn các ông chủ rao bán khách sạn đều đầu tư từ tiền vay ngân hàng. Họ cũng hiểu bán trong thời điểm này thì không được giá, nhưng buộc phải làm bởi không thể trả nổi nợ lãi cho ngân hàng do khách sạn không có doanh thu vì ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Việt, quản lý sàn VRM nói và thông tin thêm, hiện tại, giá khách sạn ở Đà Nẵng phân khúc 1-2 sao rao bán trong khoảng 30 tỷ đồng, 3 sao có giá từ 40 tỷ đồng… tùy vị trí và diện tích.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn và quản lý khách sạn Chez Mimosa cho biết, hết đợt dịch thứ 3, các chủ khách sạn đều kỳ vọng ngành du lịch sẽ sôi động trở lại trong mùa kinh doanh cao điểm hè 2021 để cứu vớt mùa kinh doanh thua lỗ trước đó. Thế nhưng, làn sóng Covid thứ 4 bất ngờ bùng phát trở lại và kéo dài cho tới nay khiến dịch vụ kinh doanh du lịch - nghỉ dưỡng tiếp tục tê liệt, khách sạn không có doanh thu, buộc các chủ khách sạn phải rao bán khi nguồn vốn duy trì hoạt động đã cạn kiệt.

Sóng M&A khách sạn đã nổi

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, phần lớn khách sạn được rao bán do chủ đầu tư gặp áp lực về vốn khi không có nguồn thu trong thời gian dài vì ảnh hưởng dịch và đây là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài bước vào lĩnh vực kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng, lĩnh vực vẫn được đánh giá cao trong dài hạn tại Việt Nam.

Việc triển khai hộ chiếu vắc-xin là một giải pháp mang tính toàn diện, không chỉ làm sống lại ngành du lịch, mà còn là lực đẩy quan trọng tới tất cả các ngành kinh tế khác, trong đó lĩnh vực kinh doanh khách sạn sẽ được hưởng lợi trực tiếp và mạnh mẽ nhất.

“Tính từ Tết Nguyên đán 2021 đến nay, Chez Mimosa đã nhận được nhiều yêu cầu tư vấn, tìm mua khách sạn từ các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có 2 quỹ đầu tư từ Dubai và Ấn Độ muốn tìm mua khách sạn từ 3- 5 sao”, bà Tâm nói và cho biết thêm, các nhà đầu tư muốn đàm phán và chốt “deal” trước khi thị trường du lịch Việt Nam mở cửa đón du khách trở lại, bởi khi đó, giá bán khách sạn chắc chắn sẽ tăng lên.

Cũng theo bà Tâm, tại các địa phương nổi tiếng về kinh doanh du lịch như Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng… đã ghi nhận nhiều giao dịch mua bán khách sạn thành công, giá bán trên toàn thị trường nhìn chung giảm khoảng 20% so với năm 2019, thậm chí có những khách sạn giảm giá đến 30%.

Bà Lê Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội nhận định rằng, hiện là “thời điểm vàng” cho hoạt động M&A khách sạn, khi đại dịch mang đến cơ hội M&A các khu nghỉ dưỡng đã đi vào vận hành, có vị trí đắc địa, dòng tiền quá khứ tốt… với giá giao dịch ở mức hợp lý, điều mà trước đây rất khó có thể tìm được.

“Cơ hội sẽ dành cho các nhà đầu tư sẵn sàng chờ sự bật lại của thị trường. Đây cũng là cơ hội để chủ đầu tư các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tái cơ cấu lại dòng tiền và tình hình tài chính của mình. Trong thời gian tới, thị trường có thể sẽ ghi nhận những thương vụ chuyển nhượng lớn trong lĩnh vực khách sạn và nghỉ dưỡng”, bà Lan nói.

Một xu hướng mới được bà Lan cho biết, đó là sự gia tăng trong nhu cầu đối với các dự án bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thể thao. Theo chuyên gia này, đại dịch đã làm thay đổi tư duy cũng như thói quen sinh hoạt của người mua bất động sản, điều này sẽ khiến số lượng giao dịch M&A các dự án loại này tăng lên không những ở những các thành phố du lịch, mà còn tại các vùng lân cận các thành phố lớn, nơi có thiên nhiên ưu đãi và quỹ đất lớn.

Thực tế, dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng thị trường du lịch vẫn được kỳ vọng tích cực với nhu cầu du lịch tăng cao khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Do đó, triển vọng sau đại dịch của ngành kinh doanh khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của đa dạng thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng.

Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, các đơn vị vận hành quốc tế tiếp tục dành nhiều sự quan tâm tới du lịch Việt Nam, bằng chứng là sự đầu tư mạnh mẽ diễn ra trên khắp cả nước những năm qua, có thể kể đến chuỗi khách sạn Wink Hotels dù đã có số lượng khá lớn, nhưng vẫn duy trì mục tiêu mở thêm 20 khách sạn mới trong 5 năm tới.

“Chắc chắn thị trường du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ sau dịch, kéo phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tăng trưởng trở lại, do trong suốt thời gian dịch bệnh, người dân bị hạn chế đi lại, nên khi dịch được kiểm soát sẽ khiến nhu cầu du lịch tăng vọt, từ đó khiến ngành kinh tế này bùng nổ trở lại”, ông Troy Griffiths nhấn mạnh và chia sẻ thêm, hiện là thời điểm các nhà khai thác dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng tập trung nguồn lực, tăng cường đào tạo nhân lực cũng như chất lượng dịch vụ để sẵn sàng đón đầu chu kỳ phát triển mới.

Kỳ vọng “hộ chiếu vắc-xin”

Theo các công ty tư vấn bất động sản, dự kiến đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và Inter Continental. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng nhận định rằng, du lịch toàn cầu có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, trong đó miễn dịch cộng đồng được xem là yếu tố then chốt.

Trên thế giới, việc áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” đang là một xu hướng, với kỳ vọng vực dậy “ngành kinh tế không khói”. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm 2021.

Ông Phạm Sỹ Hoàng, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thủ Thiêm cho biết, việc triển khai hộ chiếu vắc-xin là một giải pháp mang tính toàn diện, không chỉ làm sống lại ngành du lịch, mà còn là lực đẩy quan trọng tới tất cả các ngành kinh tế khác, trong đó lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng nói chung, kinh doanh khách sạn nói riêng, sẽ được hưởng lợi trực tiếp và mạnh mẽ nhất.

“Hộ chiếu vắc-xin sẽ tạo điều kiện cho kết nối giao thương du lịch quốc tế lẫn nội địa và chính hoạt động này sẽ là tiền đề quan trọng để tái tạo lại hoạt động lưu trú cho bất động sản nghỉ dưỡng, thúc đẩy nguồn nhân lực phụ trợ và các ngành dịch vụ vệ tinh”, ông Hoàng nói.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch bùng nổ trở lại sẽ tạo ra dòng tiền cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn chủ đầu tư tái đầu tư vào các dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, từ đó tạo ra sức hút cho các dòng sản phẩm thuộc phân khúc này, vì cốt lõi sức hấp dẫn của bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam nằm ở khâu vận hành và lấp đầy công suất nhờ cho thuê du lịch. Điều này cũng sẽ tạo nên niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư, chủ đầu tư, cũng như là các đơn vị phát triển, quản lý vận hành quốc tế vốn luôn hào hứng và mong muốn “rót tiền” vào thị trường đầy tiềm năng này.

“Giải pháp hộ chiếu vắc-xin là một chứng nhận an toàn và là mục tiêu quan trọng mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện, bổ sung mạnh mẽ cho định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn của quốc gia”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục