M&A dồn sóng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Hàng loạt thương vụ mua bán, chuyển nhượng cổ phần diễn ra trong những ngày cuối năm 2020 sau giai đoạn trầm lắng vì dịch Covid-19.

Hoạt động M&A trở nên sôi động hơn trong những tháng cuối năm 2020. Hoạt động M&A trở nên sôi động hơn trong những tháng cuối năm 2020.

Nhà đầu tư ngoại “chốt deal”

Bán lẻ, năng lượng tái tạo, bất động sản, y tế, dược phẩm… là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại nhiều nhất.

Trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, thời gian gần đây, hoạt động M&A diễn ra nhộn nhịp hơn, bởi đây là những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng tốt khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao.

Hệ thống bệnh viện tư nhân ngày càng phát triển, cùng với đó là việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 đã tạo thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới lĩnh vực này.

Vừa qua, Pymepharco thông qua việc cho phép cổ đông lớn là Stada Service Holding B.V (Đức) và những người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu tối đa lên 100% vốn điều lệ của Công ty.

Vừa qua, Công ty cổ phần Pymepharco (mã PME) đã tiến hành họp đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc cho phép cổ đông lớn là Stada Service Holding B.V (Đức) và những người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu tối đa lên 100% vốn điều lệ của Công ty, mà không cần thực hiện chào mua công khai. Tỷ lệ cổ đông tán thành chủ trương này lên tới 99,96% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự Đại hội.

Dự kiến, việc tăng sở hữu của Stada tại Pymepharco sẽ hoàn tất vào cuối năm nay hoặc trong năm sau.

Pymepharco, tiền thân là Công ty Dược và vật tư y tế Phú Yên, được thành lập vào năm 1989, chuyên sản xuất dược phẩm, kinh doanh thuốc và vật tư thiết bị y tế.

Từ một công ty dược địa phương, Pymepharco đã vươn lên trở thành nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực, với hệ thống nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU - GMP.

Stada Service Holding B.V là công ty con của Tập đoàn dược phẩm Stada Arzneimittel AG (Đức). Đơn vị này bắt đầu tham gia vào Pymepharco từ năm 2008, sau đó trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 62% vốn. Mới đây, đơn vị này đăng ký mua thêm hơn 4,5 triệu cổ phiếu PME để tăng tỷ lệ nắm giữ lên gần 76% vốn điều lệ.

Tại Pymepharco, hiện vẫn còn hai cổ đông lớn khác là thành viên Hội đồng quản trị Trương Viết Vũ (nắm giữ hơn 10%) và Công ty cổ phần Đầu tư Well Light (nắm 8,7%).

Trên thị trường, cổ phiếu PME đang giao dịch ở vùng giá hơn 78.000 đồng/cổ phiếu và cơ cấu cổ đông cô đặc, thị giá của PME giữ được tốt trong một thời gian dài.

Không chỉ lĩnh vực dược phẩm, mà lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian qua cũng là tâm điểm hút vốn ngoại. Mới đây, Công ty Gunkul Engineering của Thái Lan đã chi 1,26 tỷ baht (tương đương 39,9 triệu USD) để thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư Đoàn Sơn Thủy (DST) - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II.

Bà Sopacha Dhumrongpiyawut, Giám đốc điều hành Gunkul Engineering cho biết, Công ty đã trở thành cổ đông duy nhất của Đoàn Sơn Thủy.

Thương vụ M&A được ký kết vào tuần trước bao gồm việc mua 49% cổ phần từ Bangjak Green Energy Co, công ty con của BS Industry Service Co có trụ sở tại Bangkok và 51% cổ phần từ hai cổ đông cá nhân Việt Nam.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II đặt tại thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, công suất 50 MW, điện năng sản xuất hàng năm gần 68 triệu kWh năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 120 tỷ đồng. Nhà máy dự kiến vận hành vào tháng 5/2019 nhưng do chậm tiến độ nên dời về trước ngày 15/12/2020.

Chủ đầu tư dự án - Công ty cổ phần Đầu tư Đoàn Sơn Thuỷ do bà Trần Thị Hương Hà làm Giám đốc. Công ty này được thành lập vào tháng 1/2017, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Thương vụ M&A giữa doanh nghiệp Thái Lan và Đoàn Sơn Thủy diễn ra ngay tại thời điểm dự án vừa hoàn thành xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành thương mại.

Với việc chi 39,85 triệu USD (khoảng 925 tỷ đồng) để mua lại doanh nghiệp cho thấy nhà đầu tư Thái đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II.

Việc mua lại cổ phần của Công ty Đoàn Sơn Thủy nằm trong chiến lược đầu tư lĩnh vực năng lượng mặt trời tại Việt Nam của Gunkul Engineering.

Trước đó, trong quý II/2020, tập đoàn này đã tăng tỷ lệ sở hữu tại hai nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Tây Ninh từ 49% lên 90%. Đó là dự án Nhà máy điện mặt trời Trí Việt 1, công suất 30 MW, tổng vốn đầu tư trên 760 tỷ đồng và Nhà máy điện mặt trời Bách khoa Á Châu 1, công suất 30 MW, tổng vốn đầu tư 760 tỷ đồng.

Để hoàn thành hai thương vụ M&A này, Gunkul Engineering Plc phải chi khoảng 60,6 triệu USD, tương đương 1.363,5 tỷ đồng.

M&A sẽ tiếp tục nhộn nhịp

Đầu tháng 12, trong khối công ty chứng khoán, một thương vụ M&A nữa được ngã ngũ. Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán Hùng Vương (HVS) được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chuyển nhượng cổ phần của Công ty.

Theo đó, ba cổ đông hiện tại sẽ được chuyển nhượng 5,02 triệu cổ phần, tương đương 100% cổ phần của Công ty cho 3 cá nhân.

Bên chuyển nhượng là ông Đường Văn Tài chuyển 2,46 triệu cổ phiếu cho bà Lê Hồng Anh, ông Hoàng Nguyễn Thanh Hùng chuyển nhượng 1,44 triệu cổ phiếu cho ông Nguyễn Toàn Thắng và ông Phạm Ngọc Chiến chuyển nhượng 1,11 triệu cổ phiếu cho ông Nguyễn Đình Đại.

Đáng chú ý, nhóm nhận chuyển nhượng là lãnh đạo của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công (Thành Công Group) và người có liên quan.

Cụ thể, bà Lê Hồng Anh là vợ ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thành Công Group. Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng là em trai ông Tuấn.

Trước đó, năm 2019, HVS đã có kế hoạch sáp nhập với Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) nhưng thương vụ không thành công. Nhiều năm nay, Công ty liên tục thua lỗ. Tính tới cuối quý III, tổng tài sản của Công ty chỉ còn hơn 10 tỷ đồng, lỗ luỹ kế hơn 40 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 10 tỷ đồng.

Thành Công Group có thế mạnh trong lĩnh vực ô tô (với Huyndai Thành Công) và đang dần mở rộng hoạt động sang mảng bất động sản và tài chính.

Trong lĩnh vực bán lẻ, theo thông tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, một nhà đầu tư Nhật Bản đã rót vốn vào một tập đoàn sản xuất hàng gia dụng hàng đầu Việt Nam, với các sản phẩm máy lọc nước, thiết bị nhà bếp…

Giới quan sát nhìn nhận, thời gian tới, hoạt động M&A trong lĩnh vực bán lẻ sẽ diễn ra sôi động hơn, khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên có hiệu lực.

Đặc biệt, EVFTA đã có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh quốc mới kết thúc đàm phán được nhìn nhận sẽ mở ra làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Việt Nam. Trong khi lĩnh vực bán lẻ cũng được dự đoán sẽ có sự phát triển mạnh trong năm 2021, khi thuế quan áp dụng cho hàng hóa từ châu Âu được dỡ bỏ ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.

Những thay đổi về chính sách đầu tư, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế là đòn bẩy thúc đẩy sự bứt phá của thị trường M&A trong năm 2021.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục