Đổi chủ, đổi vận
Sau thời gian dài im hơi lặng tiếng, CTCP Đầu tư Hải Phát đã đánh dấu sự trở lại bằng việc liên tục chi tiền để thâu tóm hàng loạt dự án. Cụ thể, cuối năm 2015, Hải Phát mua lại tòa CT2-105 Usilk City, sau đó là đến tòa CT1-104, tháng 4 vừa qua, Hải Phát tiếp tục chi 700 tỷ đồng để mua lại 4,7 ha quỹ đất thành phẩm (tương đương khoảng 35% quỹ đất) của Dự án Phú Lương. Ngoài ra, Hải Phát cũng thâu tóm quỹ đất 7.200 m2 tại Hà Đông thông qua đấu giá và nhiều thương vụ mua cổ phần của các công ty khác.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư
Bất động sản, ngay sau Khu đô thị Phú Lương, Hải Phát sẽ quay trở lại với Usilk City và dự kiến sẽ bỏ ra một số tiền không nhỏ để sở hữu toàn bộ dự án này. Sau khi tiếp quản CT2-105 Usilk City, Hải Phát đã nhanh chóng tái khởi động và dự án được triển khai rất nhanh, đem lại kỳ vọng có nhà cho các khách hàng vốn đã chời đợi nhiều năm qua.
Cũng cuối năm 2015, Tập đoàn ThaiGroup đã gây xôn xao thị trường khi chi tới 1.000 tỷ đồng để mua trọn lô 3,65 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 52,43% vốn tại Công ty Du lịch Kim Liên của SCIC thông qua đấu giá. Công ty Du lịch Kim Liên đang nắm quyền sử dụng khu đất vàng của Khách sạn Kim Liên Hà Nội. Trong tháng 2/2016, ThaiGroup đã thỏa thuận với Tập đoàn khách sạn Hyatt (Mỹ) xây dựng khách sạn 5 sao Park Hyatt tại Hà Nội. Dù chưa công bố cụ thể, nhưng nhiều đồn đoán cho rằng, vị trí của khách sạn này sẽ được xây dựng trên nền Khách sạn Kim Liên cũ.
Một thương vụ gây chú ý gần đây là việc Tập đoàn Mường Thanh đã công bố chi tới 1.500 tỷ đồng để sở hữu 95% cổ phần của Công ty Cienco 5 Land, chủ đầu tư Dự án Thanh Hà Cienco 5 Land (Hà Đông). Dù vẫn còn lùm xùm xung quanh câu chuyện chuyển nhượng này, nhưng Mường Thanh vừa mở bán rầm rộ hàng trăm lô đất tại Dự án Thanh Hà và tạo nên cơn sốt tại dự án này.
Tuy nhiên, thương vụ có giá trị lớn nhất kể từ đầu năm đến nay tại Hà Nội là thương vụ CTCK Mirae Asset (Hàn Quốc) phối hợp cùng với AON BNG chi 400 tỷ Won (349 triệu USD) để thâu tóm Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower.
M&A tiếp tục sôi động
Theo đánh giá của các chuyên gia, có thể nói, chưa lúc nào, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản lại diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên, khác với trước đây, hoạt động mua lại dự án chủ yếu là để “găm đất” chờ thời, thì hiện nay, việc săn quỹ đất, mua lại dự án nhằm mục tiêu phát triển dự án khá rõ ràng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật S&B Law cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang khởi sắc, dư địa phát triển còn nhiều, trong khi quỹ đất ngày càng eo hẹp, thì với các doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính, việc sở hữu quỹ đất nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển dài hơi luôn là bài toán được tính đến. Chính vì lẽ đó, thời gian qua, cùng với việc phát triển dự án đang có, nhiều doanh nghiệp không ngừng đẩy mạnh việc săn quỹ đất mới.
Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty SohoVietnam cho rằng, quan sát diễn biến thị trường thời gian qua cho thấy, nguồn cung thị trường chủ yếu đến từ các dự án được mua lại và từ các dự án hợp tác đầu tư. Sở dĩ thị trường có nguồn cung lớn là vì các dự án được mua lại đã có quỹ đất sạch, có đủ hồ sơ pháp lý. Khi vào tay ông chủ mới, có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm phát triển dự án, dự án được triển khai rất nhanh và nhanh chóng được chào bán ra thị trường.
Còn theo dự báo của ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang Lasalle Việt Nam, hoạt động M&A bất động sản sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới nhờ vào những yếu tố như thị trường cải thiện, những đổi mới tích cực của chính sách và các kênh đầu tư khác đang gặp khó khăn.