M&A: 5 năm cho một thị trường 5 tỷ USD

(ĐTCK) Giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã tăng gấp 5 lần trong vòng 5 năm qua, từ con số 1,08 tỷ USD năm 2009 lên 5,1 tỷ USD năm 2012.

> M&A sôi động nhờ pháp lý thoáng hơn

> Vốn chờ sẵn đổ vào các thương vụ M&A

> M&A 2011 - 2012: Kỷ lục và xu hướng  

“Nội” áp đảo về lượng, “ngoại” áo đảo về giá trị

5 năm qua, thị trường chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ trong việc chủ động tiếp cận và làm chủ M&A của giới DN Việt Nam. Số liệu cho thấy, tỷ lệ hàng năm các DN Việt đóng vai trò là người đi mua ngày càng tăng, năm 2012, tỷ lệ thương vụ DN mua lại là 45%.

Xét về số lượng, 5 năm qua, các thương vụ M&A liên quan đến DN nội chiếm đa số với 77%, tuy nhiên, giá trị thương vụ không lớn, chủ yếu ở quy mô 2 - 5 triệu USD/thương vụ, một số ít thương vụ ở mức 10 - 30 triệu USD.

Xét về giá trị, các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài. NĐT nước ngoài chiếm 66% giá trị các giao dịch M&A, trong đó năm 2011 có nhiều thương vụ lớn được ghi nhận.

Ngành hàng tiêu dùng được đánh giá là thu hút nhất, với tổng giá trị thương vụ riêng năm 2012 lên đến 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị M&A cả năm.

Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia có DN thực hiện M&A vào Việt Nam, xét cả về số lượng và giá trị. NĐT Nhật Bản đang có xu hướng đầu tư mạnh vào 2 ngành hàng tiêu dùng và tài chính. Đây là 2 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và là mục tiêu đầu tư của nhiều định chế tài chính nước ngoài.

Trong năm 2011 và 2012, các thương vụ M&A có tính chất phức tạp hơn, các thương vụ thâu tóm thù địch (hostile) cũng xuất hiện nhiều hơn. Các thương vụ chào mua công khai hoặc thâu tóm trên sàn chứng khoán là dấu hiệu phát triển chuyên nghiệp hơn của TTCK cũng như phương thức M&A ở Việt Nam. Việc khởi động xu hướng chào mua công khai trên thị trường đang đẩy các công ty đại chúng đối mặt với khả năng bị thâu tóm, bị mua lại, bị sáp nhập bất cứ lúc nào.

 

77% DN nội quan tâm đến M&A

Năm 2012, chúng tôi đã có cuộc khảo sát các DN Việt Nam về quan điểm và thái độ của chủ DN về M&A. Có đến 77% số người được hỏi có quan tâm đến hoạt động này cho thấy, M&A đã và đang là một trong những vấn đề nóng được giới đầu tư và DN quan tâm tìm hiểu để chủ động trước sự biến chuyển và cơ hội do M&A mang lại.

Khi được hỏi về thái độ đối với việc bị thâu tóm DN, có 57% lãnh đạo DN trả lời có, 20% có thái độ thận trọng, trong khi có 23% có thái độ coi chuyện thâu tóm hoặc bị thâu tóm là hoàn toàn bình thường và tích cực.

Theo con số khảo sát như trên, chúng tôi nhận định, nhiều DN Việt Nam còn coi việc bị thâu tóm là kết quả khá tiêu cực, thậm chí như là thất bại trong việc quản trị công ty khi để công ty rơi vào tay một ông chủ mới.

Tuy nhiên, xét về mục đích lâu dài, M&A là để tạo ra giá trị cộng hưởng và việc DN bị thâu tóm bởi một công ty có thể làm cho DN đó hoạt động tốt hơn, có hiệu quả hơn là điều bình thường và nên được ủng hộ. Thậm chí, đây có thể coi là sự điều chỉnh linh hoạt trong việc săn tìm các cơ hội kinh doanh trên thương trường và loại bỏ những DN có bộ máy quản lý yếu kém để có thể được vận hành hiệu quả hơn bởi công ty đi thâu tóm.

 

Top 10 Thương vụ M&A đáng chú ý tại Việt Nam nửa đầu năm 2013

 

Triển vọng M&A giai đoạn 2013 - 2017

Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2013, giá trị M&A có thể không đạt mốc kỷ lục đã xác lập năm 2012. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, dù có nhiều khó khăn trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng của hoạt động này trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức 25 - 30%.

Do đặc thù của DN Việt Nam, đa số thương vụ M&A có quy mô nhỏ, dưới 5 triệu USD. Nhưng giai đoạn tới, có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược của các các DN nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các NĐT nước ngoài.

Các thương vụ M&A sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng và tài chính ngân hàng. Hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản được quan tâm.

Xu hướng mua lại để thâm nhập thị trường của các DN Nhật Bản và các DN khu vực ASEAN vẫn chiếm ưu thế trong thời gian tới.

Nhóm nghiên cứu M&A Vietnam Forum

 

 

TS. Nguyễn Anh Tuấn

 

Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2013

 

5 năm qua, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 5 tỷ USD vào năm 2012. Hàng loạt thương vụ có quy mô lớn đã diễn ra, nhiều doanh nghiệp thực hiện chiến lược M&A để tạo tăng trưởng đột phá như Vingroup, Masan, Kinh Đô, Viettel, Hùng Vương.

 

Chính vì vậy, năm 2013, Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam lấy chủ đề “Cơ hội trong một thị trường 5 tỷ USD”. Diễn đàn được tổ chức ngày 8/8 tại TP. HCM sẽ tập trung đánh giá tổng quan các số liệu và xu hướng của thị trường M&A trong giai đoạn 2009 - 2013 và thời gian tới, cũng như tác động của M&A tới chiến lược và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung.

 

Một phần thời lượng của Diễn đàn sẽ được dành để phân tích các thương vụ nổi bật nhất trong 5 năm qua, tìm ra các yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất trong thành công của thương vụ và chiến lược phát triển thông qua M&A của doanh nghiệp Việt Nam với các đặc thù và bản sắc riêng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban tổ chức sẽ trao Kỷ niệm chương cho các thương vụ M&A tiêu biểu nhất và Tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu nhất Việt Nam (Deal Award) trong 5 năm từ 2009 - 2013, trao Kỷ niệm chương cho các thương vụ M&A tiêu biểu nhất và Tổ chức tư vấn M&A tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2013. Bên cạnh đó, Ban tổ chức dành một không gian riêng cho hoạt động kết nối đầu tư và giới thiệu doanh nghiệp, dự án (MAF Expo) trong các lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp, quỹ đầu tư quốc tế, với sự tham dự của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

 

Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ công bố và phát hành Đặc san song ngữ “Toàn cảnh thị trường Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2009 - 2013” (Vietnam M&A Outlook).

 

Tôi tin tưởng rằng, các hoạt động M&A sẽ phát triển lành mạnh, qua đó thúc đẩy quá trình tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và khơi thông dòng vốn đầu tư.

 

Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư và Công ty AVM Vietnam phối hợp tổ chức, bắt đầu từ năm 2009. Mỗi năm, hoạt động của Diễn đàn đã thu hút khoảng 500 nhà lãnh đạo cao cấp của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục