M&A địa ốc: Khối ngoại đua săn hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự hiện diện của một loạt doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu phả hơi nóng lên thị trường M&A bất động sản.
Thị trường bất động sản Việt Nam dù ở giai đoạn nào cũng là “miếng bánh hấp dẫn” đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường bất động sản Việt Nam dù ở giai đoạn nào cũng là “miếng bánh hấp dẫn” đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Loạt thương vụ được kích hoạt

Từ đầu năm tới nay, dù không quá sôi động, nhưng thị trường M&A bất động sản Việt Nam vẫn chứng tỏ sức hút, nhất là với các doanh nghiệp nước ngoài, khi giai đoạn khó khăn hiện tại được cho là thời điểm thích hợp để thâu gom những món hàng vừa ý với giá phù hợp..

Cuối tháng 7/2022, CapitaLand Development (CLD), nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand, gây chú ý khi phát đi thông báo đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục mua lại một khu đất để phát triển khu phức hợp tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) với tổng doanh thu ước tính khoảng 720 triệu USD. Thương vụ mua lại dự kiến hoàn tất trong quý IV/2023 và dự án sẽ khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027.

Không tiết lộ cụ thể giá, đơn vị chuyển nhượng cũng như vị trí dự án, nhưng phía CLD Việt Nam cho biết, dự án có diện tích khoảng 8 ha, tọa lạc trong khu dân cư đã được quy hoạch hoàn thiện, dự kiến đưa ra thị trường khoảng 1.100 căn hộ và shophouse cao cấp.

Ông Ronald Tay, Tổng giám đốc CLD Việt Nam cho biết, tiếp nối kế hoạch mở rộng tại thị trường trọng điểm Việt Nam, đặc biệt sau hoạt động đầu tư vào tỉnh Bình Dương và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào tỉnh Bắc Giang, dự án phức hợp tại TP. Thủ Đức sẽ mở rộng danh mục đầu tư trên cả nước của doanh nghiệp này lên 17 dự án với hơn 13.000 căn hộ.

Tại lĩnh vực bất động sản công nghiệp, báo cáo thị trường M&A mới nhất của Cushman & Wakefield cho thấy, giá trị M&A bất động sản công nghiệp chiếm tới 35% tổng giá trị các giao dịch M&A mà đơn vị này thống kê được trong 6 tháng đầu năm 2022.

Khởi đầu là việc GLP - doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý đầu tư và phát triển logistics, cơ sở hạ tầng dữ liệu, năng lượng tái tạo... thành lập Quỹ GLP Vietnam Development Partners I trong tháng 1/2022 với mức đầu tư 1,1 tỷ USD để phát triển 6 trung tâm logistics có tổng diện tích lên đến 900.000 m2. Đến tháng 2, Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW công bố mua lại khoảng 74.000 m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong ở Quảng Ninh... Gần đây nhất, Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Công nghiệp Logistics KTG & Boustead tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) với giá 6,9 triệu USD.

Bên cạnh những loại hình bất động sản công nghiệp truyền thống, trong tháng 6/2022, một thương vụ đầu tư vào bất động sản trung tâm dữ liệu được công bố bởi tổ chức đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners (Hồng Kông, Trung Quốc) với dự án Trung tâm dữ liệu cấp độ 3 quy mô hơn 6.000 m2 tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng đón nhận sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt với các dự án có tiềm năng đem lại lợi nhuận cao.

“Sự phát triển của các quỹ đầu tư tư nhân đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện các thương vụ M&A. Những nhà đầu tư này không ngừng tìm kiếm những dự án bất động sản đang hoạt động hoặc tìm cách liên doanh với các đối tác có danh tiếng tốt để cùng phát triển dự án”, bà Trang cho hay.

“Game” cộng hưởng sức mạnh

Theo các chuyên gia, M&A là chiến lược hữu hiệu giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị, gia tăng thị phần, tiếp cận nhanh với thị trường. Ngoài ra, với thực trạng quỹ đất ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án bị siết chặt, trong khi dòng vốn đổ vào thị trường ngày càng hạn hẹp, khiến không ít chủ đầu tư khu công nghiệp đuối sức, buộc phải bán hoặc chuyển nhượng cổ phần cho chủ đầu tư khác có tiềm lực tài chính mạnh hơn.

Như trường hợp của LDG Group, doanh nghiệp này còn một số dự án dang dở tại TP.HCM vì thủ tục, trong đó có 2 dự án High Intela và West Intela ở quận 8 với quy mô gần 800 căn hộ, từ đó có thể khiến tổng doanh thu năm 2022 giảm khoảng 10%.

Để giải quyết bài toán này, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LDG Group cho biết, Công ty đã đưa ra nhiều phương án xử lý, bao gồm cả việc huy động vốn từ bên ngoài và sử dụng nguồn tiền có sẵn để tiến hành thu hồi sản phẩm, đảm bảo lợi ích cho khách hàng, đồng thời dự phòng rủi ro pháp lý. Trong điều kiện thuận lợi nếu thu hồi được toàn bộ sản phẩm, LDG Group sẽ tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng lại dự án.

Không chỉ LDG Group, nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng chọn cách bán dự án hoặc liên kết với các đối tác để tái cơ cấu lại danh mục đầu tư và xu hướng này sẽ là đòn bẩy kích hoạt thêm nhiều thương vụ M&A đình đám. Tuy nhiên, khác với trước đây, các thương vụ M&A hiện nay có chiều hướng chuyển dần từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác, tạo nên những giá trị cộng hưởng, có lợi cho cả đôi bên.

Đơn cử, mới đây, Tập đoàn Danh Khôi đã thành lập liên danh với Tokyu Corporation tới từ Nhật Bản để triển khai dự án căn hộ nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó Tokyu đóng góp 49% vốn và 51% còn lại thuộc về Danh Khôi.

Đây không phải là lần đầu tiên Danh Khôi “bắt tay” với các đối tác nước ngoài. Năm 2019, doanh nghiệp này đã thành lập văn phòng đại diện tại Nhật Bản, sau đó ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Sanei Architecture Planning và đối tác này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ rót 1 tỷ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Việc doanh nghiệp bất động sản trong nước liên kết hay gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển dự án không phải là phương thức mới, nhưng trong bối cảnh dòng vốn chảy vào lĩnh vực địa ốc bị kiểm soát hết sức chặt chẽ như hiện nay, đây là giải pháp được nhiều doanh nghiệp hướng đến.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài thường đặt ra nhiều tiêu chí khắt khe để lựa chọn đối tác như uy tín thương hiệu, tiềm lực tài chính tốt, khả năng hoàn thiện thủ tục pháp lý và triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng cam kết.

Theo ông Quang, khi bắt đầu làm việc với các đối tác ngoại, doanh nghiệp trong nước cần có định hướng phát triển rõ ràng, tầm nhìn mới mẻ, nhanh nhạy trong việc nắm bắt những xu hướng mới, linh hoạt các phương thức kinh doanh để tiếp cận thị trường, mang lại những sản phẩm chất lượng cho khách hàng... Do đó, sự hợp tác không chỉ khẳng định uy tín, thương hiệu và năng lực phát triển dự án, mà còn chứng minh Việt Nam có những doanh nghiệp đủ tầm để liên kết với các đối tác quốc tế, trở thành điểm đến của các dòng vốn đầu tư trên thế giới.

“Mục tiêu của doanh nghiệp là không tập trung vào nguồn vốn của một đối tác, mà liên tục mở rộng tìm kiếm các nguồn vốn khác, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đón làn sóng dịch chuyển đầu tư ngày một mạnh mẽ như hiện nay”, ông Quang nhấn mạnhn

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục