M&A: Doanh nghiệp Việt Nam cầm trịch

(ĐTCK-online) Trên thế giới, hoạt động mua bán và sáp nhập DN (M&A) năm 2009 sụt giảm mạnh, nhưng ở Việt Nam lại có tín hiệu tăng và năm 2010 được dự báo tiếp tục tăng, nhất là M&A thông qua TTCK.
Năm 2010, hoạt động M&A ở Việt Nam có tín hiệu tiếp tục tăng, nhất là M&A thông qua TTCK. Ảnh minh họa. Năm 2010, hoạt động M&A ở Việt Nam có tín hiệu tiếp tục tăng, nhất là M&A thông qua TTCK. Ảnh minh họa.

Đầu năm 2010, TTCK dự kiến sẽ diễn ra cuộc sáp nhập CTCP Xi măng Hà Tiên 2 (HT2) vào CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1). Phương án sáp nhập đã được ĐHCĐ hai DN thông qua.

Cuối tháng 12/2009, CTCP Hùng Vương (HVG) đã có nghị quyết thông qua phương án chào mua công khai cổ phiếu AGF của CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF). Nếu hoạt động này sớm được thực hiện, HVG sẽ nắm giữ tổng cộng hơn 6,5 triệu cổ phiếu AGF, tương đương mức sở hữu 51,08% vốn điều lệ của AGF và trở thành thương vụ chào mua công khai đầu tiên trên TTCK Việt Nam.

Năm 2009, TTCK đã chứng kiến 2 vụ sáp nhập DN với ít nhất một trong hai bên tham gia là DN niêm yết. Đó là trường hợp của CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), với cổ phiếu bị sáp nhập là CTCP Đầu tư Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD Invest). Tỷ lệ chuyển đổi khi sáp nhập là 5,5 cổ phiếu PVD Invest đổi được 1 cổ phiếu PVD. Việc sáp nhập hoàn thành và cổ phiếu mới đã được niêm yết vào ngày 20/10/2009.

Ngay sau trường hợp này, ngày 23/12/2009, cổ phiếu KMF của CTCP Mirea Fiber đã hủy niêm yết trên HNX để thực hiện chuyển đổi thành cổ phiếu KMR của CTCP Mirea, hiện đang niêm yết trên HOSE, với tỷ lệ chuyển đổi là 1 cổ phiếu KMF đổi được 1,35 cổ phiếu KMR. Thời gian niêm yết bổ sung cổ phiếu mới sáp nhập tối đa là 30 ngày làm việc kể từ ngày chốt danh sách (25/12).

Trước đó, trong tháng 5/2009, Công ty Eland Asia Holding Pte Ltd của Singapore đã mua 30% cổ phần của CTCP Thương mại Đầu tư May mặc Thành Công (TMC).

Trên đây chỉ là 3 trong số gần 290 thương vụ M&A được công bố năm 2009 (theo số liệu tổng hợp của Avalue), với tổng giá trị các thương vụ lên tới gần 1,1 tỷ USD. Ngoài những thương vụ M&A giữa các DN, ĐTCK cũng ghi nhận không ít trường hợp NĐT cá nhân tranh thủ lúc TTCK đi xuống, thông qua nhiều đầu mối, tăng tỷ lệ sở hữu tại DN, trở thành cổ đông lớn một cách… gián tiếp.

Thống kê các thương vụ M&A, nhóm ngành chiếm tỷ trọng nhiều nhất (cả về số lượng và giá trị) là tài chính - ngân hàng và công nghiệp như: BNP Paribas nâng tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng OCB lên 15% năm 2009 và dự kiến nâng lên 20% vào năm 2010; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank với tỷ lệ nắm giữ là 20% vốn điều lệ; MaritimeBank và các thành viên nắm 45% vốn cổ phần của MXBank; Tập đoàn Tín Nghĩa tăng tỷ lệ sở hữu tại DaiA Bank từ 11% lên 49%...

Cùng với việc "cải cách" cơ cấu sở hữu các DN, năm 2009 cũng chứng kiến một hình thức M&A các DN thông qua việc sắp xếp lại các đơn vị thành viên, điển hình là việc sắp xếp lại các DN trong PVN. Một trong những thương vụ quan trong là chuyển sở hữu của PVN ở CTCK Dầu khí (PSI) sang cho Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI), đưa tỷ lệ sở hữu của PVI tại PSI lên gần 80%.

Năm 2010, hoạt động M&A của Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng lên về số lượng. Theo báo cáo đánh giá hoạt động M&A năm 2009 và triển vọng năm 2010 của Avalue, năm 2010, hoạt động M&A của Việt Nam vẫn sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, tài chính - ngân hàng. Một số lĩnh vực khác có khả năng xuất hiện các thương vụ M&A lớn là viễn thông, khai khoáng, y tế, giáo dục.

Năm 2010, CTCP Kinh Đô (KDC) sẽ tiến hành M&A. Ông Lê Phụng Hào, Phó tổng giám đốc KDC nói: "Kinh Đô quyết tâm thực hiện việc sáp nhập các công ty Kidos, NKD vào KDC năm 2010". CTCP FPT nhiều khả năng cũng tiến hành M&A khi ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT phát biểu: "Với 300 tỷ đồng cho M&A, FPT muốn phát triển thị trường tin học trong ngành viễn thông. Hiện có nhiều công ty nhỏ hơn, giải pháp công nghệ chưa có giá trị gia tăng lớn. Vì vậy, FPT thống nhất với họ đem lại lợi nhuận và dịch vụ tốt hơn".

Một số thương vụ M&A lớn của các DN chưa niêm yết dự kiến sớm được thực hiện trong năm 2010 như: Viettel mua cổ phần của 2 đơn vị ngành viễn thông ở nước ngoài (tổng trị giá gần 350 triệu USD), Carlsberg mua nốt 50% vốn điều lệ của Công ty Bia Huế (nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%), 3 tổng công ty thủy sản sáp nhập (Thủy sản Việt Nam, Thủy sản Hạ Long và Hải sản Biển Đông)…

Xu hướng cạnh tranh gay gắt sẽ khiến số vụ M&A tăng lên. M&A để nhân thêm sức mạnh là điều mà nhiều người mong muốn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nguy cơ về khả năng thâu tóm và triệt tiêu DN như đã từng diễn ra khi các hãng hóa mỹ phẩm nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.

Đông Nhi
Đông Nhi

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ