Đổi thay kỳ diệu
Hơn một giờ lênh đênh trên biển, trước mắt chúng tôi hiện ra một dải màu xanh ngắt của những cánh đồng tỏi, những rặng phi lao chắn gió hòa với dải nhà mái ngói san sát nối liền nhau men theo chân đảo. Hình ảnh đó gợi nên một cảm giác bình yên lạ thường, trái hẳn với suy nghĩ về một huyện đảo đầu sóng, ngọn gió mà lâu nay mọi người thường nghĩ.
Thuyền trưởng tàu cao tốc chia sẻ, từ ngày Lý Sơn có điện quốc gia, du khách thập phương đổ về đây rất đông. Từ sáng sớm, hàng ngàn người dân Lý Sơn đã tập trung rất đông ngóng đợi Thủ tướng và đoàn cán bộ Chính phủ ra đảo. Đây cũng là lần đầu tiên người dân Cù lao Ré tận mắt nhìn thấy Thủ tướng ngoài đời, chứ không phải qua màn ảnh tivi.
“Hôm ấy, Cù lao Ré đông vui như có hội. Bà con khí thế hừng hực như chính dòng điện “chảy” xuyên suốt đất nước hình chữ S nay đã bừng sáng nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Giấc mơ đưa huyện đảo gần hơn với đất liền đã thành hiện thực, cuộc sống người dân Cù Lao Ré đã đổi thay rất nhiều”, vị thuyền trưởng kể lại.
Bến cảng Lý Sơn tuy không lớn, nhưng cũng khá sầm uất. Phần lớn người dân nơi đây sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nước da đen chắc nhưng vẫn lộ rõ sự khoan thai, vui vẻ và mến khách. Những cháu nhỏ cười e thẹn khi máy ảnh hướng về phía mình…
Kéo dài hơi thuốc lá, ông Nguyễn Văn Nam, người dân xã An Vĩnh chia sẻ, với người Lý Sơn, chưa bao giờ có một sự kiện trọng đại như thế. Từ thời tiền nhân còn là những hùng binh trong đội Bắc Hải kiêm quản Hoàng Sa, người dân Lý Sơn chỉ sống quanh quẩn trên đảo. Những tiện nghi sinh hoạt, những văn minh trên bờ vẫn chưa thể ra đến đây vì cách trở.
Năm 1999, người Lý Sơn mới biết đến ánh sáng điện qua máy phát điện diezen, nhưng đêm có, đêm không và chỉ sử dụng được vài giờ phục vụ sinh hoạt. Theo từng năm, thêm vài máy phát điện nữa được tăng cường nhưng cũng chỉ để đỏ đèn. Mọi sinh hoạt cần có điện đều không thể. Cuộc sống, sản xuất vẫn cầm chừng như từ trước đến nay.
“Đầu năm 2014, tin Chính phủ và địa phương chính thức chỉ đạo khởi động dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo qua hệ thống cáp ngầm đến với người Lý Sơn, bà con rất vui, mong thời gian trôi thật nhanh để sớm đến ngày có điện, cảm giác ban đầu về một ngày điện đỏ mãi không tắt cứ rân rân trong người như có dòng điện chạy qua”, ông Nam bộc bạch.
Thời điểm chúng tôi ra đảo chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Ất Mùi. Khác với mọi năm, không khí Tết năm nay đến sớm hơn, vì đây là cái Tết đầu tiên người dân nơi đây được đón Tết với gia đình trong điều kiện tiện nghi đầy đủ hơn, nhà nhà có điện, có tivi, có tủ lạnh và những thiết bị vật dụng cần thiết khác mà mọi năm ao ước chẳng thể có được.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, trong một tháng gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh tủ lạnh, máy giặt, tivi luôn bán cháy hàng. Những khu chợ xưa nay chỉ bán những vật dụng thiết yếu thì nay tràn ngập đồ gia dụng, đồ điện...
“Nhìn bà con được cải thiện cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi vui lắm. Người dân Lý Sơn đã chịu nhiều gian khổ, nay được đền đáp xứng đáng, bà con càng thêm yêu quê hương, gắn bó với hòn đảo thân yêu này”, bà Hương chia sẻ.
Bà Hương cho biết thêm, trước đây đã có rất nhiều kế hoạch, đề án để phát triển Lý Sơn, nhưng mọi thứ vẫn “treo” chỉ vì không có điện. Nay Lý Sơn đã có điện lưới, rất nhiều nhà đầu tư và tổ chức cá nhân tìm đến. Mới đây, một tập đoàn ở Đà Nẵng đã đề xuất đầu tư xây dựng phát triển du lịch sinh thái như tắm biển, ngắm san hô, resort. Tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý và đang tiến hành khảo sát, xem xét chủ trương thực hiện.
Có lẽ không cần mô tả nhiều cũng đủ hình dung niềm hạnh phúc của người dân đảo này với dòng điện. Tết này, đón giao thừa, các cụ lão được xem thời sự, nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Hè sang nắng xé, nhà nào cũng có thể vù vù quạt điện. Điện đường sáng tỏ, thanh niên trai gái sau ngày làm việc vui dạo mỗi tối...
Hình dung những cảnh vui vầy đón Tết của người dân nơi đảo tiền tiêu này mà lòng xốn xang, mừng cho Lý Sơn đổi thay, mừng cho đất nước khi có sự yên bình nơi đảo xa. Có lẽ cũng như tôi, bao nhiêu người đến Lý Sơn cũng sẽ không ngủ được, mong bình minh đến sớm để tận mắt thấy hình ảnh Lý Sơn hôm sau khác với hôm trước…
Làm giàu từ “vàng trắng”
Lý Sơn có thời tiết bất lợi là khô hạn mùa nắng, chịu nhiều giông bão về mùa mưa. Thế nhưng, trong sự khắc nghiệt ấy, nông dân Lý Sơn đã kỳ công trồng loại tỏi thơm ngon, được cả nước biết đến. Hiện người dân trên đảo đang vào vụ trồng tỏi mới. Năm nay, do thời tiết diễn biến thất thường, nên việc trồng tỏi chậm hơn so với mọi năm.
Chỉ rộng hơn 10 km2, song ở huyện đảo này, đi đâu cũng thấy tỏi. Tỏi được trồng bao la ở cánh đồng, vắt vẻo trên núi, luồn dưới khe đá. Tại mấy sườn núi dốc, dân Lý Sơn cũng làm đất, trồng tỏi theo kiểu ruộng bậc thang.
Bà Nguyễn Thị Toan (58 tuổi), một người dân ở xã An Hải cho biết, gia đình bà đã có mấy đời trồng tỏi. Tỏi chỉ trồng được một vụ trong năm, nên họ phải tận dụng mọi chỗ để sản xuất. “Ruộng” tỏi bậc thang ở Lý Sơn hình thành từ đó, không tập trung nhiều một chỗ, nhưng hình thù khá lạ, có nơi cao đến hàng chục bậc.
Những năm gần đây, nghề trồng tỏi ở Lý Sơn đã giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn. Chỉ với nghề trồng tỏi cha ông để lại, bà Toan đã nuôi dạy 5 người con học hành thành đạt. Đây cũng là điểm chung đáng tự hào của người dân Lý Sơn, dù cách xa đất liền, nhưng con em trên đảo đều không thất học.
Trong các bữa ăn, người dân đảo Lý sơn đều dùng tỏi như người thành phố ăn rau sống. Tỏi Lý Sơn không chỉ để ăn, mà còn được chế biến thành nhiều sản phẩm khác, nhưng phổ biến nhất là rượu tỏi một tép (tỏi cô đơn, củ tỏi chỉ có một tép to thay vì nhiều tép nhỏ). Tỏi cô đơn phát triển một cách tự nhiên, ngay cả người trồng cũng không thể tác động được, nên khá hiếm và giá cao gấp hàng chục lần so với tỏi thường.
Để củ tỏi có mùi vị đặc trưng, nông dân Lý Sơn phải kỳ công mang cát từ biển về, trải trên bề mặt lớp đất thịt. Đây là loại cát đặc biệt, được tạo nên bởi những vỏ hàu, vỏ ốc đã phân hóa qua thời gian. Hết kỳ thu hoạch tỏi, lớp cát cũ phải bỏ đi, để năm sau thay vào lớp cát mới thì tỏi mới đạt chất lượng.
Tháng 9 hàng năm, dân đảo xuống giống trên 300 ha tỏi, cần khoảng 30.000 m3 cát biển. Tỏi Lý Sơn chỉ trồng được vụ Đông - Xuân, sau 4 tháng thì thu hoạch. Mùa thu hoạch tỏi ở Lý Sơn rộ từ tháng 2, tháng 3, sau đó cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô và nhiều sản phẩm khác từ tỏi.
Có một thời, người trồng tỏi Lý Sơn ví cây tỏi là “vàng trắng”, nhất là sau khi tỏi Lý Sơn được đăng ký nhãn hiệu, giá tăng cao. Nghề trồng tỏi cho thu nhập cao hơn bất cứ ngành nghề khác trên đảo, nhiều hộ nông dân Lý Sơn thoát nghèo và làm giàu chính nhờ cây tỏi.
Ông Trương Văn Sửu, Chánh văn phòng UBND huyện đảo Lý Sơn chia sẻ, trước đây, người dân Lý Sơn trồng tỏi phụ thuộc vào nước trời, nay điện đã kéo về, nỗi lo về khô hạn đã vơi bớt, bởi có thể sử dụng máy bơm để phục vụ tưới tiêu.
Với điều kiện này, tỏi Lý Sơn hy vọng sẽ phát triển ổn định, đưa thương hiệu “vương quốc tỏi” vang xa. Quan trọng hơn, việc phát triển du lịch kết hợp với tiêu thụ sản phẩm đặc thù từ tỏi hứa hẹn sẽ mang lại cho Lý Sơn một hướng đi mới, một tương lai bừng sáng...