Trao đổi với ĐTCK về thương vụ mua lại Công ty RWE IT Slovakia, ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc Phụ trách tài chính FPT không tiết lộ giá trị hợp đồng mà chỉ nói rằng, số tiền không quá lớn. Điều quan trọng nhất khi 2 bên bắt tay là phía RWE với quy mô doanh thu 70 tỷ USD, chi tiêu cho IT hàng năm gần 1 tỷ USD, liệu FPT có đủ năng lực thực hiện các yêu cầu về công nghệ, dịch vụ cho họ.
Tất nhiên, lợi ích từ M&A là điều không bên nào bỏ qua. Hợp tác trọn gói với FPT sẽ giúp RWE tiết kiệm được vài chục triệu USD trong 5 năm tới. Còn với FPT, thương vụ này được Ban lãnh đạo Tập đoàn đánh giá có ý nghĩa lớn. Đầu tiên là năng lực công nghệ khi FPT sở hữu hơn 400 chuyên gia. Bên cạnh đó, FPT có thêm một khách hàng lớn, trở thành nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể dài hạn (tức là cung cấp dịch vụ từ khâu tư vấn, triển khai đến bảo trì, bảo dưỡng) với khoản doanh thu kỳ vọng 80 triệu USD trong vòng 5 năm; đồng thời thâm nhập một lĩnh vực mới là cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực hạ tầng gồm điện, nước, gas…
Nói về M&A, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, Tập đoàn này dành khoảng 100 triệu USD và có thể hơn thế nữa. M&A được xem là một bước đi quan trọng để doanh nghiệp đạt được mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu từ thị trường nước ngoài. Ngoài thương vụ trên, FPT đang có kế hoạch tìm kiếm nhiều đối tượng phù hợp khác. Hiện thị trường M&A rất sôi động, thông qua các công ty tư vấn nước ngoài, hàng tuần, FPT đều nhận được các đề cử để xem xét.
Săn tìm được khoản mục đầu tư là một thành công, tuy nhiên đó mới chỉ là phần đầu của câu chuyện. Thách thức trong việc giải quyết hậu M&A để doanh nghiệp có thành công và biến thành các con số doanh thu, lợi nhuận không ít. Với FPT, đây là lần đầu tiên Tập đoàn có hàng trăm kỹ sư người Slovakia và nhiều lãnh đạo người Đức. Điều này đặt ra những thách thức lớn về quản trị đa văn hóa doanh nghiệp.
Tổng giám đốc FPT Software Nguyễn Thành Lâm nói rằng, tích hợp hai công ty có nghĩa là tích hợp con người. Văn hóa Slovakia và văn hoá Việt Nam chắc chắn có nhiều khác biệt về cách suy nghĩ, làm việc, trong khi ngôn ngữ giao tiếp tiếng Anh của kỹ sư FPT còn yếu.
Lãnh đạo FPT sẽ làm gì để hòa hợp, tận dụng tối đa sức mạnh tập thể, nhằm xây dựng một lực lượng không biên giới? Thách thức lớn hơn là liệu FPT có làm được những gì đã nói (đáp ứng được yêu cầu về cung cấp dịch vụ cho RWE), ngoài ra phải làm gì để đảm bảo công việc cho đội ngũ kỹ sư hơn 400 người nước ngoài trong bối cảnh khủng hoảng và cạnh tranh quyết liệt.
Khó có thể nói trước những cuộc thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài của doanh nghiệp Việt có thành công hay không, nhưng chắc chắn rằng, hậu M&A mới là câu chuyện tốn thời gian và nguồn lực.