M&A 2022, dự báo một năm bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) đang trở thành một lựa chọn được ưa chuộng của nhiều tập đoàn trong nước trong chiến lược phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái. Năm 2022, xu hướng này được dự báo vẫn tiếp tục cộng với lực hỗ trợ của dòng vốn ngoại “thông thương” sau giãn cách để tạo nên sự bùng nổ của thị trường này.
M&A 2022, dự báo một năm bùng nổ

Nhu cầu M&A và đón vốn M&A của doanh nghiệp Việt

NovaGroup là 1 trong 5 doanh nghiệp có hoạt động M&A thuộc hàng lớn nhất trên thị trường, cả về mặt giá trị và số lượng trong 2 năm vừa qua. Vốn “có tiếng” trên thị trường bất động sản, nên các thương vụ M&A để gia tăng quỹ đất của Novaland không xa lạ với giới đầu tư.

Tuy nhiên, thông tin về các thương vụ M&A như Cầu Đất Farm, PhinDeli… hay trước đó là công bố sở hữu hàng loạt thương hiệu đình đám trong lĩnh vực F&B, gây bất ngờ không ít.

Những năm gần đây, sự hiện diện của NovaGroup trên thị trường M&A lớn hơn, nhưng thực tế quá trình phát triển của NovaGroup gắn liền với thị trường này từ rất lâu. Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn NovaGroup cho biết, chỉ 10-20% quỹ đất Novaland đang có là tự phát triển (đền bù, giải phóng mặt bằng), còn lại đều mua lại trên thị trường thứ cấp.

Tuy nhiên, “giai đoạn 2017-2018, khi quỹ đất tại TP.HCM khó khăn hơn thì chúng tôi quyết định ra ngoại tỉnh, Đồng Nai, Hồ Tràm, Phan Thiết… Với phương châm của founder và Công ty là kiến tạo cộng đồng, phụng sự cộng đồng, NovaGroup bắt buộc phải xây hệ thống dịch vụ tương xứng hỗ trợ cho khu đô thị như hệ thống F&B, resort, giáo dục…”, ông Phiên nói.

Tất cả những nhánh nhỏ đó, đầu tiên tự phát triển rồi sau đó đẩy mạnh M&A những doanh nghiệp liên quan để gom lại thành Nova Service Group nhằm hỗ trợ NovaLand trong các chiến lược hỗ trợ kiến tạo cộng đồng.

Câu chuyện thứ ba của tập đoàn này là Nova Consumer Group, bắt đầu từ khi doanh nghiệp thành lập là chuỗi vắc-xin, chuỗi thú y, doanh thu rất đều, nhưng từ nhu cầu tự thân của các cổ đông lớn là bước ra khỏi vùng an toàn, đối mặt thách thức mới, từ năm 2019, Anova đổi tên thành Nova Consumer Group và thực hiện một số thương vụ M&A như Cầu Đất Farm, PhinDeli…

“Chặng đường còn rất dài nhưng chiến lược là kiên định và rõ ràng”, ông Phiên khẳng định.

Mỗi doanh nghiệp phải định hình được chiến lược M&A rõ ràng, phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp mình. Điều này cũng diễn ra tương tự với BCG Group.

Nhìn lại 1 năm vừa qua, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp nhưng với sự nỗ lực của mình, Bamboo Capital Group đã tiến hành thành công 2 thương vụ M&A, một trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (do thành viên trong Tập đoàn là BCG Energy đảm trách) với đối tác SP từ Singapore - mảng cốt lõi của BCG và một trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm với đối tác AAA.

Ngày 5/12 vừa qua, BCG Energy đã chính thức ký kết hợp tác đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo với đối tác này bằng dự án có tổng công suất hơn 100 MW. Theo đó, BCG Energy đã gọi vốn thành công 43,6 triệu USD, tương đương hơn 1.018 tỷ đồng từ Leader Energy dưới dạng trái phiếu chuyển đổi để đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo của BCG.

Trước đây, Tập đoàn Bamboo Capital có 4 mảng chính là sản xuất, hạ tầng, bất động sản và năng lượng tái tạo, nhưng tháng 8/2021 vừa qua, Ban lãnh đạo Tập đoàn hiện thực hoá định hướng chiến lược đã ấp ủ từ lâu thông qua việc thành lập BCG Financial - mảnh ghép thứ 5 của Tập đoàn. BCG Financial cũng đã có thương vụ đầu tiên là M&A Công ty Bảo hiểm AAA, với tỷ lệ sở hữu lên đến 80,64%.

Bà Thương Phạm, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Công ty BCG Energy thuộc Tập đoàn Bamboo Capital - BCG cho biết, đây là thương vụ đánh dấu bước đầu Tập đoàn Bamboo Capital tham gia vào lĩnh vực tài chính. Tập đoàn cũng sẽ tham gia vào Hội đồng quản trị của AAA để tiếp tục đẩy mạnh phát triển, cả lĩnh vực nhân thọ.

Chia sẻ về kế hoạch huy động vốn thành công tại BCG Energy nói riêng và Bamboo Capital nói chung, bà Thương Phạm cho biết, Công ty sẽ huy động vốn bằng rất nhiều cách, kể cả vốn trong và ngoài nước.

Do vốn vay từ ngân hàng hiện nay vẫn có chi phí cao và bị giới hạn bởi quy định (không được phép cho vay quá 5% vốn chủ sở hữu cho hoạt động mua bán cổ phần) nên Công ty đã tích cực huy động vốn từ nước ngoài (từ Hàn Quốc, Nhật, EU, Mỹ…) và trong nước để có thể tái cấu trúc vốn với chi phí thấp.

Frasers Property Group có một danh mục đầu tư rất đa dạng và trải dài tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, Frasers Property Vietnam đang phát triển 4 trong số 5 lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn, bao gồm nhà ở, bất động sản công nghiệp và hậu cần, bất động sản thương mại và dịch vụ lưu trú. Hiện tập đoàn này đang quản lý 40 tỷ USD tài sản bất động sản, trong đó 10 tỷ USD giá trị bất động sản công nghiệp trên thế giới.

Nhìn nhận quá trình tham gia vào các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam và sự chuyển dịch ngày càng tăng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu đối với nhà xưởng xây sẵn và cơ sở hậu cần chất lượng cao ở Việt Nam.

Đón đầu dòng vốn đầu tư này, Frasers Property đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam với dự án đầu tiên là Binh Duong Industrial Park (BDIP), tập trung xây dựng hệ thống nhà xưởng xây sẵn (RBF) và nhà xưởng theo yêu cầu (BTS) tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững.

Để có thể “đóng deal” trong bối cảnh Covid và giá cả bất động sản khu công nghiệp liên tục gia tăng, ông Trương An Dương, Giám đốc Khối bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam cho biết luôn phải chuẩn bị, để dành sẵn một khoản tài chính để tham gia các thương vụ M&A.

Ông Dương cho biết, đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng chốt các thương vụ M&A phù hợp, tương lai tiếp tục đa dạng hóa, kể cả văn phòng và bán lẻ, vì hệ sinh thái của Tập đoàn gồm rất nhiều mảng kinh doanh khác nhau, hoàn toàn có thể hỗ trợ cho hoạt động M&A.

Thông tin tích cực trên thị trường M&A Việt Nam còn được bổ sung từ ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch RSM Việt Nam khi vị này cho biết, Công ty đang có nhiều thương vụ và giao dịch, nhưng do thời gian chuẩn bị dài hơn nên có nhiều thương vụ phải để tới năm sau mới hoàn thành.

“Chúng tôi đang nhìn vào các năm tới với mức độ tự tin rất cao”, ông Lâm nói.

Ngành nào sẽ hút vốn?

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam khẳng định, làn sóng các công ty Nhật Bản tiến hành thủ tục đầu tư tại Việt Nam dự báo tăng mạnh khi rào cản giãn cách được dỡ bỏ, thậm chí có nhiều thương vụ sẵn sàng ký kết online.

Các lĩnh vực mà Nhật Bản vẫn muốn rót vốn vào Việt Nam, gồm, xây dựng hạ tầng, logistics, bán lẻ tiêu dùng và năng lượng sạch.

Còn theo KPMG Hàn Quốc, một trong những nguyên nhân chính hạn chế hoạt động M&A xuyên quốc gia của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam trong 2 năm gần đây là do đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư Hàn Quốc bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính và hậu cần.

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính là nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp “không tiếp xúc” (thuật ngữ được tạo ra trong đại dịch Covid, ám chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không yêu cầu phải có sự tiếp xúc trực tiếp với khách hàng) triển vọng kinh tế trong dài hạn và số lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng.

Ngoài ra, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết, vì các doanh nghiệp Hàn Quốc có chuyên môn cao trong các lĩnh vực này, đặc biệt là công nghệ tài chính, họ tin rằng có thể đóng góp cho các đối tác trong chuỗi giá trị và thị trường nói chung.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực mà nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn dành nhiều sự quan tâm bao gồm tài chính, ô tô - cả bán lẻ và sản xuất, bảo hiểm ô tô, xây dựng và bất động sản.

Ngành năng lượng sẽ là một trong những ngành năng động, có nhiều thay đổi về quy định pháp lý. Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF cho rằng, sẽ có thể thu hút thêm nhiều nguồn vốn hơn cho lĩnh vực này nếu các chính sách hỗ trợ tư nhân trong đầu tư ngành điện, minh bạch và dễ đoán định hơn. Các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng mong muốn tham gia lĩnh vực này.

Ngành ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng sẽ luôn hấp dẫn nhà đầu tư. Các ngành mới hấp dẫn trong những năm tới dự báo là năng lượng tái tạo, dược phẩm, viễn thông, cơ sở hạ tầng.

Ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành, Công ty Luật Baker & McKenzie chia sẻ, năm 2022 sẽ có đầu tư hạ tầng 5G tại Việt Nam, mobile money, cho vay P2P sẽ mở ra các cơ hội mới.

“Tôi mong muốn năm 2022 có thể đi lại dễ dàng hơn, có thể mở cửa biên giới, đi lại kinh doanh, thăm gia đình”, ông Seck Yee Chung nói.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục