M&A tiếp tục nổi sóng năm 2016

(ĐTCK) Cả M&A chủ động và thụ động đều được dự báo tăng mạnh mẽ hơn trong năm 2016.
M&A tiếp tục nổi sóng năm 2016

Trong kế hoạch hoạt động năm nay, nhiều ông lớn, vốn khá bảo thủ trong đầu tư đã đưa ra thông điệp sẽ tham gia vào thị trường M&A, có thể coi đó là một dạng M&A chủ động.

Đơn cử, trong định hướng hoạt động 2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết sẽ triển khai nghiên cứu cơ hội mua bán dự án và mua bán sáp nhập DN.

Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ tập trung tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, triển khai các dự án, cơ hội đầu tư đang nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư: Dự án Tháp truyền hình Việt Nam (hợp tác cùng VTV), Dự án nhà máy sản xuất vắc - xin quy mô công nghiệp; đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính: tham gia mua cổ phần lần đầu của các tập đoàn, tổng công ty và DNNN tiến hành cổ phần hóa; tiếp tục nghiên cứu tham gia đầu tư mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Nhìn lại năm 2015, nếu như các DN khác tìm kiếm được nhiều cơ hội M&A thông qua các đợt thoái vốn của SCIC, chẳng hạn thương vụ bán xấp xỉ 52% cổ phần của SCIC tại CTCP Du lịch Khách sạn Kim Liên có giá trị tới cả nghìn tỷ đồng, thì tỷ trọng đầu tư của SCIC rất thấp.

Một cán bộ của SCIC cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, trong khi các DN khác đang sôi sục tìm kiếm dự án để mua lại, hợp tác đầu tư, thì SCIC lại phải thoái vốn. Lý do, theo quy định của Chính phủ, Tổng công ty không được bỏ vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Đóng vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, các lĩnh vực mà SCIC quan tâm bao gồm hạ tầng, y tế, giáo dục… và một số dự án đầu tư theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ. Với rất nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến đầu tư của DN nhà nước, việc tham gia thị trường M&A của SCIC được nhận định không quá mạnh mẽ. Tuy nhiên, động thái trong năm 2016 của Tổng công ty cho thấy, đây sẽ là một trong những phương thức được chú trọng trong hoạt động đầu tư năm mới.

Năm 2015, thị trường đã chứng kiến một loạt tập đoàn tư nhân như Vingroup, BRG, Geleximco, TNG… đẩy nhanh tiến độ bung hàng các dự án  BĐS, tìm kiếm mua lại các dự án tiềm năng để gia tăng tổng tài sản. Khi đã có quy mô và tiềm lực rất lớn, M&A chính là con đường sẽ được các tập đoàn này áp dụng trong năm 2016 để mở rộng đế chế của mình.

Trước kia lãnh đạo các DN chủ trương mua lại dự án và để đó chờ thời, thì nay ngay khi thâu tóm xong dự án, họ đã khẩn trương bắt tay vào triển khai để có sản phẩm bán ra và thu tiền về.

Với các nhà đầu tư nước ngoài, khẩu vị của họ cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Cho rằng việc thành lập DN mới có vốn đầu tư trực tiếp sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian, chi phí hơn nhiều so với tìm kiếm và mua lại DN đang hoạt động trong lĩnh vực tương ứng, đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho hay, họ đang tập trung tìm kiếm các DN tư nhân để có thể đầu tư với tỷ lệ chi phối. M&A do đó là phương thức đầu tư chủ yếu mà nhà đầu tư này áp dụng tại Việt Nam trong thời gian tới, thay vì mua cổ phiếu tỷ lệ lớn qua sàn thứ cấp như trước đây.

Một báo cáo của Dealogic được CNBC tổng kết mới đây cho biết, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại châu Á – Thái Bình Dương đã diễn ra khá tấp nập trong năm 2015 với tổng giá trị của các thương vụ đạt tới hơn 1.000 tỷ USD, cao hơn 37% so mức kỷ lục trong năm 2014.

Đáng chú ý, các thương vụ nội trong khu vực châu Á – tức những thương vụ mà một nhà thâu tóm của châu Á nhắm đến một tài sản của khu vực này – cũng tăng vọt khoảng 34% lên 72,3 tỷ USD trong năm 2015. Ví dụ dễ thấy nhất là ngay những ngày đầu năm, thông tin Tập đoàn Berli Jucker của tỷ phú giàu nhì Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi đang nhắm tới mua mảng kinh doanh tại Việt Nam của Casino Group, trước mắt là chuỗi siêu thị Big C đã “dậy sóng”.

Do nhu cầu từ thị trường trong nước yếu, Berli Jucker đang theo đuổi chính sách tích cực mở rộng sang nước ngoài. Tập đoàn này muốn tấn công các thị trường châu Á đang tăng trưởng nhanh, như Campuchia, Lào và Việt Nam.

Đà bán tháo trên thị trường hàng hóa có thể là động lực quan trọng cho hoạt động M&A. Giá hàng hóa đã lao mạnh xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, với giá dầu hiện đang giảm mạnh, giá quặng sắt sụt hơn 40% đã khiến nhiều DN cũng như tài sản trở nên hấp dẫn hơn trong mắt của những người mua.         

Hồng Hạnh - Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ