Lý Quang Diệu và câu chuyện kết nối TTCK

(ĐTCK) Sự phát triển ấn tượng của nền kinh tế và TTCK Singapore ngày nay được tạo dựng từ những kiến tạo đột phá của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người vừa qua đời ở tuổi 91. TTCK nước này đang đóng vai trò nòng cốt trong nỗ lực liên thông TTCK ASEAN.
Ông Lý Quang Diệu - Nhà lãnh đạo phi thường (Ảnh: Internet) Ông Lý Quang Diệu - Nhà lãnh đạo phi thường (Ảnh: Internet)

Trong hơn ba thập kỷ làm Thủ tướng, ông Lý Quang Diệu đã làm nên phép màu kinh tế nơi Đảo quốc Sư tử, biến Singapore từ một “làng chài” thành trung tâm tài chính thế giới.

Theo cuốn “From Third world to first -The Singapore Story: 1965 - 2000” (tạm dịch: Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất, lịch sử Singapore năm 1965 - 2000) của mình, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu viết: “Hãy nhìn xem, thế giới tài chính bắt đầu ở Zurich (Thụy Sĩ), các ngân hàng Zurich mở cửa 9 giờ sáng, sau đó đến Frankfurt (Đức), rồi đến London (Anh). Buổi chiều, Zurich đóng cửa, kế đến là Frankfurt, rồi London.

Trong lúc ấy, New York (Mỹ) mở cửa, London chuyển giao dịch tài chính cho New York. Khi New York đóng cửa phiên giao dịch chiều, giao dịch lại được chuyển sang San Francisco (Mỹ). Khi San Francisco đóng cửa, thế giới chìm trong màn đêm, không có gì xảy ra đến mãi 9 giờ sáng hôm sau (giờ Thụy Sĩ), khi đó ngân hàng Zurich mở cửa, bắt đầu chu kỳ tài chính tiếp theo. Nếu đặt Singapore vào giữa, trước lúc San Francisco đóng cửa, thì Singapore sẽ nắm quyền kiểm soát.

Khi Singapore đóng cửa, nó sẽ chuyển quyền giao dịch tài chính thế giới cho Zurich. Với bước đi này, lần đầu tiên, Singapore đã biến thành mắt xích đưa dịch vụ vòng quanh thế giới về tiền tệ, ngân hàng vận hành trong suốt 24 giờ/ngày”.

Giai đoạn 1968 - 1985, trên cương vị Thủ tướng Singapore, bằng việc triển khai hàng loạt chính sách thu hút giới đầu tư tài chính quốc tế như: bãi bỏ thuế giao dịch đối với khách hàng, kiểm soát chặt các hoạt động giao dịch tài chính, chứng khoán và lưu chuyển tiền tệ, Singapore đã trở thành miền đất hứa của giới đầu tư tài chính quốc tế. Đến năm 1990, Singapore đã trở thành một trong 4 trung tâm tài chính thế giới, với thị trường ngoại hối đứng thứ 4 thế giới chỉ sau London, New York và Tokyo.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế và thị trường tài chính, Singapore là đồng sáng lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thành viên trụ cột trong nỗ lực kết nối liên thông TTCK ASEAN.

Nỗ lực của Singapore cùng các thành viên ASEAN khác đã hình thành Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF), với sự tham gia của các cơ quan quản lý thị trường vốn của 10 quốc gia thuộc ASEAN. ACMF được thành lập vào năm 2004 nhằm thúc đẩy hội nhập sâu hơn của các thị trường vốn và đáp ứng các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015.

Một cấu phần quan trọng của Kế hoạch là phát triển thị trường vốn có chiều sâu, có tính thanh khoản và hội nhập cao, nhằm tạo điều kiện cho dòng vốn luân chuyển tự do hơn trong khắp khu vực…

Trong khuôn khổ hợp tác này, liên kết giao dịch ASEAN được khởi đầu vào tháng 9/2012 bằng việc kết nối giao dịch điện tử giữa các Sở GDCK Malaysia, Singapore và Thái Lan. Khuôn khổ chào bán xuyên biên giới của các quỹ đầu tư tập thể (CIS) ASEAN cũng được đưa vào áp dụng ở 3 thị trường này vào tháng 8/2014.

Sự hợp tác giữa các Sở GDCK ASEAN gần đây liên tục được tăng cường và đi vào chiều sâu. Ba Sở GDCK lớn nhất trong khu vực ASEAN hiện nay là Singapore, Malaysia và Thái Lan, xét về quy mô thị trường xếp ở vị trí hơn 20 trên thế giới, nhưng cộng thêm 3 thị trường là Việt Nam, Philippines và Indonesia, thì quy mô lên tới gần 3.000 tỷ USD, xếp thứ 8 trên thế giới. Điều này rất có ý nghĩa trong thu hút sự quan tâm của cộng đồng NĐT quốc tế, nhất là các tổ chức đầu tư lớn.

Hiện trên website của các Sở GDCK ASEAN là www.asean exchanges.org thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến giao dịch của 180 mã cổ phiếu đại diện cho 6 thị trường trong khu vực, trong đó có 30 cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này tạo cơ sở hình thành các bộ chỉ số, từ đó hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới như quỹ ETF của khu vực ASEAN, tiến tới các công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số được xây dựng từ 180 mã cổ phiếu đó. 

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục