Cơn sóng M&A vẫn đổ về TP.HCM
Được biết, hai dự án này nằm tại quận 7 và quận 9, TP.HCM. Tuy nhiên, Keppel Land không đưa ra thông tin rõ ràng về đối tác chuyển nhượng dự án này. Với 2 dự án vừa được thâu tóm,
Keppel Land cho biết sẽ cung cấp khoảng 1.550 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhà ở chất lượng trong nội đô TP.HCM.
“Đối với dự án tại quận 7, Keppel Land dự kiến phát triển khoảng 220 căn nhà thấp tầng và 1.029 căn hộ cao cấp. Dự án rộng 13 ha nằm giữa các khu dân cư đông đúc và cao cấp hiện hữu, dễ dàng tiếp cận với khu trung tâm của Thành phố. Tổng chi phí phát triển, bao gồm chi phí đất đai là khoảng 235 triệu USD. Dự án nằm ở quận 9, Keppel Land sẽ xây dựng 300 căn nhà đất. Tổng chi phí phát triển cho dự án này trên diện tích 6 ha bao gồm chi phí đất là khoảng 62 triệu USD”, ông Ang Wee Gee, Giám đốc điều hành Keppel Land nói.
Được biết, đây là thương vụ lớn thứ 2 mà Keppel land thực hiện tại TP.HCM trong năm 2017. Trước đó vào tháng 3, Keppel Land, đơn vị có vốn đầu tư đến từ Singapore, cũng đã công bố mua thêm 16% cổ phần tại Keppel Land Watco, chủ đầu tư dự án Saigon Centre từ Tổng công ty đường sông miền Nam trị giá 845,9 tỷ đồng (khoảng 53,5 triệu đô la Singapore).
Giao dịch này nâng tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn tại Saigon Centre lên 53,5%, đồng thời nâng tổng số cổ phần tại hai công ty liên doanh phát triển các giai đoạn tiếp theo của Saigon Centre từ 68% lên 76,2%.
Ông Ang Wee Gee cho biết, hai dự án này sẽ được triển khai vào năm 2018, nâng con số sản phẩm bất động sản của Keppel Land tại TP.HCM lên hơn 20.000 đơn vị nhà ở.
Keppel Land đã bán được tổng cộng 1.010 căn nhà ở Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017, gấp bốn lần số lượng căn hộ đã bán năm trước đó. Công ty đã nhận được phản hồi tích cực đối với sản phẩm tại dự án Tilia Residences, giai đoạn 2 của Empire City, được đưa ra vào tháng 7/2017 và đã bán được hơn 90% trong tổng số 472 đơn vị ra mắt vào cuối tháng 9/2017.
Đây được cho là thương vụ M&A cuối cùng đổ bộ vào thị trường địa ốc TP.HCM trong năm 2017. Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM công bố trong 11 tháng, địa phương này đã thu hút 984,4 triệu USD vốn FDI đổ bộ vào lĩnh vực bất động sản.
Ngoài ra, số liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam được công bố mới đây còn cho thấy, TP.HCM là đại diện dẫn đầu thị trường mua bán, sáp nhập cả nước với 5 thương vụ được ghi nhận trong 10 tháng năm 2017. Các tài sản được giao dịch tọa lạc tại Thủ Thiêm, quận 4, 5, 9 và huyện Bình Chánh.
Thương vụ có giá trị lớn đáng chú ý là VinaLand Limited, quỹ đầu tư bất động sản thuộc VinaCapital, đã bán toàn bộ cổ phần tại Vina Square, một khu đất phát triển dự án phức hợp, có diện tích 3 ha tọa lạc tại quận 5, TP.HCM. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty Địa ốc Trí Đức. Thương vụ thoái vốn thành công giúp quỹ đầu tư nói trên thu về dòng tiền ròng khoảng 41,2 triệu USD…
JLL cũng cho biết, những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc,
Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục được đánh giá là nhóm hoạt động tích cực nhất trong thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản tại TP.HCM.
Áp lực cho hoạt động M&A 2018
Dù thị trường mua bán, chuyển nhượng năm 2017 được đánh giá là khá thành công với nhiều thương vụ M&A lớn, nhưng bước vào năm 2018, theo JLL, hoạt động này sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là quỹ đất sạch của TP.HCM thích hợp cho các hoạt động M&A ngày càng trở nên hạn hẹp, đồng thời các nhà phát triển dự án dù khó khăn nhưng cũng treo giá khá cao cho các dự án muốn chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, một trong những sức ép lớn nhất là giải bài toán tìm cách triển khai dòng vốn một cách nhanh chóng và hiệu quả, bởi không dễ để đưa một dự án thường có vết ra thị trường một cách thông đồng bén giọt.
Về sự tham gia của dòng vốn ngoại, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch
Sohovietnam, đơn vị chuyên kết nối các thương vụ M&A nhận định, thị trường M&A bất động sản từ năm 2010 đến nay chia làm 2 giai đoạn rất rõ rệt. Giai đoạn 2010 - 2014 khá vắng bóng các nhà đầu tư ngoại, còn giai đoạn 2015 đến nay, sự hiện diện của khối ngoại khá rõ nét trên thị trường M&A.
Hình thức tham gia chủ yếu của khối ngoại là mua dự án để phát triển mảng kinh doanh chính (AON Mall, Lotte..), xây siêu thị, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khách sạn, resort…
Đặc biệt, sau các vụ M&A quỹ đất, thì các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng các dự án xây dựng chung cư từ trung cấp đến cao cấp (tổ hợp tiện ích). Bên cạnh đó, việc xuất hiện dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại vào tham gia góp vốn cùng doanh nghiệp bất động sản có uy tín trong nước để phát triển dự án bất động sản.
Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, chỉ trong 10 tháng đầu năm, TP.HCM đã có 29 dự án được mua bán, chuyển nhượng. Trong đó, có 11 dự án phải hoàn thiện thêm các thành phần hồ sơ theo quy định, 11 dự án đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho chuyển nhượng.
Theo các chuyên gia, để thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án bất động sản trở nên sôi động hơn, việc gỡ những nút thắt chính sách là rất cần thiết. Trong đó, hiện tại Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư muốn chuyển nhượng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong khi có những dự án thế chấp làm tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu ngân hàng nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, các bên M&A rất khó có thể hoàn tất các thương vụ, để chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới thay thế, khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai hiện nay, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án.