Lý giải chuyện “mua vàng lấy may, lỗ ngay khi ra cửa“

(ĐTCK) Ngày vía Thần Tài đầu tuần, không ít người dân đi mua vàng "lấy may" nhưng ngay lập tức chịu lỗ nặng bởi giá vàng đảo chiều bất ngờ.
Giá vàng hiện đang ở mức rất cao là một trong những nguyên nhân khiến người dân không quá mặn mà Giá vàng hiện đang ở mức rất cao là một trong những nguyên nhân khiến người dân không quá mặn mà

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo TPBank cho biết: “Do hiệu ứng của ngày vía Thần tài, rất nhiều người dân đã xếp hàng đi mua vàng trong ngày đầu tuần. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ mở cửa, giá vàng đã giảm mạnh từ 200.000 - 650.000 đồng/lượng. Giá vàng DOJI niêm yết ở mức mua vào - bán ra là 36,8 - 37 triệu đồng/lượng, giảm tương ứng 500.000 đồng chiều mua vào và 300.000 đồng chiều bán ra so với thời điểm mở cửa giao dịch buổi sáng”.

Giá vàng trong nước hiện vẫn cao hơn giá vàng thế giới gần 5 triệu đồng/lượng nên đã phần nào hạn chế nhu cầu.

Đây thực tế là điều khá bất ngờ bởi cuối tuần trước, mỗi lượng vàng miếng SJC bán ra có thời điểm gần vượt mức 38 triệu đồng/lượng. Cụ thể, mở cửa sáng ngày 4/2, DOJI mua vào - bán ra vàng miếng SJC ở mức 37,35 - 37,65 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá tiếp tục được điều chỉnh tăng, có lúc lên 37,85 triệu đồng/lượng. Còn tại PNJ, giá mỗi lượng vàng SJC mua vào - bán ra là 37,5 - 37,95 triệu đồng/lượng.

“Nếu tính từ ngày đầu tháng 2, giá vàng đắt thêm một triệu đồng một lượng. Với những người mua vàng với mức giá tại đỉnh vào đầu ngày Thần tài thì chỉ sau đó 1 ngày đã bị mất hơn 1 triệu đồng mỗi lượng”, giới phân tích nhận định.

Tìm hiểu nguyên nhân của nghịch lý này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu của người dân thực tế không cao như mọi năm. Chưa kể, việc giá vàng hiện đang ở mức rất cao cũng khiến người dân không quá mặn mà. Cụ thể, tính tới cuối năm 2016, giá vàng đã tăng 8% so với đầu năm, sau đó ước tính tăng thêm khoảng 4% trong tháng đầu năm 2017. Nếu so thời điểm này với năm ngoái, giá vàng đã tăng thêm hơn 10%.

“Giá vàng trong nước hiện vẫn cao hơn giá vàng thế giới gần 5 triệu đồng/lượng nên đã phần nào hạn chế nhu cầu. Doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng thời cũng không thể tăng giá mạnh nếu không mức chênh lệch sẽ ngày càng lớn”, vị chuyên gia này nói.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ phân tích, giá vàng trong nước có phụ thuộc vào 2 yếu tố là giá vàng thế giới và đồng USD trên thị trường tự do. Trong những ngày đầu tuần, giá vàng trên thị trường quốc tế duy trì ở mức cao, dù đã có một số điều chỉnh giảm nhẹ. Cụ thể, giá vàng thế giới đầu tuần giao dịch ở 1.237 USD/ounce, mức cao nhất trong 3 tháng qua, sau đó điều chỉnh về 1.234 USD/ounce.

Dù giá vàng thế giới hiện vẫn đang ở mức cao, nhưng USD tự do đã giảm xuống còn 22.800 đồng/USD ngày 7 và 8/2, so với mức 23.050 đồng/USD ngày 6/2.

“Theo đó, giá vàng nội địa đã giảm ngay trong ngày Thần tài”, bà Cúc nói.

Chia sẻ về biến động giá vàng những ngày qua, bà Cúc cũng cho biết, giá vàng miếng SJC từng có lúc tăng cao không phải do doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt tay nhau làm giá mà bởi có thời điểm nhu cầu tăng đột biến, trong khi lượng cung vàng SJC trên thị trường hạn chế. Ngay tại PNJ, doanh nghiệp cũng không có đủ vàng SJC đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng. Công ty phải mua lại từ các doanh nghiệp khác. Khi đó, giá vàng nhập vào bao nhiêu, bán ra như vậy cộng thêm một phần lãi không đáng kể.

“Tôi cho rằng không có gì quá bất thường về giá vàng trong ngày Thần tài. Đối với người dân, nhu cầu thực tế khá nhỏ, tập trung vào vàng trang sức, không phải vàng miếng. Tại PNJ, trong ngày thần tài 6/2, giá 1 chỉ vàng là 3,6 triệu đồng và ngày 8/2, giá được điều chỉnh còn 3,55 triệu đồng. Mức chênh lệch chỉ có 50.000 đồng/chỉ để mua lấy may mắn trong một năm không phải là vấn đề quá lớn đối với người dân”, bà Cúc cho biết.

Thực tế cho thấy, với nguyên tắc “không bỏ trứng chung một giỏ”, nhiều người dân, nhà đầu tư đã lựa chọn các kênh bỏ vốn khác nhau như chứng khoán, bất động sản hay ngoại tệ như USD bởi trong năm 2017, đồng bạc xanh được dự đoán sẽ tăng giá thêm 5%.

Trong một động thái mới nhất, ngay ngày đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017. Trong đó nhấn mạnh việc thực hiện rà soát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 để đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quả thị trường vàng phù hợp với điều kiện thực tế để chuyển hóa nguồn lực vàng, ngoại tệ vào sản xuất kinh doanh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục