M&A ngành dược phẩm: Dồn dập sóng nổi

(ĐTCK) Các thương vụ M&A liên tiếp diễn ra, nhiều ông lớn tham gia thị trường và dòng vốn đầu tư ngoại luôn chực chờ là các yếu tố tạo sóng không ngừng nghỉ tại thị trường dược phẩm Việt Nam.
M&A ngành dược phẩm: Dồn dập sóng nổi

Mới đây, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của CTCP Dược Medipharco (MTP), cổ đông đã thông qua phương án sáp nhập CTCP Liên doanh Dược phẩm Medipharco Tenamyd BR s.r.l (MTBR) nhằm cơ cấu lại hoạt động của Medipharco, phát triển thương hiệu sẵn có của Medipharco và MTBR, thống nhất trong quản trị Công ty.

Việc sáp nhập sẽ được thực hiện theo hình thức hoán đổi cổ phiếu. Cụ thể, MTP sẽ phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi lấy cổ phần MTBR của các cổ đông khác với tỷ lệ 1:1. Sau sáp nhập, Medipharco sẽ kế thừa toàn bộ ngành nghề kinh doanh hiện tại của MTBR.

Cũng trong thời gian này, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) dự kiến thoái vốn khỏi Dược phẩm S.Pharm, đồng thời mua thêm cổ phiếu của CTCP Dược phẩm Agimexpharm (AGP). Theo đó, IMP sẽ thoái vốn và chuyển nhượng toàn bộ 1,25 triệu cổ phần sở hữu tại Dược phẩm S.Pharm cho ông Nguyễn Đắc Hải, với giá 10.000 đồng/cổ phần.

Cùng với đó, Công ty dự kiến sẽ chi khoảng 10,6 tỷ đồng mua gần 1,06 triệu cổ phiếu AGP của Dược phẩm Agimexpharm. Đây là đợt phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu của AGP, tỷ lệ phát hành là 3:1. Hiện IMP đang sở hữu gần 3,2 triệu cổ phiếu AGP.

Chưa kể, từ ngày 30/11 đến 30/12, CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim sẽ thực hiện chào mua để tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar (LDP) nhằm đầu tư lâu dài. Hiện Nguyễn Kim đang nắm giữ 24% cổ phần Ladophar và chào mua thêm 2,1 triệu cổ phần với giá 23.500 đồng/cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu thêm 27,14%.

Sau khi thực hiện chào mua, tỷ lệ sở hữu của Nguyễn Kim sẽ trên 51% và Ladophar trở thành công ty con của Nguyễn Kim. Nguyễn Kim cho biết, Công ty sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh chính của Ladophar là sản xuất đông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế và xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu.

Trong bối cảnh hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp ngành dược diễn ra khá dồn dập, các thành viên thị trường không khỏi bất ngờ khi “ông lớn” Vingroup chính thức khai trương chuỗi 11 nhà thuốc VinFa tại thị trường Hà Nội.

Đây là động thái nhanh nhạy của Vingroup khi doanh nghiệp này chỉ mới tham gia vào ngành dược với dự án "Trung tâm Nghiên cứu sản xuất thuốc VinFa" tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh hồi tháng 4 vừa qua.

Như vậy, chỉ sau nửa năm, VinGroup bắt đầu công phá thị trường dược phẩm miền Bắc. Theo như cách tập đoàn này đã làm với VinMart, việc đưa chuỗi VinFa phủ sóng ở quy mô lớn sẽ không mất nhiều thời gian và điều này tạo áp lực trực tiếp tới các chuỗi nhà thuốc khác.

Chưa kể, không chỉ Vingroup, trước đó, 2 đơn vị bán lẻ lớn cũng nhảy vào lĩnh vực dược phẩm là Thế giới Di động (MWG) với Nhà thuốc An Khang và FPT Retail (FRT) với Nhà thuốc Long Châu.

Đối với Long Châu, nhà thuốc này sẽ được hợp nhất vào FRT trong quý IV/2018. Tính từ đầu năm tới nay, Long Châu đã mở thêm 10 cửa hàng mới, đưa tổng số cửa hàng lên 18. Doanh thu bán hàng hàng tháng của các cửa hàng mới đạt trung bình 65.000 - 78.000 USD, cao hơn điểm hòa vốn của cửa hàng.

Trong khi đó, tình hình không được khả quan với chuỗi 9 nhà thuốc An Khang, khi tính đến cuối tháng 9/2018, MWG đã lỗ hơn 3,2 tỷ đồng khi mua An Khang.

Đáng chú ý, thị trường dược nhiều khả năng sẽ đón nhận thêm những nhà đầu tư mới khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngành dược như Dược Hậu Giang (DHG), Traphaco (TRA), Domesco tới năm 2020.

Đặc biệt, tiến trình này sẽ thu hút không ít các nhà đầu tư ngoại, tiêu biểu như cổ đông lớn Nhật Bản Taisho đang tích cực nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên ít nhất 51%, hoặc tập đoàn dược phẩm lớn thứ 2 Ba Lan là Adamed Group chi 50 triệu USD để thâu tóm 70% cổ phần một công ty dược kín tiếng là Đạt Vi Phú (Davipharm).

Như vậy, bên cạnh sự tiến công và đầu tư dồn dập của các đại gia Việt “lắm tiền nhiều của”, các doanh nghiệp dược vừa và nhỏ còn chịu sức ép từ nhà đầu tư ngoại.

Điều này đặt các doanh nghiệp vào tình huống, nếu không liên kết để cải thiện quy mô thì chấp nhận bị thâu tóm hoặc doanh thu ngày càng giảm. Khi đó, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ còn chứng kiến nhiều biến động mạnh mẽ về quy mô, cũng như cơ cấu thị phần.

 Chi tiêu cho thuốc của người Việt Nam qua từng giai đoạn.

Theo một báo cáo của MBS mới đây, trong năm 2017, tổng giá trị ngành dược phẩm đã tăng hơn 12%, đạt giá trị 5,2 tỷ USD. Hiện tại, giá trị ngành dược nội địa đã chính thức vượt qua Thái Lan (4,82 tỷ USD) và đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp đạt mức tăng trưởng trên 10%.

Dự kiến trong vòng 1 thập kỷ tới, mức chi tiêu cho dược phẩm của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình của thế giới (không tính Mỹ) với giá trị ước tính 127 USD/người. Trong thời gian tới, ngành dược phẩm nội địa vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích nội địa hóa các dòng vaccine và thuốc generics thiết yếu.

Nguyên Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục